(TSVN) – Về dài hạn, nhu cầu và tiêu thụ tôm trên thị trường thế giới vẫn cao. Yếu tố này sẽ tiếp tục thúc đẩy sản lượng tôm nuôi toàn cầu tăng trưởng 5 – 10% bất chấp đại dịch COVID-19 lan rộng.
Tổng khối lượng nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 1/2021 tăng 7% so cùng kỳ, đạt 69.452 tấn – khối lượng nhập khẩu tháng 1 cao nhất từ trước đến nay, tiếp tục xu hướng tăng nhập khẩu tôm của thị trường này. Theo chuyên gia kinh tế Angel Rubio của Urner Barry, Ấn Độ vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất tại thị trường Mỹ tính đến thời điểm hiện tại, dù khối lượng xuất khẩu tôm của Ấn Độ sang Mỹ vào tháng 1/2021 đã giảm 2,7% so cùng kỳ năm ngoái. Ngoài Ấn Độ, các nước xuất khẩu tôm khác gồm Indonesia, Ecuador, Việt Nam và Thái Lan vẫn duy trì vị trí top 5 nguồn cung tôm đứng đầu thị trường Mỹ, với lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ trong tháng đầu tiên của năm lần lượt tăng 21,4%, 12,3%, 45,9% và 26,7%.
Giá trị nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng đầu năm 2021 cũng tăng 6% so cùng kỳ năm ngoái, đạt 601,6 triệu USD. Giá nhập khẩu trung bình của Mỹ với mặt hàng tôm đạt 8,64 USD/kg, giảm 1% so mức 8,69 USD/kg vào tháng 1/2020 và giảm 3% so mức 8,89 USD/kg của tháng 12/2020. Dù dịch COVID-19 vẫn đang ảnh hưởng nặng đến các nhà hàng nhưng khối lượng và giá trị nhập khẩu tôm của Mỹ vẫn cao hơn so cùng kỳ năm 2019; trừ tháng 5/2020 và tháng 11/2020, thì tổng kim ngạch nhập khẩu tôm của cả năm 2020 vẫn đạt trị giá 6,5 tỷ USD, tăng 7% so năm 2019.
Hiện, các nguồn cung tôm vẫn tranh thủ mọi cơ hội tại thị trường Mỹ và tiếp tục chiến lược tăng cường xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này. Ecuador, nguồn cung tôm lớn thứ 3 tại Mỹ với thị phần 14% đang tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào Mỹ. Chỉ tính riêng tháng 1/2021, lượng tôm từ Ecuador vào Mỹ đạt 9.468 tấn, trị giá 60,9 triệu USD, tăng 12% về lượng và 15% giá trị so cùng kỳ 2020. Cả năm 2020, Ecuador đã xuất khẩu 125.839 tấn tôm sang Mỹ, đạt trị giá 788,4 triệu USD, tăng 52% về lượng và 43% về giá trị so năm 2019. Dù giá tôm của Ecuador đã tăng thêm khoảng 3% so cùng kỳ vào tháng đầu năm do chi phí sản xuất tăng cao, nhưng đến thời điểm này, các sản phẩm tôm của Ecuador vẫn không mất lợi thế cạnh tranh về giá so với các đối thủ khác như tôm Việt Nam hay Ấn Độ.
Trái ngược với thị trường tôm Mỹ sôi động, tình hình nhập khẩu và tiêu thụ tôm tại châu Âu trầm lắng hơn. Nửa đầu năm 2020, thị trường châu Âu bị suy yếu bởi COVID-19, tiêu thụ tôm tại nhiều thị trường trong khối lao dốc do kênh tiêu thụ lớn nhất là dịch vụ ẩm thực bị sụp đổ. Theo Globefish, nhập khẩu tôm của châu Âu vào nửa đầu năm 2020 chỉ đạt 341.651 tấn, trong đó có 70.000 tấn tôm chế biến, giảm 10,6% so cùng kỳ. Sau đó, nhập khẩu tôm của châu Âu vào các tháng mùa hè mới được cải thiện hơn tại thị trường Bắc Âu.
Nhìn chung, thị trường tôm châu Âu chịu tác động mạnh do COVID-19, suy thoái kinh tế và Brexit nên khó tạo được đà tăng trưởng cho hoạt động nhập khẩu tôm vào đầu năm 2021. Hiện, tôm sú vẫn nằm trong nhóm sản phẩm cao cấp hơn so với TTCT và được tiêu thụ chủ yếu tại Tây Bắc châu Âu và Pháp, với nguồn cung chủ yếu từ Bangladesh, Việt Nam và Madagascar. Tuy nhiên, các chuyên gia thị trường vẫn dự báo, lượng nhập khẩu tôm của châu Âu có thể được cải thiện trong năm 2021 nhờ sự phục hồi của nhiều nền kinh tế, đặc biệt là các thị trường Bắc Âu.
Hiện, Ấn Độ vẫn là nước dẫn đầu về xuất khẩu tôm thịt nguyên liệu với thị phần hơn 50% tại Mỹ. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu của Ấn Độ trong năm 2020 vẫn thấp hơn 20.000 tấn so năm 2019. Sự thiếu hụt này ngay lập tức đã được bù đắp bằng nguồn cung tôm Ecuador. Nhờ đó, xuất khẩu tôm thịt nguyên liệu của Ecuador đã tăng thêm 15.000 tấn. Các sản phẩm tôm nguyên vỏ chiếm tỷ trọng 36% trong cơ cấu sản phẩm tôm nhập khẩu của Mỹ và lượng nhập khẩu sản phẩm này đã tăng 9% so năm 2019. Năm 2019, Ấn Độ là nguồn cung tôm vỏ lớn nhất tại Mỹ. Nhưng đến năm 2020, thị phần tôm vỏ của Ấn Độ đã rơi vào tay Ecuador và Indonesia. Cả Ecuador và Ấn Độ cung cấp 73.000 tấn tôm nguyên vỏ sang Mỹ, trong khi Indonesia xuất khẩu 63.000 tấn.
Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc lại khó khăn hơn, dù đây từng là thị trường tiêu thụ tôm nhiều nhất thế giới. COVID-19 khiến thị trường Trung Quốc vướng nhiều rào cản hơn, thủ tục thông quan rườm rà, mất nhiều thời gian, trong khi người tiêu dùng nước này ngày càng hoài nghi chất lượng tôm nhập khẩu. Tuy nhiên, đây lại là thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm cỡ nhỏ quan trọng nhất của Ấn Độ. Do đó, sự phục hồi của thị trường này trong năm 2021 sẽ ảnh hưởng tới triển vọng ngành tôm Ấn Độ trong năm 2021. Tuy vậy, ngành tôm Ấn Độ đặt nhiều kỳ vọng phục hồi trong năm 2021. Chính phủ Ấn Độ lạc quan về triển vọng tăng trưởng trong tương lai và đặt mục tiêu 1,4 triệu tấn tôm vào năm 2024. Năm nay, Ấn Độ khởi động kế hoạch phát triển nuôi tôm ven biển với giá trị gần 8 tỷ USD và mở rộng toàn bộ lĩnh vực nuôi thủy sản trên 100.000 ha. Dự báo, tôm Ấn Độ, sẽ khôi phục nhẹ vào năm 2021 sau khi giảm 25% trong năm 2020 với sản lượng 570.000 tấn.
Việt Nam, một trong những nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, cũng đang tăng tốc để nắm bắt cơ hội và tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ tăng tốc mạnh từ tháng 3/2021 do các doanh nghiệp có sự quyết tâm và chuẩn bị kỹ lưỡng từ nguồn cung tới sản xuất. Riêng xuất khẩu tôm sang EU sẽ tăng trưởng tốt nhờ EVFTA. Cạnh Việt Nam, Indonesia cũng đặt mục tiêu dẫn đầu thế giới về sản xuất TTCT với sản lượng tăng từ mức dưới 1 triệu tấn hiện nay lên 16 triệu tấn hàng năm. Quốc gia này cũng bắt tay mở rộng thêm 200.000 ha ao nuôi tôm mới tới năm 2024; đồng thời đặt mục tiêu chiếm lĩnh 50% thị trường tôm hùm toàn cầu. Cho đến năm 2024, sản lượng tôm hùm của Indonesia có thể đạt 22.655 tấn trị giá 509,8 triệu USD. Chính phủ Indonesia đã xác định các trung tâm nuôi tôm hùm trong nước, bao gồm ở Đông Lombok, Nam Đông Java, Aceh và Nam Tây Java. Năm 2021, khi giá tôm ổn định, Indonesia sẽ tăng sản lượng tôm lên 10% hoặc hơn nữa và ước đạt khoảng 330.000 tấn.
Vũ Đức
(Tổng hợp)