(TSVN) – Ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa có điều kiện giống như 2 tỉnh Quảng Ninh, Kiên Giang, đều là địa phương có thế mạnh phát triển nuôi biển quy mô lớn.
Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2030 diện tích nuôi biển đạt 1.500 ha. Ảnh: Công Tâm
Muốn nuôi biển thành công, phải quy hoạch rất bài bản. Từ thực tiễn đời sống của người dân ven biển, cần làm tốt theo quy trình: Từ sản xuất giống, thức ăn, kiểm soát môi trường, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ. Chương trình thí điểm nuôi biển công nghệ cao là kết quả đột phá của định hướng phát triển nuôi biển hở trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, bao gồm: Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nuôi công nghiệp bằng lồng bè hiện đại và đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình, kế hoạch hành động của tỉnh về triển khai Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây cũng là bước khởi đầu đột phá trong thực hiện định hướng phát triển nuôi biển hướng ra xa bờ của tỉnh theo Nghị quyết số 9 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở xã Cam Lập, TP Cam Ranh sẽ được triển khai trong 1 năm. Tham gia mô hình này, 10 hộ dân được hỗ trợ lồng nuôi bằng vật liệu HDPE. Đi tiên phong trong đợt này, có 3 hộ, trong đó 1 hộ nuôi cá biển và 2 hộ nuôi tôm hùm. Đặc biệt, các lồng nuôi đều có hệ thống camera giám sát dưới nước, hệ thống định vị trên biển, giám sát từ xa 24/7 trên mọi thiết bị điện tử; các mô hình nuôi sẽ được trang bị máy cho ăn tự động, tiến tới mô hình nuôi công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Hải Linh, nuôi biển quy mô công nghiệp cần đặt ra các biện pháp mang tính căn bản: Thứ nhất, chọn đối tượng nuôi mang tính “khẩu phần ăn” của thế giới, nghĩa là nhiều nước cùng sử dụng sản phẩm đó được, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Chẳng hạn, Australis Việt Nam chọn cá chẽm đưa vào nuôi công nghiệp, trọng lượng của cá có thể đạt 3 – 5 kg/con, dễ chế biến. Đặc tính của loại cá này là di chuyển nhiều tầng nước nên tối ưu hóa thể tích lồng nuôi, sản lượng đạt 250 – 300 tấn/lồng. Có phương án chọn giống cá bố mẹ để tránh bị cận huyết, dẫn đến cá nuôi chậm lớn. Khuyến khích nhập khẩu cá bố mẹ từ các quốc gia khác nhau về phối giống, tạo ra đàn giống chất lượng cao. Thứ hai, đảm bảo môi trường nuôi, việc đầu tiên là tránh xa những cửa sông, khi mùa mưa lũ không bị nước ngọt đổ ra làm cho cá chết. Ứng dụng công nghệ vào nuôi trồng, kể cả máy đo dòng chảy, quan trắc môi trường trên diện rộng. Thứ ba, về thị trường tiêu thụ, nuôi quy mô công nghiệp, cần có đội ngũ làm thị trường. Vừa xuất khẩu, vừa tiêu thụ trong nước, chế biến đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhiều người tiêu dùng. Thứ tư, cần có chiến lược truyền thông ở cấp độ quốc gia, tạo nên thương hiệu nuôi biển của Việt Nam lan rộng ra nhiều khu vực.
Hải Lý