Triển khai Nghị định 67, nhiều ngân hàng đã và đang tiếp tục tạo thuận lợi cho ngư dân tiếp cận vốn. Điển hình trong đó có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Thanh Hóa.
Hoạt động tích cực
Hiện, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt danh sách 47 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn theo Nghị định 67, trong đó có 35 chủ tàu thuộc địa bàn hoạt động của Agribank chi nhánh Thanh Hóa tại 3 huyện: Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia. 100% khách hàng này đã được Agribank chi nhánh Thanh Hóa tiếp cận để tuyên truyền về mục đích, yêu cầu và điều kiện vay vốn; hướng dẫn thiết lập, bổ sung các điều kiện và hồ sơ, thủ tục theo quy định.
Trong quá trình thực hiện, Agribank Thanh Hóa đã nghiên cứu, triển khai một cách bài bản, nhiều giải pháp phù hợp với thực tế tại địa phương; Chỉ đạo các chi nhánh ven biển thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống các xã tuyên truyền nội dung Nghị định 67 và các văn bản liên quan cho khách hàng, nắm bắt nhu cầu vốn, thẩm định sơ bộ, hướng dẫn thủ tục để khi được UBND tỉnh phê duyệt thì có thể hoàn thiện hồ sơ để thẩm định cho vay được ngay.
Bước khởi đầu
Sau hơn 1 năm triển khai, các chi nhánh Agribank ven biển thuộc tỉnh Thanh Hóa (Tĩnh Gia, Nghi Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Quảng Xương) đã tổ chức tiếp cận đến 100% khách hàng theo danh sách phê duyệt của UBND tỉnh, thẩm định sơ bộ khách hàng. Vừa qua, Agribank chi nhánh Thanh Hóa đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng tín dụng cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ và tàu thu mua, dịch vụ hậu cần nghề cá cho 2 khách hàng ở huyện Tĩnh Gia. Dự án thứ nhất là của hộ gia đình ông Trần Văn Thượng, xã Nghi Sơn, đóng tàu vỏ thép công suất 811 CV, tổng vốn đầu tư 15 tỷ 962 triệu đồng, vốn Agribank cho vay 12 tỷ 150 triệu đồng, thời hạn 15 năm. Dự án thứ hai là của Công ty CP Thương mại vận tải và Chế biến hải sản Long Hải, ở xã Hải Bình đầu tư đóng mới tàu hậu cần nghề cá vỏ gỗ công suất 829 CV, tổng vốn đầu tư 8 tỷ 856 triệu đồng, vốn Agribank cho vay 6 tỷ 200 triệu đồng, thời hạn 15 năm. Đại diện khách hàng vay vốn cam kết sẽ sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, đem lại hiệu quả cao, trả lãi đúng kỳ hạn.
“Từ cuối năm 2014, được sự hướng dẫn, tư vấn của chính quyền và cán bộ Agribank chi nhánh Nghi Sơn, gia đình tôi đã nhận thức đầy đủ về quy định cho vay theo Nghị định 67, mạnh dạn đề xuất và được tạo điều kiện tiếp cận, hoàn chỉnh hồ sơ để vay vốn đóng mới tàu vỏ thép 811 CV, qua đó sẽ nâng cao năng suất lao động và hiệu quả khai thác hải sản” – Ông Trần Văn Thượng, ngư dân vay vốn đóng mới tàu khai thác xa bờ vỏ thép theo Nghị định 67.
Để triển khai có hiệu quả Nghị định 67, theo kế hoạch, trong giai đoạn 2014 – 2016, Agribank đã cam kết dành nguồn vốn 5.000 tỷ đồng để cho vay và tới đây sẽ phấn đấu giải ngân 1.000 tỷ đồng. Đến nay, các chi nhánh Agribank đã ký kết với khách hàng tại 12 địa phương để cho vay đóng mới, nâng cấp 21 tàu khai thác xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác và cho vay vốn lưu động 13 tàu; tổng giá trị các hợp đồng tín dụng cam kết gần 220 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân được gần 64 tỷ đồng.
>> Ông Trịnh Ngọc Thanh, Giám đốc Agribank Thanh Hóa: Các chi nhánh ngân hàng cơ sở, các phòng tại Agribank tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới trọng tâm làm tốt hơn công tác tư vấn, hướng dẫn, tuyên truyền đến khách hàng; sưu tầm tài liệu định mức kinh tế kỹ thuật của từng loại tàu, đặc biệt là chi phí cho từng chuyến đánh bắt xa bờ để cung cấp cho các ngân hàng cơ sở tham khảo, tư vấn cho khách hàng biết. |