T2, 06/07/2020 01:40

Thế giới với IUU

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo FAO, hàng năm có tới 11 – 26 triệu tấn cá (chiếm khoảng 15% lượng cá đánh bắt trên toàn thế giới) xuất phát từ các hoạt động đánh bắt cá không đúng quy định. Là nhà nhập khẩu cá lớn nhất thế giới, EU không muốn nhập khẩu lượng cá đánh bắt không bền vững này; nên kể từ năm 2012, EC đã tiến hành đối thoại với một số quốc gia bị cảnh báo “thẻ vàng”.


Tàu khai thác thủy sản của Thái Lan Ảnh: ST

Hiểu về IUU

Một tàu cá được coi là tham gia vào các hoạt động đánh bắt IUU (đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) nếu tàu cá thực hiện các hoạt động trái với các biện pháp bảo tồn và quản lý áp dụng trong khu vực liên quan. Điều này bao gồm đánh bắt mà không có giấy phép hợp lệ trong một khu vực cấm khai thác, vượt quá độ sâu cấm khai thác hoặc trong mùa cấm khai thác, hoặc bằng cách sử dụng thiết bị bị cấm, cũng như không thực hiện nghĩa vụ báo cáo, làm sai lệch danh tính hoặc cản trở công tác của thanh tra.

Mới đây, tại Hội chợ Brussels (Bỉ), Cao ủy châu Âu phụ trách các vấn đề về biển và nghề cá Karmenu Vella đã giới thiệu về công cụ tin học đầu tiên của EU với tên gọi “Catch” nhằm đơn giản hóa việc kiểm soát hải sản đưa vào thị trường EU. Hệ thống “Catch” cho phép số hóa sơ đồ chứng thực hiện vẫn đang được thực hiện trên giấy; cùng đó, hỗ trợ các quốc gia thành viên EU trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra liên quan tới hoạt động đánh bắt hải sản trái phép; giúp giảm các nguy cơ gian lận, thúc đẩy hoạt động thương mại và giảm gánh nặng của các đơn vị thực thi pháp luật và cơ quan hành chính.

Chế tài nước sở tại

Hiện nay, phía Indonesia sử dụng nhiều biện pháp rắn trong xử lý tàu cá đánh bắt trái phép. Đối với thuyền trưởng trước đây bị phạt tù 3 năm, hiện tăng lên 6 năm, tàu cá vi phạm sẽ bị đánh chìm. Bên cạnh đó, tàu cá vi phạm còn bị hình phạt tiền 20 tỷ Rupiah (40 tỷ đồng) đối với tàu ngư dân đánh bắt trái phép, xử phạt 3 tỷ Rupiah (6 tỷ đồng) đối với hành vi sử dụng giấy phép đánh bắt giả; xử phạt 2 tỷ Rupiah (gần 4 tỷ đồng) đối với hành vi sử dụng các công cụ đánh bắt cá gây hại đến sự bền vững tài nguyên biển. Đối với Malaysia, quốc gia này khởi động chương trình RaKam nhằm ngăn chặn tàu cá nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp. Chương trình này gắn hệ thống kết nối giữa lực lượng quản lý biển với tàu cá ngư dân để khi phát hiện thì báo cáo trực tiếp. Khi tàu cá bị bắt, thuyền trưởng sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 1 năm; thuyền viên bị phạt tù từ 2 đến 6 tháng, số tiền phạt là một nghìn ringgits, tương đương 263 triệu đồng.

Chính phủ Philippines trong thời gian qua có nhiều chính sách nhân đạo đối với tàu cá của ngư dân Việt Nam vi phạm lần đầu. Quốc gia này cũng tăng cường công tác kiểm soát trên biển, đối với tàu cá bị bắt thì thuyền trưởng và thuyền viên bị phạt tù từ 3 tháng đến 10 năm nếu bị bắt giữ vì hành vi sử dụng chất nổ đánh cá. Các trường hợp vi phạm khác sẽ bị phạt tù từ 50 nghìn USD đến 1 triệu USD.

Hiện nay, mức xử phạt của Papua New Guinea đối với ngư dân Việt Nam sang đánh cá trái phép là 12 tháng tù, 3.500 kani (hơn 26 triệu đồng Việt Nam) đối với một ngư dân. Riêng thuyền trưởng sẽ bị xử phạt 3 năm tù và 24.000 kani. Hiện nay, hình phạt liên tục được điều chỉnh tăng lên. Đối với người vi phạm lần 2 thì bị phạt rất nặng, thời gian ngồi tù cũng tăng lên gấp nhiều lần.

Chuyển biến tại các nước

Theo báo cáo của EU về các nước ASEAN đánh bắt IUU, Campuchia đã nhận “thẻ đỏ” từ EU vào tháng 3/2014, Philippines nhận “thẻ vàng” vào tháng 6/2014 nhưng được xóa thẻ vàng 10 tháng sau, Việt Nam nhận thẻ vàng từ tháng 10/2017.

Thông tin từ Cục Ngư nghiệp Thái Lan, kể từ khi bị “thẻ vàng” cảnh cáo của EU về những vi phạm IUU năm 2015, Thái Lan đã nỗ lực cải cách ngành thủy sản và các hệ sinh thái biển xung quanh Thái Lan đã bắt đầu hồi phục và được loại ra khỏi danh sách các nước bị cảnh báo về khai thác IUU.

Ngày 5/6, Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwon cho biết, với tư cách Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm 2019, Thái Lan sẽ ưu tiên xóa bỏ hoạt động đánh bắt cá trái phép. Một trong những bước sẽ được tiến hành là thành lập một cơ chế khu vực ASEAN nhằm loại bỏ IUU và chia sẻ thông tin liên quan. Thái Lan sẽ khuyến khích các thành viên ASEAN thông qua Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng (PSMA) nhằm xóa bỏ những tàu cá bất hợp pháp.

>> Ông Ruston, Bộ trưởng Nông nghiệp và Thủy lợi Australia mới đây đã công bố: “Cách tiếp cận chung của Australia và Việt Nam đã chứng tỏ được một mặt trận thống nhất trong việc đưa ra những thông điệp đến những đối tượng làm trái pháp luật, họ sẽ phải đối mặt với những trừng phạt về tài chính, chịu án tù hoặc chấp nhận việc các tàu cá của họ sẽ bị phá hủy”.

Lê Chương – Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!