Thiệt hại lớn khi nuôi trồng thủy sản tự phát, ngoài quy hoạch ở Quảng Ngãi

Chưa có đánh giá về bài viết

Dịch bệnh tại các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi diễn ra từ nhiều năm, đến nay vẫn còn nhiều tiềm ẩn nguy cơ tái diễn như vụ cá bớp nuôi lồng bè chết hàng loạt khu vực nuôi gần cảng biển Dung Quất, huyện Bình Sơn. Đòi hỏi, ngành chức năng địa phương đưa ra giải pháp và từng bước phát triển nghề nuôi thủy sản theo hướng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.


Ảnh minh họa

Hệ lụy từ nuôi trồng tự phát

Những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản ven biển mang lại hiệu quả, người dân các vùng ven biển Quãng Ngãi đã đẩy mạnh nghề nuôi trồng thủy sản, ào ạt mở rộng nhiều diện tích vùng nuôi. Tuy nhiên, hệ lụy đã thấy của việc phát triển nuôi trồng thủy sản tự phát và gia tăng nhanh chóng mật độ nuôi là môi trường bị ô nhiễm, bên cạnh tác động do biến đổi khí hậu, đã làm cho dịch bệnh trên vật nuôi xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Mới đây vào đầu tháng 10, tình trạng cá bớp nuôi lồng bè chết hàng loạt tại khu vực nuôi cảng biển Dung Quất đã khiến người nuôi thiệt hại nặng nề. Trước đó, vào năm 2017, tình trạng cá chết cũng diễn ra tại vùng nuôi này.

Theo báo cáo UBND huyện Bình Sơn, đã có gần 100 hộ nuôi thiệt hại, với lượng cá chết hơn 30 tấn, trọng lượng mỗi con đạt 1 – 3 kg, khi chỉ còn vài tháng là xuất bán dịp Tết. Mặc dù mẫu xét nghiệm cá được công bố không phát hiện virus gây bệnh hoại tử thần kinh, người nuôi có thể bán vớt vát vốn, tuy nhiên, giá cá tại lồng cũng chỉ 60.000 đồng/kg đối với cá bớp nhỏ và 100.000 đồng/kg với cá đạt 2 – 3 kg, trong khi giá thị trường hiện nay là 220.000 đồng/kg, người nuôi lỗ nặng.

Ông Huỳnh Phố (xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn) nuôi 2.500 con trong 8 lồng, trọng lượng 2,5 – 3 kg, góp vốn cùng với ông Trần Nô (xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi), nuôi năm đầu tiên. Thế nhưng, chỉ sau đêm mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn sông Trà Bồng đổ về đã khiến cá chết hàng loạt. Ông Phố cho biết: “Khi mưa xuống, tôi sợ cá bớp bị nhiễm nước ngọt nên đã kéo xuống vùng nước mặn để nuôi, ai ngờ chỉ sau vài đêm cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân”. Ông Phố đã bán hơn 1.000 con cá, thiệt hại gần 3 tỷ đồng.

Vùng biển ở thôn Sơn Trà, xã Bình Đông và thôn Tuyết Diên 1, xã Bình Thuận thuộc vùng biển Dung Quất, là nơi bà con nhân dân các xã Bình Thuận, Bình Đông, Bình Thạnh và Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nhiều năm qua phát triển nghề nuôi cá lồng bè. Tuy nhiên, theo ông Phan Huy Hoàng- Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Vùng này ngành nông nghiệp không đưa vào quy hoạch nuôi thủy sản vì có nhiều điều kiện bất lợi, đặc biệt là nếu nuôi tự phát mà mật độ quá dày thì sẽ bị sự cố.

Quyết liệt xử lý

Ngày 18/5/2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có Công văn số 2911/UBND-NNTN về việc chấm dứt tình trạng nuôi trồng thủy sản lồng bè tự phát tại thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn. Theo đó, UBND huyện Bình Sơn đã tập trung chỉ đạo chấm dứt tình trạng nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch, đồng thời chỉ đạo chấm dứt nuôi cá lồng trên vùng biển huyện Bình Sơn. Đồng thời, UBND huyện đã tổ chức họp người dân nuôi cá tại thôn Sơn Trà (xã Bình Đông) để các hộ tự tháo dỡ lồng bè, chấm dứt việc nuôi cá để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nước… Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động nhân dân chấm dứt tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát không theo qui hoạch; tổ chức thông báo cho các hộ dân đang nuôi trồng thủy sản lồng bè tự phát không theo quy hoạch tại thôn Sơn Trà, xã Bình Đông phải tháo dỡ lồng bè, không được tiếp tục sản xuất… trong đó, xác định cụ thể thời điểm phải tháo dỡ, sau thời gian này nếu chưa tháo dỡ hoặc tiếp tục vi phạm thì xử lý nghiêm theo Quy định tại Nghị định số 103/2013/NĐ- CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, kể cả những trường hợp phát sinh mới.

Được biết vùng cảng Dung Quất nằm ở hạ lưu sông Trà Bồng, luôn ảnh hưởng của thủy triều xâm nhập qua cửa biển Sa Cần gồm các xã Bình Chánh, Bình Thạnh, Bình Đông, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Trị, Bình Phước thuộc huyện Bình Sơn. Tuy nhiên, vùng nuôi này lại chịu ảnh hưởng của khu kinh tế Dung Quất. Đây cũng là một địa điểm có thể gây tác động xấu tới môi trường nuôi trồng thủy sản ở các khu vực lân cận do nguồn chất thải của các nhà máy làm ảnh đến môi trường nước. Ngoài ra, chất thải sinh hoạt của các cụm công nghiệp, làng nghề, khu đô thị mới Vạn Tường cũng sẽ gây tác động không nhỏ tới môi trường cho nuôi trồng thủy sản.

Toàn tỉnh Quảng Ngãi có  khoảng 4.675 ha diện tích tiềm năng nuôi trồng thủy sản, trong đó nuôi thủy sản nước ngọt khoảng 3.540 ha; nuôi mặn, lợ khoảng 1.135 ha. Tuy nhiên, các vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh hiện đang chịu tác động rất lớn từ môi trường, rác thải sinh hoạt, cặn dầu, chất thải rắn và các chất tẩy rửa từ tàu thuyền cập bến ở các cảng cá. Cùng đó, tại các cảng cá, nơi thường xuyên diễn ra hoạt động mua bán hải sản, nhưng cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải, rác thải, một khối lượng lớn rác thải bị vứt vương vãi trên bờ, dưới nước bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân ven biển và khiến chất lượng nuôi trồng thủy sản giảm sút, dịch bệnh và ô nhiễm gia tăng.

Người nuôi sẽ chịu nhiều thiệt thòi do không được nhận hỗ trợ Nhà nước vì nuôi mang tính tự phát, ngoài vùng quy hoạch. Bên cạnh đó, Huyện cũng sẽ không xem xét đối với việc cải tạo vùng nuôi hay phân phối con giống thủy sản cho các hộ nuôi. Do đó, bên cạnh sự chỉ đạo của cơ quan chức năng thì người nuôi cũng cần phải nâng cao ý thức tuân thủ đúng quy hoạch vùng nuôi. Có vậy mới phát triển nghề nuôi thủy sản theo hướng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Thanh Thủy

Tổng Cục Thủy Sản

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!