T2, 06/07/2020 11:05

Thiết bị kết nối vệ tinh “vô dụng”

Chưa có đánh giá về bài viết

Một sự kiện “mơ ước từ lâu” của ngành khai thác biển: Ngày 28/11/2012, Bộ NN&PTNT khánh thành Trung tâm Quan sát tàu cá qua vệ tinh tại Hà Nội. Cùng với lắp thiết bị kết nối vệ tinh cho tàu đánh bắt xa bờ, ngư dân sẽ được cung cấp thông tin thường xuyên và kịp thời, hỗ trợ việc đánh bắt cũng như phòng tránh thiên tai.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám lúc đó cho biết, trước mắt kết nối với 3.000 tàu và tổ chức ra khơi theo từng đội 5 – 10 tàu thì coi như hàng vạn tàu đánh bắt xa bờ đã được kết nối vệ tinh.

 

Vô dụng

Thế nhưng ở Kiên Giang, Bộ NN&PTNT phân bổ thiết bị kết nối vệ tinh cho 407 tàu, đến nay mới lắp được 197 tàu. Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Kiên Giang, ông Lê Hoàng Khải cho biết: Những tàu còn lại đã đăng ký lắp đặt nhưng khi triển khai lại từ chối; những tàu đã lắp thì chủ tàu tắt tín hiệu, không truyền thông tin về Trung tâm. Theo ông Khải, đa phần những tàu này khai thác thủy sản ở vùng biển các nước trong khu vực và họ không muốn lộ thông tin.

Hơn hai năm trước, tỉnh Kiên Giang thành lập Tổ công tác liên ngành, do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, để tiếp nhận thông tin và giải quyết tình trạng tàu cá bị nước ngoài bắt giữ. Mới đây, Tổ liên ngành có báo cáo cho biết, tàu ra nước ngoài hoạt động bất hợp pháp dưới ba hình thức: bất hợp pháp hoàn toàn (đánh lén); bán hợp pháp (đóng phí cho môi giới hoặc một cơ quan quản lý của nước sở tại); hợp đồng miệng), sang tên cho người nước ngoài đứng chủ tàu để xin giấy phép đánh bắt của nước sở tại. Theo báo cáo thì Tổ liên ngành cũng không giúp được gì cho ngư dân ra khơi, nếu phát hiện đưa tàu ra nước ngoài bất hợp pháp và bị bắt giữ thì còn “xử lý”, nên ngư dân luôn tìm mọi cách giấu thông tin. Họ không muốn lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh là vì vậy.

Thiết bị nối kết vệ tinh “vô dụng” trên tàu

Trong lúc đó, hàng chục tàu cá Thừa Thiên – Huế được lắp thiết bị kết nối vệ tinh lại tháo ra cất ở nhà vì “vô dụng”. Ông Nguyễn Xuân Chiến, chủ tàu TTH 96366 ở thôn An Dương, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang bức xúc: Thiết bị lắp vào tàu đầu năm 2013, mới vài tháng đã hỏng. Đặc biệt, thiết bị chỉ cung cấp thông tin vị trí, vận tốc và hướng tàu đi, chứ không được như tuyên truyền là cung cấp thông tin ngư trường, thời tiết hoặc hỗ trợ khi gặp khó khăn, khi có tàu lạ. Phó Chủ tịch UBND xã, ông Nguyễn Quang Dân cũng cho biết, xã có 9 tàu được lắp thiết bị đều “vô dụng”.

Ông Lê Chí Trung, Giám đốc Đài Thông tin Duyên hải Huế, đơn vị lắp và bảo dưỡng thiết bị, thừa nhận: Thiết bị chạy phần mềm phiên bản cũ nên không phát huy được tác dụng. Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Thừa Thiên – Huế, ông Nguyễn Quang Vinh Bình cho biết, mỗi thiết bị có giá 40 – 50 triệu đồng, đã lắp cho 25 tàu nhưng “chúng tôi không tham gia dự án nên không nắm rõ thông tin hư hỏng”.

 

Kinh nghiệm nước ngoài

Tổ công tác liên ngành tỉnh Kiên Giang cho biết, ở Indonesia muốn khai thác biển phải có giấy phép, và phải có cơ sở chế biến trước khi tiến hành khai thác. Nước bạn khuyến khích đầu tư khai thác, chế biến hải sản nhưng doanh nghiệp nước ta muốn sang đánh cá phải lập liên doanh với doanh nghiệp sở tại, chỉ được đánh bắt ở vùng biển được cấp phép, sản phẩm khai thác được phải đưa lên bờ và chế biến ở Indonesia.

Thế nên, thực hiện thỏa thuận hợp tác nghề cá giữa hai chính phủ nhưng Công ty CP Đầu tư Đại Dương phải ký hợp đồng với Công ty Pa Pua của Indonesia, sau đó mới ký hợp đồng với 2 chủ tàu của Kiên Giang để đưa tàu đi khai thác. Ngày 30/8/2013, tại Kiên Giang diễn ra buổi lễ long trọng trao giấy phép cho những tàu sang Indonesia, thì ngày 4/1/2014 bốn tàu bị cảnh sát nước bạn bắt giữ với 61 ngư dân, mãi đến tháng 5 mới được thả. Lý do chính, chưa có giấy phép khai thác. Trong khi đó hồ sơ các tàu đã được chuyển lên Tổng cục Thủy sản. Như thế, qua nhiều thủ tục mà vẫn thiếu, do quản lý khai thác biển của Indonesia rất chặt, khác nước ta vẫn kiểu “chim trời cá nước ai bắt được nấy ăn”.

Malaysia quản lý khai thác biển cũng rất chặt; tàu chỉ được đánh bắt theo mùa vụ ở từng vùng biển theo giấy phép, cách đất liền 30 hải lý, cách đảo 15 hải lý. Mọi con tàu được gắn thiết bị kết nối vệ tinh để cơ quan quản lý theo dõi, nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng và tịch thu sản phẩm. Mỗi chuyến tàu ra biển có nghĩa vụ bán 1 – 2 tấn cá tươi giá trị cao cho địa chỉ quy định, nhưng cũng dễ thực hiện vì biển Malaysia còn nhiều tôm cá.

Các nước quản lý chặt để hỗ trợ tối đa cho tàu ra khơi, từ thông tin ngư trường, thời tiết đến dầu giá rẻ. Ông Năm Thiên, một chủ tàu ở thị trấn Sông Đốc (tỉnh Cà Mau) từng đưa tàu sang Malaysia khai thác, cho biết: Mỗi chuyến biển được chính quyền Malaysia bán cho 20.000 – 30.000 lít dầu, giá thấp hơn ở Việt Nam 6.000 đồng/lít; chỉ khoản này đã cầm chắc giảm chi hơn trăm triệu đồng so với đánh cá trong nước.

>> Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam: Cần có chính sách cụ thể để tăng cường ngư dân khai thác trên vùng biển nước nhà. Khi ngư dân của ta có mặt ở đó, có nghĩa chúng ta khẳng định mạnh mẽ nhất về mặt chủ quyền. Vì chúng ta còn thiếu vắng, chưa thường xuyên, nên nước láng giềng kia mới tự tiện như vậy.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!