Năm 2016, giá tôm trên toàn cầu đã tăng trở lại, thế nhưng nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã không nắm bắt được cơ hội. Một phần bởi sản lượng tôm nguyên liệu của Việt Nam đã không đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.
Tôm thiếu
Thiếu tôm nguyên liệu không chỉ Việt Nam mà hầu hết các nước đều rơi vào tình trạng “cháy hàng”. Giá tôm nguyên liệu tăng ồ ạt trên toàn cầu. Ngay cả ở Ấn Độ, một cường quốc tôm giá rẻ thì 6 tháng đầu năm nay, giá tôm nguyên liệu cũng đã tăng 30 – 40% so năm ngoái. Bên cạnh nguyên nhân tiêu thụ tôm ở Mỹ tăng, một số chuyên gia cho rằng vấn đề nguồn cung khan hiếm cũng là một nhân tố. Khi giá tôm nguyên liệu tăng, nhà xuất khẩu sẽ có ít lợi nhuận hơn và sức cạnh tranh của con tôm Ấn Độ trên thị trường cũng giảm đi.
Một cường quốc xuất khẩu tôm mới nổi là Ecuador cũng đã đạt kim ngạch 739 triệu USD và cũng đang mơ đến con số xuất khẩu 3 tỷ USD trong năm nay hoặc sang năm mà thị trường của họ hướng mạnh vào Trung Quốc. Những thất bại do dịch bệnh khiến tôm nuôi của Trung Quốc không đáp ứng được nhu cầu nội địa và việc nhập khẩu vẫn “leo thang” từ đầu năm đến nay. Mặc dù, một số nước dự báo tôm nguyên liệu có dấu hiệu hồi phục (như sản lượng tôm Thái Lan dự kiến tăng khoảng 40% đạt 270.000 tấn và Mexico dự kiến đạt sản lượng 110.000 tấn, tương đương 2015); song cơ bản, tôm nguyên liệu thế giới vẫn cung không đủ cầu. Riêng Trung Quốc, dự báo lượng tôm phải nhập khẩu tăng khoảng 34% so năm 2015.
Chế biến lao đao
Đó là câu nói vui nhưng cũng phản ảnh sự thật là tôm nguyên liệu đang trở nên khan hiếm do bất lợi về thời tiết những tháng vừa qua. Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, tổng sản lượng tôm nuôi 6 tháng đầu năm hơn 159.000 tấn, giảm 3% so cùng kỳ.
Nhiều nhà máy thiếu tôm nguyên liệu để sản xuất – Ảnh: An Đăng
Điều đáng lo ngại là nắng hạn kéo dài, độ mặn tăng cao khiến nhiều diện tích gần như bị thiệt hại trắng khiến việc các nhà máy chế biến tôm ở Cà Mau chỉ có thể hoạt động khoảng 50 – 60% công suất. Đây chính là lý do mà tỉnh Cà Mau đã điều chỉnh dự báo xuất khẩu tôm từ 1,2 tỷ USD xuống còn khoảng 1 tỷ USD trong năm nay. Bộ NN&PTNN cho biết, ít nhất 81.400 ha tôm nước lợ tại ĐBSCL đã bị thiệt hại và tổn thất gấp 4 lần so cùng kỳ 2015.
Thất bát trong nuôi trồng đã đe dọa nghiêm trọng tới ngành chế biến. Mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Minh Phú (tập đoàn chế biến xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam) cho biết đã giảm 5.000 nhân công, trong khi, đa số các nhà máy khác cũng đã sa thải hàng nghìn nhân công do không có tôm nguyên liệu để sản xuất.
Mấu chốt nuôi trồng
Đa số các nhà nghiên cứu đều không đánh giá cao tính bền vững của ngành tôm Việt Nam bởi hai yếu tố: tỷ lệ nuôi trồng thành công còn thấp, sản lượng và chất lượng đều chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà xuất khẩu. Để tránh tổn thất, tăng tỷ lệ thành công, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL đều kiến nghị xây dựng hệ thống thủy lợi, cung cấp nước sạch cho các vùng nuôi tôm.
Người nuôi tôm thì mong được cung cấp những giống tôm có khả năng chịu đựng nhiệt độ cao hơn, kháng bệnh tốt hơn và chịu được độ mặn. Vấn đề sản xuất giống đối phó với biến đổi khí hậu sẽ là nền tảng của ngành tôm, bởi với những giống tôm dễ bị tổn thương như hiện nay, đa số người dân không dám mạo hiểm nuôi thả trong điều kiện môi trường xấu.
Nghịch lý hiện nay, do thiếu nguyên liệu, nhà máy giảm công nhân, giảm công suất; người dân thấy nhà máy hoạt động cầm chừng lại không muốn đẩy mạnh nuôi trồng. Bộ NN&PTNT đang ráo riết chỉ đạo các nhà máy phối hợp với người dân trong việc khôi phục các vùng nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu. Bộ cũng đang có chương trình xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam; rõ ràng nếu không có nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng thì sẽ khó cho việc phát triển thương hiệu tôm Việt Nam.
>> Các nhà sản xuất chế biến cho rằng, năng suất ngành tôm của Việt Nam còn thấp, do đó, vẫn cần đến diện tích lớn mới cung ứng được cho những nhà máy nhỏ và trung bình. 500.000 ha nuôi tôm quảng canh đạt năng suất 200 – 250 kg/ha là cực kỳ thấp. |