Mô hình nuôi cá ruộng ở Định Hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao, song đến nay, số hộ thả nuôi theo hình thức này vẫn còn hạn chế và quy mô nhỏ lẻ, khó tập trung.
Từ nhiều năm nay, sau khi thu hoạch lúa vụ xuân, nhiều hộ dân các xã: Bảo Cường, Đồng Thịnh, Kim Phượng, Phượng Tiến, Đồng Thịnh… (huyện Định Hóa) lại chuẩn bị ruộng, đắp bờ, dẫn nước để thả cá. Ưu điểm của mô hình nuôi cá ruộng là cá lớn nhanh, dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao. Với mỗi sào ruộng có thể thả 3 – 5 kg cá giống (tương đương khoảng 750 – 1.200 con) với giá 70.000 – 80.000 đồng/kg. Cá nuôi trong 35 – 40 ngày có thể bán, cho sản lượng 25 – 30 kg/sào, trừ chi phí bà con có khoản thu nhập trên 1 triệu đồng/sào.
Tuy nhiên, đến nay, mô hình vẫn chỉ tập trung ở một số xã đã có truyền thống nuôi cá ruộng với quy mô nhỏ lẻ, mặc dù từ năm 2011 huyện Định Hóa đã quan tâm và thực hiện một số giải pháp nhằm nhân rộng mô hình như: tập huấn khoa học kỹ thuật cho người dân, triển khai mô hình tại một số xã. Thống kê năm 2013, diện tích ruộng chủ động được nguồn nước ở huyện Định Hóa là gần 300 ha, trong khi đó diện tích thực hiện nuôi cá trên ruộng lúa chỉ đạt trên 40 ha.
Lý giải nguyên nhân, một số hộ dân cho biết, họ gặp khó khăn về vấn đề ô nhiễm nguồn nước do nhiều hộ không nuôi cá thường xuyên phun thuốc bảo vệ thực vật, thêm vào đó là mưa to gây vỡ bờ hoặc ngập lụt cả cánh đồng. Hơn nữa, người nuôi mới chỉ dừng lại việc nuôi cá trong khoảng thời gian chờ đến vụ cấy lúa bao thai (khoảng 30 – 40 ngày). Đến vụ cấy, họ phải bắt hết cá ở ruộng, không duy trì được việc nuôi cá đến khi lúa sắp thu hoạch như đã được tập huấn…
Để nhân rộng mô hình nuôi cá ruộng, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng, chuyên môn nhằm định hướng, tuyên truyền và tổ chức thực hiện giúp nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.