Thanh Hóa: Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nghề biển phát triển

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo Sở NN&PTNT Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 1.128/1.135 tàu cá đã kích hoạt thiết bị giám sát hành trình, đạt 99,4%. Trong năm 2021, toàn tỉnh có 1.897 lượt tàu rời cảng, 1.339 lượt tàu cập cảng, thu 1.090 nhật ký khai thác thủy sản, đạt 81,4% số tàu cập cảng. Địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản, đảm bảo sinh kế lâu dài cho các ngư dân.

Phát triển nghề cá

Tính đến ngày 15/3/2022, toàn tỉnh Thanh Hóa có 6.694 tàu cá, trong đó: tàu có chiều dài dưới 12 m là 4.544 tàu, từ 12 – 15 m là 978 tàu, từ 15 m trở lên là 1.172 tàu. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản năm 2021 là 201.687 tấn; trong đó khai thác 135.893 tấn (khai thác biển 131.544 tấn, nội địa 4.349 tấn). Sản lượng khai thác thủy sản 2 tháng đầu năm 2022 là 21.428 tấn, trong đó: khai thác biển 20.708 tấn; khai thác nội địa:720 tấn.

Cơ cấu nghề khai thác thủy sản trong tỉnh đa dạng, từ các nghề truyền thống khai thác ven bờ đến các nghề khai thác xa bờ, cơ cấu nghề được phân bố chủ yếu: nghề lưới kéo, chiếm 23,87%; nghề lưới vây, chiếm 2,79%; nghề lưới rê, chiếm 12,94%; nghề câu, chiếm 5,99%; nghề chụp, chiếm 6,53%; hậu cần, chiếm 2,41%; nghề lồng bẫy và nghề khác, chiếm 45,47% tổng số tàu cá.

Thanh Hóa có 4 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, gồm: 1 khu neo đậu cấp vùng (Lạch Hới – Sầm Sơn); 3 khu neo đậu cấp tỉnh (Lạch Bạng – Hải Thanh, Lạch Trường – Hậu Lộc, Sông Lý – Quảng Xương). Các cơ sở cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá: 32 cơ sở đóng, sửa tàu cá; 96 cơ sở sản xuất nước đá; 15 cơ sở sản xuất ngư cụ.

Hiện, có hơn 40 doanh nghiệp, cơ sở, đại lý thu mua đã đầu tư cho hơn 200 tàu cá (số tiền từ 100 – 600 triệu đồng/tàu), hàng năm đã tiêu thụ hơn 30.000 tấn/năm, tạo việc làm cho gần 4.000 ngư dân và người lao động. Hình thức liên kết đã giảm các khâu trung gian, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá thành sản phẩm ổn định, chủ động nguyên liệu trong sơ chế, chế biến, góp phần đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm cho thị trường, tạo việc làm ổn định cho người lao động.

tàu cá thanh hóa

Tỉnh Thanh Hóa đã cấp phép khai thác thủy sản cho 1.728/2.113 tàu cá, đạt tỷ lệ 81,8%. Ảnh: Tuấn Minh

Qua tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đa số ngư dân các địa phương ven biển ở Thanh Hóa đã chủ động thông báo trước khi cập/rời cảng cá cũng như chủ động lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, tuân thủ các quy định trong khai thác thủy sản cũng như chấp hành tốt kiểm tra của các cơ quan chức năng… Các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại các cửa lạch, trên biển về chấp hành các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU, đặc biệt là quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá trên 15 m. Thanh Hóa cũng kiên quyết không cho các tàu cá đi hoạt động trên biển khi không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, không đảm bảo trang thiết bị, thủ tục giấy tờ theo quy định. Năm 2021, Thanh Hóa đã xử lý 100 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản với tổng số tiền xử phạt là 729 triệu đồng; 3 tháng đầu năm 2022 đã xử lý 30 vụ với tổng tiền phạt là 252 triệu đồng. 

Quyết liệt hơn nữa

Tại buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa chiều 21/3 về tình hình triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU nhấn mạnh, Thanh Hóa cần tăng cường tuyên truyền cho ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan để hiểu rõ, nắm bắt và cam kết thực hiện tốt các quy định về phòng, chống khai thác IUU. Đồng thời, cần khẩn trương hoàn thiện, cập nhật lại cơ sở dữ liệu VMS đối với các tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên và thường xuyên rà soát, cập nhật chính xác số liệu lên phần mềm Vnfishbase khi có phát sinh dữ liệu tàu cá. 

Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến bảo tồn biển trong phát triển thủy sản; khẩn trương xây dựng đề án hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân làm cơ sở để Bộ xem xét, bố trí vốn. Địa phương cũng cần kiên quyết hơn nữa trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với các tàu cá vi phạm để răn đe; xây dựng cơ chế hoạt động giữa các lực lượng liên quan để giám sát tốt hành trình hoạt động của các tàu cá cũng như ghi nhật ký nhật ký khai thác của ngư dân; tăng cường sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá, truy xuất nguồn gốc và nhật ký điện tử giúp quản lý hiệu quả việc khai thác IUU… 

Để công tác triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Bộ NN&PTNT sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt 2 quy hoạch quan trọng của ngành thủy sản là: Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai thực hiện nâng cấp, mở rộng Cảng cá Lạch Hới, Lạch Bạng để đáp ứng tiêu chí cảng cá loại I và theo khuyến nghị của EC. Sớm xem xét xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ giải bản, chuyển đổi tàu cá làm nghề lưới kéo, tàu cá khai thác ven bờ sang các nghề thân thiện với môi trường khai thác vùng khơi. Triển khai các dự án ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác thủy sản, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch mới hiệu quả, nâng cao giá trị, thân thiện với môi trường ứng dụng vào thực tiễn; ứng dụng và thông tin kịp thời dự báo ngư trường trên các phương tiện thông tin đại chúng để ngư dân tiếp cận và khai thác phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản trên biển hiệu quả.

Hiện nay nhiều hạng mục công trình tại các cảng cá, khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá tại tỉnh Thanh Hóa đã xuống cấp, luồng lạch vào cảng, khu neo đậu bị bồi lắng, chưa đáp ứng được yêu cầu neo đậu, bốc dỡ sản phẩm, gây khó khăn cho tàu ra vào cảng, khu neo đậu tránh trú bão, ảnh hưởng đến việc khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC.

Diệu An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!