(TSVN) – Với nội dung xoay quanh các vấn đề giải pháp thực hiện nhiệm vụ thí điểm phát triển NTTS trên biển quy mô công nghiệp giai đoạn 2021 – 2025; định hướng và giải pháp phát triển nuôi biển năm 2030; Hội thảo Quốc gia về nuôi biển năm 2022 do Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Quảng Ninh cùng Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 3/11 đã thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư, NTTS trên biển tham dự.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, dự kiến năm 2022, cả nước phấn đấu diện tích nuôi biển đạt 80.000 ha (chưa tính nuôi xen ghép) và 9 triệu m3 lồng nuôi. Tổng sản lượng nuôi biển đạt 750.000 tấn. Trong đó một số đối tượng nuôi chính như: Cá biển đạt diện tích 11.000 ha và 4 triệu m3 lồng nuôi, sản lượng đạt 65.000 tấn; nhuyễn thể đạt 57.000 ha và 1 triệu m3 lồng bè, sản lượng đạt 480.000 tấn; tôm hùm đạt 4 triệu m3 lồng, sản lượng đạt 2.500 tấn; rong biển đạt 11.000 ha, sản lượng đạt 150.000 tấn; các đối tượng khác đạt sản lượng 52.500 tấn. Dự kiến đến năm 2023, diện tích nuôi biển đạt 90.000 ha (chưa tính nuôi xen ghép) và 9,5 triệu m3 lồng nuôi. Tổng sản lượng nuôi biển đạt 850.000 tấn. Trong đó, một số đối tượng nuôi chính như: Cá biển đạt 15.000 ha, 4,3 triệu m3 lồng nuôi, tổng sản lượng đạt 75.000 tấn; nhuyễn thể đạt 57.000 ha, 1 triệu m3 lồng bè, sản lượng đạt 630.000 tấn; tôm hùm đạt 4,2 triệu m3 lồng bè, sản lượng đạt 2.800 tấn; rong biển và các đối tượng khác đạt 18.000 ha, sản lượng đạt 142.200 tấn.
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng và Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển nuôi biển nói chung và nuôi biển công nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, phát triển ngành nuôi biển ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Quy hoạch và thực hiện quy hoạch nuôi biển chưa tốt. Tình trạng hoạt động nuôi biển tự phát, phá vỡ quy hoạch còn phổ biến dẫn đến ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, hạ tầng phục vụ nuôi biển công nghiệp chưa phát triển đồng bộ, nguồn lực cho phát triển nuôi biển nói chung và nuôi biển công nghiệp còn hạn chế…
Tham luận tại Hội thảo, đại diện các tỉnh, thành phố có biển, đơn vị, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản đã nêu lên thực trạng và những hạn chế của nghề nuôi biển của Việt Nam. Đó là hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ nuôi biển còn nhiều hạn chế, chậm, dàn trải, thiếu đồng bộ. Thị trường tiêu thụ còn nhiều bất cập khi nuôi biển với quy mô công nghiệp. Việc sản xuất và cung cấp thức ăn chuyên cho nghề nuôi cá biển vẫn là một khâu chưa phát triển mạnh. Phần lớn lượng thức ăn công nghiệp cho nuôi biển do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất hoặc nhập ngoại nên khó kiểm soát được giá thành, chất lượng, nguồn gốc của thức ăn cũng như khả năng và các phương thức cung cấp. Đây là một trong những yếu tố tác động đến phát triển bền vững của nuôi trên biển hiện nay, dẫn đến nghề nuôi biển chậm phát triển. Vấn đề con giống nuôi trồng cũng chưa đáp ứng nhu cầu nuôi biển bền vững. Việc cấp phép giao mặt biển phục vụ nuôi trồng với diện tích lớn cũng còn nhiều bất cập.
Giải pháp tháo gỡ những “điểm nghẽn” trên của ngành nuôi biển, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, chúng ta tổ chức lại sản xuất cho người dân ở ven biển, tổ chức sản xuất thông qua ứng dụng công nghệ, đặc biệt là phải phù hợp với sức tải của môi trường. Chúng ta đã có những phương án như quy hoạch lại vùng sản xuất, thay đổi, chuyển giao khoa học công nghệ, quan trọng hơn nữa là mong muốn tích hợp những giá trị khác, như từ du lịch, từ đó đời sống của người dân sẽ tốt hơn và bền vững hơn.
Năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nuôi biển là thu hút đầu tư; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ con giống, vật tư vật liệu, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tổ chức lại các cơ sở nuôi nhỏ lẻ; hình thành kênh cung cấp thông tin cho các cơ sở nuôi biển; xây dựng cơ chế liên kết với ngành kinh tế khác… Mục tiêu chung là phát triển nuôi biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm có thương hiệu đáp ứng nhu cầu thị trường, giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế – xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biển đảo. Đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha, sản lượng 850.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 800 triệu đến 1 tỷ USD.
Hải Lý