Đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 ra sao là vấn đề vẫn tiếp tục được bàn. Bởi nếu ngư dân không am hiểu sẽ đối mặt nhiều nguy cơ. Câu chuyện dưới đây sẽ giúp ngư dân tổ chức đàm phán, chọn, giám sát để tàu thép có độ bền cao, hoạt động ổn định.
Chi tiết
Ngày 20/5/2015, hai tàu cá vỏ thép được hạ thủy tại xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi. Đây là tàu được đóng dưới sự tài trợ của Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi và Công ty Bia Sài Gòn. Thuyền trưởng Huỳnh Luận nhìn mặt ông Nguyễn Xuân Huế, Chủ tịch Quỹ hỗ trợ ngư dân (QHTND) tỉnh Quảng Ngãi và thốt lên: “Bữa nay ông Huế mới có nụ cười”. Theo các ngư dân, khi Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang đàm phán để đóng hai con tàu vỏ thép, ông Huế đã chỉ vào chồng hồ sơ rồi bỏ về và nói: “Khi nào các anh mang tập hồ sơ dày gấp mấy lần như thế này thì mới làm việc”.
Ông Nguyễn Xuân Huế, Anh hùng Lao động, nguyên Giám đốc Công ty Đường, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nên rất am hiểu kỹ thuật. Ông cho biết, khi đóng tàu thì hồ sơ, thiết kế, bản vẽ phải chi tiết, không thiếu bộ phận nào. Việc thi công từng gói phải được ấn định thời gian hoàn thành, nếu chậm phải bồi thường. Làm như vậy thì ngư dân mình mới có được chiếc tàu chất lượng thật tốt, còn phía nhà thầu không dám làm sơ sài. Tập hồ sơ đóng tàu vỏ thép phải trả lời được tất cả các câu hỏi mà phải mất cả ngày để thuyết trình: vỏ tàu thế nào, đóng bằng thép mác gì, xuất xứ của thép, máy tàu loại gì, máy bơm loại gì, nước sản xuất, kho hầm ra sao…?
Khi nhà thầu thuyết trình hồ sơ, Ban điều hành Quỹ HTND mời các kỹ sư, chủ tàu, máy trưởng đến tham gia góp ý. Tàu đóng cho ngư dân nên không thể áp dụng quy chuẩn tàu vận tải của Việt Nam mà phải phù hợp tàu đánh cá, được ngư dân trực tiếp góp ý: Bố trí máy tời ở vị trí nào? Cần bao nhiêu cẩu, ca bin cao bao nhiêu là vừa, phòng ngủ của ngư dân thế nào, thành tàu cao bao nhiêu mét để ngư dân dễ thao tác lưới khi kéo lên và thả xuống…?
Phải mất đến 3 tháng đàm phán, hồ sơ con tàu mới hoàn tất để gửi ra Cục Đăng kiểm, chờ phê duyệt, sau đó nhà máy đặt ki đóng tàu.
Đóng tàu vỏ thép cần chuẩn bị kỹ lưỡng mọi công đoạn – Ảnh: Trịnh Thu Nguyệt
Độc lập
Khi tiến hành đóng tàu, Quỹ HTND giúp chủ tàu làm bảng chào giá và gửi đến 3 hoặc 5 cơ sở đóng tàu vỏ thép để công ty báo giá thành. Hồ sơ báo giá của các công ty phải chi tiết, có tính khả thi, không phải hồ sơ mang tính thủ tục hành chính. Chủ tàu được Ban điều hành Quỹ HTND thuê một công ty thẩm định giá độc lập, tiến hành báo giá từng thiết bị. Đó là cơ sở để đàm phán với nhà thầu để hạ thấp giá thành, áp giá sát và chốt giá.
Hợp đồng đóng tàu chia 5 – 7 giai đoạn. Kết thúc mỗi giai đoạn thì nghiệm thu, quyết toán từng phần. Máy tàu được ký hợp đồng riêng. Việc kiểm tra từng phần có sự tham gia của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, Tổng cục Thủy sản. Quỹ HTND mời vài kỹ sư đến tư vấn cho chủ tàu.
Ngư dân quen tâm lý “sắm máy cũ ít tiền”. Ông Huế kể: “Tôi thuyết phục chỉ xài máy mới để vận hành an toàn, bền vững, tiết kiệm. Nhất định phải dùng máy mới, vì máy vận hành an toàn, rất tiết kiệm nhiên liệu. Bây giờ thấy đó là quyết định rất đúng”.
Một chiếc tàu thường được ký hợp đồng đóng trong 3 tháng. Chủ tàu thường xuyên có mặt tại công trường để giám sát. Ông Phan Huy Hoàng, Giám đốc Quỹ HTND, cũng đồng hành liên tục với ngư dân. Ông chia sẻ kinh nghiệm: “Chủ tàu bám công trường thì mới hiểu được van thông thủy, thông gió… nằm chỗ nào; tàu có mấy chục cái bơm được đặt tại đâu, điện áp ra sao, dây điện chạy theo hướng nào…? Nhờ nắm được “ruột” tàu nên khi vận hành nếu trục trặc thì biết cách khắp phục.
Theo hợp đồng ban đầu, hai tàu này được đóng bằng thép Nga. Nhưng do thiếu nguồn cung nên nhà thầu chuyển sang thép Hàn Quốc. Quỹ HTND yêu cầu nhà thầu phải có biên bản của công ty kiểm định nhận xét cường độ nén, cường độ kéo, phù hợp quy phạm đóng tàu hay không…?”.
Tâm huyết
Bộ hồ sơ đóng tàu được đích thân ông Nguyễn Xuân Huế soạn thảo hợp đồng, đặt ra những điều khoản chặt chẽ. Ngư dân không có kiến thức về đóng tàu vỏ thép; vì vậy ông Huế xác định với ban điều hành Quỹ HTND là phải “coi tàu ngư dân như tàu nhà mình”. Quỹ huy động 3 kỹ sư đóng tàu của Sở NN&PTNT, Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi cùng tham gia với tinh thần “làm không công giúp bà con mình có tàu tốt”. Ngày 20/5/2015, hai tàu cá vỏ thép đã hạ thủy, vận hành tốt. Nhưng nhìn lại quá trình thực hiện, ông Huế cho biết, “phải tâm huyết, hết mình lo cho ngư dân thì mới thành công được”. Và ông kiến nghị: “Sắp tới nhà nước nên giao cho từng địa phương thành lập tổ tư vấn xuyên suốt, giúp ngư dân đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67. Tổ tư vấn giúp ngư dân làm hợp đồng, đàm phán, cử kỹ sư giám sát…; nếu để ngư dân tự đóng tàu thép là một lỗ hổng lớn”.
Từ đầu năm 2015 đến nay, Quỹ đã hỗ trợ 49 thuyền trưởng, chủ tàu và thuyền viên trên tàu với tổng số tiền 378 triệu đồng. Tổng tiền Quỹ đã hỗ trợ ngư dân bị nạn từ ngày thành lập đến nay gần 24,8 tỷ đồng, gồm hỗ trợ không thu hồi và hỗ trợ có thu hồi.
>> Theo TS Phùng Minh Lộc, Trưởng bộ môn Động Lực, khoa Kỹ thuật Giao thông – Đại học Nha Trang: Đóng tàu vỏ thép cho ngư dân tốt nhất chọn thép Nga, sau đó là Hàn Quốc. Mỗi năm phải sơn bảo dưỡng tàu một lần. Tuyệt đối không dùng thép Trung Quốc, vì trong thép còn nhiều tạp chất. |