(TSVN) – Dù thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm thay thế, nhưng đến nay dầu cá, bột cá vẫn là những nguyên liệu thức ăn chăn nuôi quan trọng với khối lượng giao dịch lớn. Tuy nhiên, những bất ổn về nguồn cung đang đẩy giá những mặt hàng này lên cao.
Trong khi thị trường sôi động thì tình hình sản xuất dầu cá và bột cá toàn cầu lại liên tục căng thẳng vì thiếu nguyên liệu đầu vào. Thời tiết xấu cộng với việc đóng cửa tạm thời các khu vực khai thác ở vùng biển Peru khiến lượng cá nổi đưa về các trung tâm chế biến giảm mạnh. Sản lượng bột cá hiện đang ở mức thấp hơn năm ngoái và có nhiều khả năng hạn ngạch đánh bắt cá cơm vụ đầu tiên năm 2022 của Peru vẫn chưa được lấp đầy.
Peru, quốc gia dẫn đầu thế giới về bột cá và dầu cá đã nâng hạn ngạch khai thác vụ cá cơm đầu tiên của năm 2022 lên 3,28 triệu tấn, tăng 9% so năm ngoái. Tuy nhiên, hoạt động khai thác cá cơm vụ này không thuận lợi vì thời tiết xấu và sự xuất hiện dày đặc của các đàn cá con khiến ngư dân bị chậm tiến độ thu hoạch trước khi vụ khai thác kết thúc. Tính đến giữa tháng 5/2022, Peru mới chỉ khai thác 26% hạn ngạch tại các ngư trường quan trọng thuộc trung tâm miền Bắc, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 4%. Trong khi đó năm ngoái, vụ khai thác cá cơm đã kết thúc vào giữa tháng 7. Do cá con xuất hiện dày đặc, chính quyền Peru buộc phải áp đặt lệnh cấm khai thác tạm thời tại một số khu vực nhằm bảo tồn nguồn lợi. Sản lượng đánh bắt cá con hiện đang xấp xỉ 100.000 tấn ở khu vực trung tâm miền Bắc Peru. Nếu mức khai thác cá con chạm 300.000 tấn thì ngư trường đó sẽ phải đóng cửa tạm thời đến khi vụ khai thác tiếp theo của năm 2022 bắt đầu vào tháng 11 tới ngay cả khi hạn ngạch chưa được lấp đầy.
Hiện thị trường Trung Quốc chiếm giữ khoảng 50% khối lượng bột cá được giao dịch trên toàn cầu, tăng từ 43% trong các năm 2019 và 2020. Ảnh: ST
Theo các chuyên gia trong ngành, lượng cá con nhiều dẫn đến sản lượng dầu cá thấp hơn. Sản lượng dầu cá Peru hiện đang chiếm 2% tổng sản lượng khai thác, và đang được các hãng sản xuất kỳ vọng nâng lên 3% trong thời gian tới. Nhưng mục tiêu này khó đạt được nếu lượng cá cơm con vẫn xuất hiện dày đặc như hiện nay.
Đứng thứ 2 thế giới về sản xuất bột cá và dầu cá là Chilê. Sau một năm 2021 thành công, sản lượng dầu cá và bột cá của Chilê trong năm 2022 được duy trì ở mức thấp do lệnh cấm đánh bắt ở một số khu vực. Sản lượng bột cá giảm trong 4 tháng đầu năm 2022 đã giảm 17% so cùng kỳ năm ngoái, trong khi sản lượng dầu cá giảm 12%.
Với các nhà cung cấp khác, Mỹ và EU nới lỏng hạn ngạch khai thác cá capelin và menhaden, đồng nghĩa với việc tăng nguồn cung bột cá, dầu cá từ hai loại cá này. Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm khai thác cá từ 1/5/2022 đến tháng 9/2022 để giảm áp lực khai thác nội địa.
Nhờ sản lượng khai thác tốt vào năm ngoái, nên khối lượng xuất khẩu bột cá của Peru tăng vọt từ 865.000 tấn năm 2020 lên 1,22 triệu tấn vào năm 2021. Sau khi sụt giảm vào năm 2020 do ảnh hưởng COVID-19, xuất khẩu dầu cá bắt đầu phục hồi vào năm ngoái và tăng từ 129.000 tấn lên 225.000 tấn. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ bột cá lớn nhất thế giới, chiếm 80% khối lượng giao dịch toàn cầu. Xuất khẩu dầu cá sang Trung Quốc cũng tăng 3 lần về khối lượng từ 15.000 tấn vào năm 2020 lên 48.000 tấn năm 2021, đưa Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ chính với thị phần 20%, tiếp theo là Bỉ (18%) và Đan Mạch (12%).
Xuất khẩu bột cá của Chilê – nguồn cung lớn thứ 2 thế giới sau Peru đã giảm 18% vào năm 2021 xuống mức 245.000 tấn. Trong khi đó, xuất khẩu dầu cá đạt 122.000 tấn, giảm 5% so cùng kỳ.
Đan Mạch đã đánh mất vị trí đầu bảng về xuất khẩu dầu cá vào tay Peru. Trước đó vào năm 2020, Đan Mạch vượt Peru nhưng hai quốc gia này lại hoán đổi vị trí trên bảng xếp hạng vào năm 2021. Xuất khẩu dầu cá của Đan Mạch đạt 128.000 tấn vào năm 2021, giảm 15% so năm 2020.
Thương mại bột cá toàn cầu ước đạt 3,67 triệu tấn vào năm ngoái, tăng từ 384.000 tấn (+12%) vào năm trước đó. Sự bùng nổ của ngành NTTS tại Trung Quốc là đòn bẩy tăng trưởng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn thủy sản, trong đó khối lượng bột cá lên đến 1,84 triệu tấn vào năm 2021, tăng 29% so năm 2020. Trung Quốc hiện chiếm một nửa lượng bột cá nhập khẩu toàn cầu. Dầu cá có mức tăng trưởng khiêm tốn hơn, với khối lượng giao dịch tăng từ 972.000 tấn vào năm 2020 lên 983.000 tấn vào năm 2021.
Hiện thị trường Trung Quốc chiếm giữ khoảng 50% khối lượng bột cá được giao dịch trên toàn cầu, tăng từ 43% trong các năm 2019 và 2020. Phần lớn lượng bột cá này được cung cấp cho ngành NTTS nội địa. Trong khi đó, ngành công nghiệp chăn nuôi heo của Trung Quốc vẫn bị kìm hãm bởi giá heo hơi thấp, khiến nhu cầu tiêu thụ bột cá của ngành này giảm mạnh. Đồng Sol của Peru đã mạnh lên so với đồng CNY của Trung Quốc, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng nhập khẩu Peru.
Na Uy, thị trường đứng đầu về nhập khẩu dầu cá và đứng thứ 2 về nhập khẩu bột cá cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021. Sản lượng NTTS của quốc gia này cũng tăng trưởng ngoạn mục vào năm 2021, từ đó thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu bột cá. Theo Hội đồng Thủy sản Na Uy, lượng bột cá và dầu cá nhập khẩu năm ngoái lần lượt tăng 26% và 4%, tương ứng 37.000 tấn và 9.000 tấn. Đan Mạch là nguồn cung bột cá chủ yếu cho thị trường Na Uy, trong khi đó dầu cá Peru chiếm lĩnh thị trường này. Nhập khẩu từ Peru đã giảm vào năm 2020, phần lớn được thay thế bằng các sản phẩm từ Đan Mạch, nhưng đến năm 2021, Peru đã quay trở lại và cung cấp 1/3 lượng dầu cá cho Na Uy.
Giá bột cá và dầu cá đều tăng ổn định do nhu cầu tiêu thụ cao, trong khi chi phí sản xuất các nguyên liệu thay thế như dầu tảo hay protein đơn bào vẫn đắt đỏ. Giá đậu tương cũng đang leo thang, theo NASDAQ ghi nhận thì mức tăng đã lên đến 80% đối với các hợp đồng kỳ hạn. Giá bột cá chạm đỉnh vào năm 2018 với 800 USD/tấn, tăng 200 USD/tấn so thời điểm này năm ngoái. Trong khi đó, giá dầu cá cũng tăng cao nhất từ đầu năm 2018 ở mức 3.000 USD/tấn, tăng 700 USD/tấn so năm ngoái.
Vũ Đức
Tổng hợp