T2, 06/07/2020 11:41

Thanh Hóa: Cụ thể hóa Nghị định 67

Chưa có đánh giá về bài viết

Thay vì để ngư dân “tự bơi” trong quá trình hoàn thiện các thủ tục hành chính xin vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá theo chính sách tín dụng Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh hướng dẫn cụ thể từng trình tự, thủ tục, phương án sản xuất đối với các loại tàu… giúp ngư dân tiết kiệm thời gian, kinh phí.

Sáng tạo “độc nhất vô nhị” 

Theo Quyết định của Bộ NN&PTNT, Thanh Hóa được phân bổ đóng mới 90 tàu khai thác có công suất từ 400 CV trở lên và 4 tàu dịch vụ hậu cần. Trên cơ sở đó, việc đóng tàu dự kiến thực hiện qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ triển khai từ tháng 9/2014 đến tháng 6/2015, đóng mới 10 tàu vỏ sắt, 20 tàu vỏ gỗ và 2 tàu dịch vụ hậu cần; nâng cấp 40 tàu khai thác hải sản có công suất máy chính dưới 400 CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên. Giai đoạn 2 từ tháng 7/2015 đến tháng 12/2016, đóng mới 60 tàu khai thác hải sản và 2 tàu dịch vụ hậu cần; nâng cấp toàn bộ tàu khai thác có công suất máy chính dưới 400 CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên, đối với chủ tàu có nhu cầu…

Kết quả rà soát đợt 1 có 43 tàu khai thác và 4 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của 4 huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia và thị xã Sầm Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đủ điều kiện tham gia vay vốn theo chính sách Nghị định 67. Tuy nhiên, quá trình triển khai, ngư dân hoàn toàn không biết bắt đầu từ đâu, bởi nhiều hướng dẫn trong Nghị định 67 chỉ ghi chung chung, khi chủ tàu đến các cơ quan xin giấy tờ thì vẫn gặp phải tình trạng hành… là chính.

“Nguyện vọng của chúng tôi là các cơ quan chức năng tạo điều kiện để ngư dân hoàn thành thủ tục, hồ sơ vay vốn một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất. Chứ cứ kiểu đến đâu cũng bắt chờ rồi phải nhờ vả người này, người khác khiến chúng tôi “rất oải”. Thậm chí, nhiều người muốn bỏ cuộc chỉ vì thủ tục quá rườm rà”, một chủ tàu ở thị xã Sầm Sơn chia sẻ với phóng viên.

Ở Thanh Hóa, ngư dân không phải “tự bơi” khi tiếp cận vốn Nghị định 67

Nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của ngư dân, cuối năm 2014 liên ngành Sở NN&PTNT, Sở Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa đã xây dựng, ban hành mẫu phương án sản xuất, phương án kinh doanh đối với tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần và hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký, xác nhận, thẩm định hồ sơ cho các đối tượng đề nghị vay vốn đóng mới tàu cá theo chính sách Nghị định 67. “Đây được xem là sáng tạo “độc nhất vô nhị” chưa địa phương nào trên cả nước nghĩ đến, nên được các cấp ngành, Bộ NN&PTNT ghi nhận, đánh giá rất cao”, ông Lê Đức Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa vui mừng nói.

 

Gỡ khó cho ngư dân

Phương án sản xuất, kinh doanh tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần được Sở NN&PTNT xây dựng thành một mẫu văn bản chung, ngư dân chỉ cần in ra và điền đầy đủ các thông tin vào chỗ trống. Đối với các thủ tục hành chính khác, Nghị định 67 hướng dẫn chung chung, nên Thanh Hóa cụ thể hóa bằng cách hướng dẫn ngư dân từng thành phần hồ sơ như soạn mẫu Đơn đăng ký vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá; cung cấp bản sao công chứng bằng (chứng chỉ) thuyền trưởng lái tàu; bản sao giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; cam kết của chủ tàu mua đầy đủ bảo hiểm cho tàu cá… UBND cấp xã, huyện, tỉnh phải làm những gì…

“Khi có hướng dẫn trong tay ngư dân chỉ cần dựa vào đó hoàn thiện các thủ tục, họ không phải lần mò nhờ người này viết đơn, người kia xác nhận cho cái dấu. Cách làm này vừa giúp ngư dân tiết kiệm thời gian, tiền bạc vừa ngăn chặn “căn bệnh” hành… là chính ở một số cơ quan hành chính địa phương, cũng là cách để “giữ” cán bộ”, ông Giang chia sẻ thêm.

Được biết, việc ban hành các văn bản trên ban đầu cũng có một số cán bộ trong ngành thủy sản và chính quyền địa phương không đồng tình nhưng với phương châm hỗ trợ hết mình cho ngư dân, Ban Chỉ đạo quyết liệt thực hiện vấn đề này.

Chủ tàu Đặng Văn Giỏi, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc đánh giá: “Mẫu văn bản, hướng dẫn mà các sở ngành đã ban hành rất hữu ích và tiện lợi. Nếu để chúng tôi tự viết đơn chắc phải năm bảy lần mới được, thậm chí một số thủ tục như xin dấu, công chứng, lập phương án sản xuất… đôi khi phải “mua” thì mới xong được, như vậy ngư dân sẽ tốn kém nhiều khoản”. Ông Giỏi dự kiến đóng tàu vỏ thép công suất 800 CV, tổng kinh phí 14 tỷ đồng.

Ngoài sáng tạo đơn giản hóa thủ tục hành chính, Thanh Hóa còn thành lập Ban chỉ đạo gồm các sở ban ngành liên quan, UBND các huyện, xã có đối tượng đề nghị vay vốn theo Nghị định 67 đi tham quan các cơ sở đóng tàu trong và ngoài tỉnh như Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An… Đồng thời, tổ chức hội nghị giúp ngư dân tiếp cận cơ quan chức năng, cơ sở đóng tàu, đơn vị thiết kế, để họ chủ động nắm bắt thông tin kịp thời, tiết kiệm chi phí đi lại cho chủ tàu.

“Ngư dân có đi tham quan cũng không thể biết ông nào mạnh về tài chính, ông nào đủ giấy phép hay trang thiết bị để đóng tàu…Vì vậy, Ban chỉ đạo tổ chức đi tham quan chính là thay như dân đánh giá các điều kiện trên, tránh tình trạng cơ sở đóng tàu lừa ngư dân”, ông Giang nhấn mạnh.

Kết quả đến thời điểm này, ngoài 7 cơ sở đóng tàu trong tỉnh còn có 9 cơ sở ngoài tỉnh vào cuộc tiếp xúc ngư dân, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị định 67.

>> “Theo đánh giá của ngân hàng, sau khi thẩm định 47 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần theo Nghị định 67 vẫn có một số hộ chưa thể hiện được vốn đối ứng, một số hộ khác đã thể hiện được vốn đối ứng nhưng còn trông chờ xem có được hỗ trợ gì từ chính sách không!”, ông Lê Đức Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa.

Thanh Nga

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!