Hạn ngạch khai thác được Bộ NN&PTNT ban hành và có hiệu lực đã giúp quản lý nguồn tại nguyên biển, nhằm tránh tình trạng khai thác cạn kiệt. Tuy nhiên, việc có hiệu lực gần như lập tức đã khiến nhiều tàu cá và ngư dân “mắc cạn”.
Quản lý nguồn tại nguyên biển tránh tình trạng khai thác cạn kiệt
Ngư dân gặp khó
Tính đến hết tháng 6, Tổng cục Thủy sản đã giao hạn ngạch khai thác khu vực ngoài khơi cho 28 tỉnh, thành ven biển, với trên 31.500 giấy phép được cấp theo quy định của Luật Thủy sản 2017. Đồng thời, Tổng cục cũng hướng dẫn các địa phương cấp giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch đã được cấp. Trong đó, tỉnh nhiều nhất là Kiên Giang với 4.060 giấy phép, thấp nhất là TP Hồ Chí Minh và Ninh Bình với 50 giấy phép
Tuy nhiên, quy định giấy phép khai thác thủy sản theo vùng đang bộc lộ bất cấp khi hàng nghìn tàu cá không đủ chuẩn phải nằm bờ, ngư dân đối mặt thách thức chuyển vùng. Nhiều ngư dân phản ứng vì cho rằng không phù hợp với thực tế.
Theo quy định, tàu dài 15 m trở lên chỉ khai thác vùng khơi. Điều này khác so với quy định trước đây là tính bằng mã lực. Tại vùng biển Nam Trung bộ, lâu nay, tàu trên 90 CV được khai thác vùng khơi, nay tàu phải dài trên 15 m mới được ra đó đánh bắt, đã khiến hàng loạt tàu cá gặp khó. Tại Bình Định, tỉnh này có hơn 700 tàu, còn Phú Yên đến gần 1/3 tàu cá chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương phải chuyển về vùng lộng.
Với những ngư dân có tàu đủ điều kiện khai thác vùng khơi lại cho rằng, vùng khơi 1 năm chỉ khai thác được 8 tháng, 4 tháng còn lại đánh bắt vùng lộng. Nay cấm vùng lộng, họ phải nằm bờ. Điều này cũng đồng nghĩa việc họ “thất nghiệp” trong khoảng thời gian đó.
Ngư dân Huỳnh Phi Hùng (Hòn Rớ, Phước Đồng, Nha Trang) chia sẻ, quy định hạn ngạch khiến ngư dân rất dễ vi phạm bất đắc dĩ. Bởi một khi trở về vùng lộng đánh bắt nhưng không có cá và không phù hợp với nghề hiện tại thì họ buộc phải chạy tàu ra vùng khơi, chứ không chấp nhận lỗ là coi như bỏ nghề.
Thế nhưng, theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban Quản lý Cảng cá Hòn Rớ (Nha Trang, Khánh Hòa), hiện các doanh nghiệp thu mua hải sản xuất khẩu rất chặt chẽ về nguồn gốc sản phẩm khai thác. Những tàu đánh bắt bất hợp pháp bị loại ngay nên ngư dân không dám vi phạm. Hơn nữa, quản lý cảng cá biết tàu đó đánh bắt bất hợp pháp mà vẫn cho cập cảng thì cũng bị liên đới trách nhiệm, xử phạt hàng chục triệu đồng. Cùng đó, theo Nghị định 42/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, tàu không đủ kích thước vẫn đi khai thác vùng khơi bị phạt mức tiền từ 500 – 700 triệu đồng.
Tỉnh Khánh Hòa có 1.366 tàu cá công suất trên 90CV, tỉnh này được cấp hạn ngạch khai thác cho 768 tàu, 598 tàu không được ra vùng khơi. Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, cái khó là hiện nay nếu ngư dân có cải hoán tàu trên 15 m để đủ điều kiện thì cũng không còn hạn ngạch để cấp. Trong khi đó, nhu cầu cải hoán, nâng cấp tàu cá dài hơn 15 m là rất lớn.
Tuy nhiên, việc cải hoán cũng như chơi dao, vì theo ngư dân Nguyễn Phi Hùng, số tiền nâng cấp tàu cá rất lớn, ngư dân buộc phải đi vay ngân hàng. Trong khi việc này đâu dễ, phải thế chấp nhà cửa, chịu lãi cao, thế nhưng nếu nâng cấp tàu mà không được cấp phép ra khơi thì ngư dân vỡ nợ.
Cần thời gian chuyển đổi
Tại cuộc họp công tác thống kê thủy sản do Bộ NN&PTNT tổ chức tại TP Đà Nẵng năm 2018, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám từng nói, trong Luật Thủy sản 2017 có nhiều định chế phục vụ quản lý, quy định điều tra nguồn lợi thủy sản. Tới đây, cơ quan chức năng sẽ quản lý và kiểm soát cường lực khai thác và truy xuất nguồn gốc khai thác. Sẽ quản lý số lượng tàu cá, việc đóng mới tàu cá, cấp hạn ngạch khai thác đối với từng loại hải sản. Một số loài sản lượng lớn như cá ngừ đại dương sẽ quản lý hạn ngạch, còn loài cá kết đàn như cá cơm sẽ thí điểm quản lý cường lực khai thác.
Trước hết là quản lý đầu vào, tức là quản lý số tàu thuyền cũng như đóng mới tàu cá. Còn một số đối tượng có thể từng bước tiến tới quản lý theo hạn ngạch sản lượng, từng bước để kiểm soát cường lực khai thác cũng như bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Như vậy có thể thấy, việc tính toán hạn ngạch đã có từ trước. Và việc cấp giấy phép cũng cần thiết để đảm bảo bền vững của nghề khai thác, thế nhưng, dường như việc đưa ra quyết định và gần như ngay lập tức có hiệu lực đã đẩy nhiều ngư dân vào thế khó.
Ngư dân Nguyễn Thị Tâm (Tuy Hòa, Phú Yên) bày tỏ: Tàu cá của ngư dân không được ra khơi, nguồn thu nhập từ đánh bắt cá không có họ sẽ sống thế nào? Bộ có giải pháp nào kiến nghị Chính phủ hỗ trợ ngư dân hay chưa? Bộ có xây dựng lộ trình để ngư dân nâng cấp tàu, đóng mới tàu để tiếp tục ra khơi hay không? Văn bản hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản của Bộ NN&PTNT khác nào tước quyền ra khơi bám biển của ngư dân?
Theo nhiều ngư dân, 1 tàu cá thường “cõng” 10 gia đình, đó là chủ tàu và các bạn tàu, nếu tàu cá nằm bờ thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người khác. Nên chăng, quy định này cần có lộ trình thực hiện để ngư dân có thời gian chuẩn bị chuyển đổi. Việc áp dụng ngay lập tức có thể giải quyết tầm vĩ mô, chẳng hạn giúp hải sản Việt Nam sớm tháo gỡ “thẻ vàng”, quản lý thuận lợi, thế nhưng ngư dân lại vô vàn khó khăn. Nên chăng, trước khi mạnh tay, nên tạo khoảng mềm để dễ hài hòa?
>> Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, trữ lượng nguồn lợi hải sản ở các vùng biển Việt Nam ước tính khoảng 4,36 triệu tấn; So với giai đoạn 2000 – 2005, trữ lượng giai đoạn 2012015 đã giảm khoảng 14%. Trong đó, nhóm hải sản tầng đáy giảm 42%, nhóm cá nổi lớn trên 10%, nhóm cá nổi nhỏ 3,5%. Do vậy, việc bảo vệ nguồn lợi đã rất cấp thiết. |
Phan Thảo