Ngư dân Nguyễn Văn Lạt ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi còn lưu giữ tấm hộ chiếu cá nhân mang số 0118319 như một kỷ vật cay đắng của nghề biển.
Ngư dân Nguyễn Văn Lạt với tấm hộ chiếu trở về Việt Nam, ngư dân này mong được hỗ trợ để sớm quay lại Hoàng Sa đánh bắt – Hà Anh
Anh từng bị bắt giam giữ ở Indonesia, bị thu tàu cá, sau đó lại tiếp tục bị bắt ở một nơi cách Việt Nam gần 9.000 km ngoài Thái Bình Dương. Ngư dân Lạt nói rằng, các bạn chài đừng bao giờ lặp lại điều sai lầm mà anh đã làm.
Mơ bát cơm
Ngư dân Nguyễn Văn Lạt đi ra từ căn nhà cấp 4 ở xã Bình Châu. Trong nhà không có tài sản gì giá trị và anh thú thật, tiền bạc đều trút xuống biển để đóng tàu, rồi tàu bị thu mất. Anh than thở: “Còn gì nữa đâu, có cách nào để giúp em không, mất hết, coi như không còn cái gì hết”. Anh Lạt từng bị Indonesia bắt giữ vào tháng 5 năm 2013. Những ngày dài trong tù thật khủng khiếp.
Rút tấm hộ chiếu trong túi ra, anh Lạt kể lại, “chiếc tàu này em mới làm, chạy xuống đảo Côn Sơn đánh cá thì nghe báo gió. Em cho tàu chạy sang hướng Indoneaia và chưa làm gì, nhưng bị bắt giữ”. Sau thời gian giam giữ, nhà chức trách Indonesia đưa các ngư dân ra tòa và ra phán quyết thả 11 ngư dân kèm với án phạt tiền 1.000 USD. Anh Lạt là chủ tàu, kiêm thuyền trưởng nên lãnh án phạt đến 3 năm tù và bị giam trên một hòn đảo nhỏ, cách xa đất liền, trong tù có rất nhiều tù nhân của Việt Nam và Trung Quốc.
Nhớ đến những ngày trong tù thống khổ được ngư dân này thuật lại: “Bữa nào cũng ăn đói, vì vậy ăn xong thì chỉ nằm chứ không dám ngồi, không dám đi, vì đi thì sợ tốn năng lượng khiến cơ thể càng bị đói”. Trong những ngày đó, vợ của anh phải vất vả đi làm thêm đủ nghề, xuống bến bốc cá thuê để hàng tháng gửi 100 USD sang hỗ trợ tiền ăn cho chồng. Nhưng giá cả trong tù rất đắt đỏ, vì vậy anh Lạt chỉ mua được vài món ăn thêm thì túi đã cạn. Đêm ngày nằm ngủ đều mơ thấy bát cơm nóng, nhưng giật mình mới biết mình đang ngồi tù đếm lịch.
Định kỳ, các tổ chức từ thiện của các tổ chức, cá nhân vào tù để phân phát thêm lương thực và làm từ thiện đối với ngư dân Việt Nam. Đoàn từ thiện thường dẫn theo các nhà tu hành đến để thuyết giảng đạo. Các ngư dân Việt Nam vì đói quá nên sà vào để nghe giảng, đầu cứ gật, nhưng tâm trí thì nghĩ đến cái ăn, khi hết thức ăn thì vội vã rút lui về phòng nằm nghỉ.
Những ngày đầu vào tù, anh Lạt khóc hồi tưởng lại từ chuyện mới đầu đi đánh bắt ở Hoàng Sa, bị Trung Quốc bắt giam ở đảo Phú Lâm, đến cảnh chiếc tàu bị Indonesia bắt, mất trắng 300 triệu đồng, trong đó 40 triệu đồng đi bốc nóng. Những lúc tinh thần sa sút, anh Lạt tìm đến một ngôi chùa trên đảo để đốt hương, cầu mong sự may mắn. Thầy chùa thấy ngư dân là người Việt Nam nghèo khổ nên thường mang chuối và bánh ra cho ăn. Đến tháng 11 năm 2016, anh Lạt được phóng thích về Việt Nam qua đường hàng không. Nhưng tai họa chưa hết.
Tục hun xác người tại Papua New Guinea, là nơi nhiều ngư dân bị bắt
Hải trình ra Thái Bình Dương
Giấc mộng đổi đời vẫn trỗi dậy khi anh Lạt thấy ngư dân đi đánh bắt trái phép, mặc dù tỷ lệ tàu cá đi 5, về 5, nhưng nếu trót lọt thì kiếm bộn tiền. Mỗi phiên biển kiếm được từ 150, có khi 200 triệu đồng/người. Khu vực đi đánh bắt là bán cầu dưới, tận ngoài vùng nam Thái Bình Dương, cung đường cả đi lẫn về hơn 20 ngàn km. Khu vực này bao gồm Úc, quốc đảo Palau, Micronexia, Nouvelle Caledonia, New Papua, Solomon, tận cùng là tới New Zealand.
Tâm lý của một người vừa ra tù, trắng tay, liên tục được bè bạn rủ rê nên anh Lạt đồng ý xuống tàu của ngư dân Phạm Ngọc Chí, nhắm mắt làm liều một chuyến nữa, hy vọng trang trải nợ nần. Tàu bơm 60 ngàn lít dầu, chất đầy lương thực để đủ nuôi 14 con người trong thời gian 3 tháng.
Suốt cuộc hành trình, các ngư dân tiêu thời gian vào việc đánh bài, uống rượu, xem 250 đĩa phim. 14 ngư dân trên tàu chứng kiến con tàu đi qua những vùng biển lạ – qua Trường Sa, sang bờ đông của biển Đông, xuyên qua các đảo Midoroc, Panay, Cataduranes của Philippines. Để thoát ra khỏi biển Đông qua ngả Philippines, các ngư dân vượt qua các kênh chữ C, chữ Z, tới kênh 125 và thoát ra Thái Bình Dương. Con tàu tiếp tục lang thang vô định, hướng về phía Úc, vòng ra hướng tây để đến một hòn đảo dài như hình con tằm ngủ trên biển là Nouvelle Caledonia, thuộc lãnh thổ hải ngoại của Pháp, cũng là quê hương của những người Việt đi phu đồn điền và bị mắc kẹt lại sau chiến tranh thế giới thứ 2. (Nouvelle Caledonia từng là nhà tù để giam giữ tù nhân Công xã Paris).
Tàu vừa qua khu vực Nouvelle Caledonia, tọa độ 14 độ S – 156 độ 00 E được 3 ngày thì bị tàu chiến ra đuổi và bắt giữ vào ngày 25/1/2017.
Không nên liều mạng
Nhà chức trách nước sở tại chỉ áp dụng hình phạt nhằm vào thuyền trưởng, vì vậy anh Lạt và toàn bộ ngư dân được phóng thích, riêng thuyền trưởng Phạm Ngọc Chí bị phạt tù giam. Lần bị bắt này, gia đình các ngư dân cũng hoảng loạn. Vì sau khi bị bắt, các ngư dân bặt tin với gia đình ở Việt Nam. Mãi đến 4 tháng sau, cú điện thoại đầu tiên mới được gọi về, lúc đó làng chài mới qua cơn hoảng loạn.
Những chiếc tàu đầu tiên bị bắt tại Nouvelle Caledonia đều được cộng đồng người Việt tận tình giúp đỡ. Nhưng khi một số ngư dân tiếp tục tái phạm, đã khiến bà con bực bội. Ông Ngọc San, một kiều bào đang sinh sống tại Nouvelle Caledonia, là người rất quan tâm đến các vụ việc này đã chia sẻ trên trang cá nhân: “Ngày 17/2/2017, Cảnh sát Biên phòng vừa hoàn tất việc điều tra một ngư dân Việt Nam tên An đã tái phạm việc đánh bắt trái phép hải sâm trong vùng biển của NC (Nouvelle-Calédonie). Ngư dân này lần đầu vi phạm và bị bắt giữ là hồi tháng 6 năm 2016, được thả về và lần này quay trở lại vào đầu tháng 2 năm 2017”. Kiều bào sống ở Nouvelle Caledonia đều chia sẻ mong muốn ngư dân không nên liều mạng cuộc đời mình để đánh đổi tiền bạc.
>> Hồi tưởng những ngày hải trình trên con tàu suốt 40 ngày đêm để đến vùng biển nước ngoài lặn hải sâm, ngư dân Nguyễn Văn Lạt rùng mình và nói “đi đó dễ bỏ vợ bỏ con như chơi”. Anh Lạt mong muốn được chính quyền hỗ trợ vay vốn để đóng tàu trở lại ngư trường Hoàng Sa, đồng thời khuyên các ngư dân không nên liều mạng ở những vùng biển xa xôi vạn dặm. |