Thành tựu nổi bật trong sản xuất giống

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 27/7/2012, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định 1771/QĐ-BNN-TCTS về quy hoạch hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản đến năm 2020. Sau một thời gian thực hiện, đến nay đã thu được những kết quả rất khả quan.

Kết quả chung

Công tác quản lý nhà nước được tăng cường để xiết chặt quản lý chất lượng con giống, hệ thống sản xuất, lưu thông tiêu thụ giống thủy sản. Theo đó, đã mang lại nhiều kết quả thiết thực trong ngành. Đồng thời, tiếp tục đầu tư, nâng cấp cho Trung tâm Quốc gia giống thủy sản, Trung tâm Giống thủy sản cấp I và vùng sản xuất giống thủy sản tập trung ở Nam Trung bộ, đảm bảo điều kiện sản xuất giống theo quy định pháp luật và kiểm soát được chất lượng giống.

Quy hoạch một số khu sản xuất giống tập trung như: Vùng sản xuất giống có quy mô lớn hơn 50 ha tại các tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và quy mô nhỏ hơn 50 ha ở Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Tiền Giang.

thành tựu trong sản xuất giống thủy sản

Mục tiêu đến năm 2020, sẽ thay thế hoàn toàn cá tra chất lượng kém – Ảnh: Minh Triết

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống tập trung, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy và khuyến khích nghiên cứu trong nước để từng bước làm chủ công nghệ mới trong sản xuất giống, đặc biệt là giống tôm bố mẹ. 

Hiện nay, ngành thủy sản đã làm chủ kỹ thuật sinh sản nhân tạo các đối tượng tôm sú, tôm rảo, tôm càng xanh, tôm đất, cua, cá tra, basa, cá rô phi, các loài cá nước ngọt và cá biển có giá trị kinh tế cao và thích nghi tốt. Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng các đối tượng nuôi, các giống đặc sản (lươn, ếch, ba ba, tôm càng xanh, cá chình, rô phi…) và các giống thủy sản mới như cá nước lạnh, cá cảnh… Nâng cao chất lượng sản xuất giống cá tra, dần thay thế đàn cá bố mẹ kém chất lượng. Cùng đó, nghiên cứu sản xuất thành công được nhiều đối tượng thủy sản mới, giá trị cao như cá nước lạnh, cá nheo Mỹ…

Ứng dụng công nghệ di truyền, chọn giống để cải thiện chất lượng giống thủy sản theo hướng phát triển những tính trạng trội như tăng trưởng nhanh, kháng bệnh tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên. Theo đó, đã được tạo ra giống thủy sản chất lượng cao, góp phần đáng kể tăng năng suất và hiệu quả nuôi.

Để chủ động nguồn tôm trong nước, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các Viện Nghiên cứu NTTS I, II, III tập trung nghiên cứu, sản xuất giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ. Đến nay, công tác nghiên cứu, chọn tạo đã thành công; một thời gian ngắn nữa có thể đánh giá và cung cấp cho các cơ sở sản xuất.

 

Sản xuất, cung ứng

Sau quy hoạch, nhiều trang trại nuôi trồng có quy mô lớn của cả nước cũng như nông hộ đã ra đời, đáp ứng cung cấp nguồn giống và tạo động lực thúc đẩy cho sự phát triển của nghề thủy sản ở mức độ thâm canh cao ta. Cụ thể, đã tập trung nguồn lực để tạo nguồn giống sạch bệnh, điển hình có các đối tượng như tôm thẻ chân trắng, tôm sú và cá tra, cá rô phi, tôm càng xanh, cá biển…

Hiện, cả nước có 230 cơ sở sản xuất giống cá tra, trên 4.000 hộ ương dưỡng cá giống với diện tích trên 2.250 ha, tập trung ở các tỉnh ĐBSCL, sản xuất được hơn 2 tỷ cá tra giống, đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi của người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ cá tra giống đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu nuôi còn thấp, do tình trạng cá tra bố mẹ chất lượng kém phổ biến.

Theo báo cáo của các tỉnh/thành phố, cả nước có khoảng 240 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cá rô phi, trong đó, 44 cơ sở có nuôi giữ đàn cá rô phi bố mẹ với khoảng 940.000 con, sản xuất được khoảng 455 triệu cá rô phi giống, đủ để cung cấp cho diện tích thả nuôi, tuy nhiên giống rô phi đảm bảo chất lượng phục vụ cho nuôi xuất khẩu còn hạn chế.

Thực tế hiện nay, nguồn ngao (nghêu) bố mẹ ngoài tự nhiên bị giảm nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng. Nguồn giống sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 50%, còn lại từ tự nhiên và nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan. Chất lượng giống từ nguồn nhập kém, sinh trưởng chậm đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư của một số hộ nuôi.

Nhu cầu giống tôm càng xanh phục vụ nuôi thương phẩm hàng năm cần 1,8 – 2 tỷ con. Tuy nhiên, nguồn tôm bố mẹ chưa được chủ động, việc sản xuất còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chính vì vậy, khả năng cung cấp giống tại chỗ mới đáp ứng được khoảng 45 – 50% nhu cầu thả nuôi, số còn lại phải nhập từ Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan.

Gần đây, việc phát triển mạnh nghề nuôi cá nước lạnh khiến nhu cầu con giống rất lớn, một năm cần khoảng hơn 3 triệu con. Đến nay, các viện nghiên cứu và doanh nghiệp đã nghiên cứu công nghệ sản xuất giống nhân tạo giống cá tầm trong nước, bước đầu thành công, tuy nhiên còn phụ thuộc nhiều vào nguồn trứng cá thụ tinh nhập khẩu từ các nước như Nga, Đức…

>> Mục tiêu đến năm 2020, nước ta sẽ chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống phục vụ nuôi trồng; trong đó 75% giống sạch bệnh. Cụ thể, số lượng giống tôm sú là 29 tỷ con, tôm thẻ chân trắng 57 tỷ con, cá tra 3,5 tỷ con, rô phi 400 triệu con, tôm càng xanh 2 tỷ con, nhuyễn thể 60 tỷ con, cá nước ngọt truyền thống 19 tỷ con, cá biển 300 triệu con, tôm hùm 15 triệu con, thủy đặc sản 500 triệu con.

Nguyễn Nhung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!