Thanh Hóa: Nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Trung Sơn

Chưa có đánh giá về bài viết

Tận dụng lợi thế nguồn nước từ lòng hồ thủy điện Trung Sơn (Quan Hóa), nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng bè; mô hình đã mang lại việc làm với thu nhập ổn định cho hàng chục hộ dân trên địa bàn

Mô hình nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện Trung Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Hồ thủy điện Trung Sơn trên sông Mã còn có thêm nguồn nước từ suối Quanh, suối Con, suối Pôi chảy về. Nước nguồn trong xanh do chảy ra từ rừng tự nhiên nên rất thích hợp cho việc nuôi các loại cá lồng chất lượng cao, như: cá lăng đen, cá ké, cá trắm cỏ, trắm đen, cá dầm xanh và nhiều loại cá khác… Trước kia, nhiều hộ dân tại địa phương chủ yếu mưu sinh dựa vào đánh bắt trực tiếp cá dưới lòng hồ, hầu hết theo phương thức tận diệt. Sau khi được chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền tác hại của khai thác tận diệt, người dân đã bỏ các hình thức đánh bắt bằng kích điện, vó… Thay vào đó, người dân đã đầu tư phát triển nuôi cá lồng bè, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững hơn.

Anh Đinh Công Chức ở thôn Tà Bán, xã Trung Sơn là một trong những hộ đầu tiên chuyển đổi từ đánh bắt trên lòng hồ sang nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Trung Sơn. Đến nay, gia đình anh đã phát triển được 6 ô lồng nuôi cá. Anh Chức cho biết: “Nhờ lợi thế dòng nước lưu thông liên tục, mực nước mặt hồ ổn định, môi trường trong lành và chăm sóc đúng kỹ thuật nên cá sinh trưởng và phát triển ổn định, chất lượng thịt cá tốt. Trong quá trình nuôi, các lồng, bè được kết nối với nhau một cách hợp lý, khoảng cách giữa các phao, bè phù hợp, bảo đảm cự ly, lưu thông mặt nước, giúp tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cá. Yếu tố quyết định thành công của nghề nuôi cá lồng trên hồ thủy lợi là nhờ có dòng nước lưu thông từ các con suối đến lòng hồ nên không phải lo lượng thức ăn thừa, phân cá tồn đọng như nuôi trong ao. Do đó giảm thiểu được khâu xử lý môi trường, giảm được rất nhiều chi phí. Cùng với đó, lợi thế dòng nước lưu thông liên tục còn cung cấp lượng oxi cho cá khi nuôi với mật độ cao, nên thuận lợi cho cá nuôi phát triển tốt, chất lượng thịt cá chắc, ngon hơn, thị trường tiêu thụ ổn định. Hàng năm, mỗi lồng cá của gia đình tôi cho thu hoạch đạt từ 40 đến 50 triệu đồng, trừ chi phí mỗi năm thu lãi khoảng 150 triệu đồng từ nghề nuôi cá lồng”.

Từ hiệu quả của một số hộ dân nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Trung Sơn, với mục tiêu phát triển nuôi cá lồng theo hướng hiệu quả, bền vững, đầu năm 2023, xã Trung Sơn đã thành lập HTX cựu chiến binh nuôi cá lồng với 16 hộ tham gia. Việc thành lập HTX đã giúp các thành viên liên kết, hỗ trợ nhau từ khâu lựa chọn giống, đến kỹ thuật chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, sau hơn một năm thành lập, HTX đã có 47 hộ tham gia, với 102 lồng, bè cá. Tổng vốn đầu tư của các mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Trung Sơn là 2,35 tỷ đồng. Sản lượng cá thương phẩm xuất bán năm 2023 đạt 55 tấn, mang lại nguồn thu khoảng 3,85 tỷ đồng; 7 tháng năm 2024 đạt khoảng 38 tấn, có giá trị hơn 2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để mô hình này được nhân rộng, cần có định hướng phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường chứ không ồ ạt, dẫn tới khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Hơn nữa, người dân cần được hướng dẫn kỹ thuật nuôi thủy sản, sử dụng các loại thức ăn phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cũng như tránh tình trạng ô nhiễm môi trường. Các đơn vị liên quan nên mở thêm các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh thủy sản; tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư mở rộng sản xuất, giúp nghề nuôi cá lồng trên hồ thủy điện phát triển bền vững.

Ông Ngô Sỹ Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn, cho biết: “Việc nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Trung Sơn đã khai thác được tiềm năng và lợi thế của địa phương, từ đó giúp các hộ dân nâng cao thu nhập. Vì vậy chúng tôi tiếp tục khuyến khích các hộ dân phát triển nghề nuôi cá lồng. Đồng thời tăng cường quản lý tốt quy hoạch vùng nuôi, bảo vệ tốt môi trường và nâng cao thương hiệu sản phẩm. Xã cũng đang rà soát, đánh giá điều kiện về môi trường và nguồn nước, từ đó quy hoạch mở rộng quy mô vùng nuôi phù hợp. Cùng với đó, đấu mối với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Quan Hóa và các doanh nghiệp, tạo điều kiện để các hộ dân tiếp cận với nguồn vốn, nguồn cá giống bảo đảm chất lượng và có đầu ra ổn định”.

Bài và ảnh: Khánh Phương

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!