Tháo gỡ điểm nghẽn trong xuất khẩu thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngành thủy sản đứng trước nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, để tận dụng lợi thế cũng như vượt qua rào cản, nhất thiết phải nâng cao chất lượng cho chuỗi sản xuất, chế biến cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó, quan trọng là vấn đề “chớp thời cơ”.


Ngành thủy sản đứng trước nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu

Nhiều dư địa

2019 được nhận định là năm mà ngành thủy sản Việt Nam có điều kiện thuận lợi để khôi phục lại sức mua ở các thị trường quan trọng, củng cố đà tăng trưởng do những tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do có quy mô và tác động lớn.

Cơ hội đầu tiên đến từ sự kiện CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ tháng 1/2019. Theo đó, gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có thủy sản vào các nước thành viên CPTPP sẽ được xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu ngay lập tức hoặc theo lộ trình. 2019 cũng là năm đánh dấu hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế trong Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào Nhật khi thuế nhập khẩu tất cả các dòng thủy sản từ Việt Nam tại đây đã được đưa về 0%. Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cũng đang được các thành viên tích cực hoàn tất thủ tục để sớm đi vào thực thi.

Cùng đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản cũng gia tăng hơn sẽ là điều kiện giúp các sản phẩm chủ lực thiết lập mức tăng trưởng xuất khẩu mới. Đại diện Ủy ban Tôm VASEP cho biết, với mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 4,2 tỷ USD trong năm 2019, Mỹ được xác định là thị trường tăng trưởng chủ chốt trong năm 2019 với kim ngạch dự kiến sẽ đạt 750 triệu USD, tăng 17,6% so năm 2018. Song song đó, nhu cầu của thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam hiện nay là EU cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là ở Anh và Hà Lan. Đó là cơ sở để ngành tôm đưa kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU đạt mức 1 tỷ USD trong năm 2019.

Với sản phẩm cá tra, bà Trương Thị Lệ Khanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn cho biết, vị thế của cá tra trên thị trường thủy sản thế giới đang từng bước được khẳng định. Hiệu quả công tác xúc tiến thương mại trong nhiều năm cộng với nhu cầu thị trường đối với mặt hàng cá tra đang có xu hướng tăng lên đã giúp sản phẩm cá tra Việt Nam đang có thị phần tiêu thụ nhất định và được người tiêu dùng thế giới đón nhận.

Vượt rào cản

Việt Nam được nhận định nằm trong top 5 nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới nhưng khả năng duy trì sự phát triển còn hạn chế. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP nhận định, thách thức tổng thể của NTTS Việt Nam là quy hoạch và kiểm soát quy hoạch trong cả chuỗi còn thiếu đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến chất lượng tăng trưởng cũng như khả năng cạnh tranh. Trong đó, chất lượng và nguồn cung con giống không ổn định, cụ thể là tỷ lệ sống thấp, trại ương giống quy mô nhỏ, khó quản lý; chi phí con giống, thức ăn, hóa chất, nhiên liệu đều cao nên giá thành sản phẩm cao.

Như với cá tra, thách thức đầu tiên là con giống. Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang chia sẻ, việc sản xuất cá giống theo hình thức nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch tập trung là nguyên nhân dẫn đến chất lượng con giống kém, tỷ lệ nuôi sống thành cá thương phẩm rất thấp. Với những ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, biến đổi khí hậu như hiện nay, tỷ lệ hao hụt trong nuôi cá tra có nguy cơ sẽ tiếp tục tăng lên, nếu không có giải pháp cải thiện sẽ gây lãng phí lớn về kinh tế làm giảm sức cạnh tranh của cá tra Việt Nam… Còn với con tôm, thách thức chính là những phụ phẩm trong chế biến hiện chưa được tận dụng hết. Ông Phan Thanh Lộc, Giám đốc Công ty Vietnamfood thông tin, mỗi năm có khoảng 320 triệu tấn phụ phẩm tôm nhưng mới chỉ chế biến được một phần rất nhỏ. Phần phụ phẩm được sử dụng cũng thiếu các công nghệ để tinh sạch, chiết xuất ra sản phẩm có giá trị cao. Tại Việt Nam mới có 5 công ty tham gia chế biến phụ phẩm tôm và một số dự án đang tập trung vào nghiên cứu ở quy mô phòng thí nghiệm, thực nghiệm.

Hoàn thành mục tiêu

Ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP cho rằng, để xuất khẩu thủy sản hoàn thành mục tiêu 10 tỷ USD ngay trong năm 2019 thay vì đợi đến năm 2020 như kế hoạch trước đó, xuất khẩu thủy sản phải tăng trưởng hơn 11% so với năm 2018. Điều đó đòi hỏi ngành phải sớm xây dựng quy hoạch nuôi hợp lý, nâng cao công nghệ chế biến và thúc đẩy xuất khẩu. Trong đó, tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề hóa chất kháng sinh trong sản phẩm thủy sản và các loại bệnh phổ biến trong tôm hiện nay, nhằm củng cố lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm Việt Nam và tăng cường xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Australia… Có kế hoạch và giải pháp ứng phó, xử lý các vấn đề về lây nhiễm hóa chất, kháng sinh, tạp chất trong thủy sản Việt Nam trên cả ba phương diện ngăn ngừa, xử lý vi phạm và xử lý khủng hoảng truyền thông một cách kịp thời, hiệu quả.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, mấu chốt để ngành cá tra Việt Nam phát triển bền vững là phải có giải pháp để cải tạo chất lượng con giống cá tra, từ đó cắt giảm chi phí nguyên liệu. Đồng thời, cần nâng cao năng suất chế biến giúp cải thiện khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, với mục tiêu xuất khẩu10 tỷ USD trong năm 2019 đòi hỏi sự vận hành đồng bộ của cả chuỗi giá trị thủy sản, từ khâu khai thác và sản xuất nguyên liệu đến chế biến và tổ chức thị trường. Trong đó, khai thác, sản xuất nguyên liệu phải đảm bảo quy trình sạch, tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng đầu vào; khâu chế biến phải đổi mới quy trình công nghệ, quản trị nhằm giảm giá thành và nối dài chuỗi giá trị.

>> Hiện, doanh số tiêu thụ cá rô phi Trung Quốc tại hệ thống các siêu thị lớn của Mỹ đã giảm 20 – 30% so trước. Đây được coi là cơ hội để các nguồn cung cá thịt trắng, trong đó có cá tra của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ. Cùng đó, con tôm Việt Nam cũng tăng thêm cơ hội khi thuế nhập khẩu tôm của Trung Quốc vào Mỹ tăng.

Anh Xuân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!