(TSVN) – Thu gom chất thải phân tôm, xử lý phối chế thành phân hữu cơ phục vụ cho trồng trọt, làm thức ăn nuôi một số loài thủy sản khác như cá rô phi, Artemia, trùn chỉ… vừa giúp ngành trồng trọt hướng tới sản xuất hữu cơ, xanh, tăng hiệu quả kinh tế, vừa giảm ô nhiễm môi trường, giảm lượng phát thải CO2, giảm phát thải khí nhà kính.
Mỗi lần xiphong chất thải chứa trong khoảng 1 – 2 m³ (mở van xả hoặc bơm từ rốn phễu bể/hồ nuôi trong 30 giây đến 1 phút), thu gom vào bể thu phân tôm (thể tích 2-10 m³ tùy quy mô sản xuất, có trải bạt, hình phễu để chất thải mau lắng). Để lắng trong 15 – 30 phút. Lúc này trong bể thu phân tôm có 2 tầng nước: tầng nước trên mặt trong, không chứa phân tôm; tầng nước dưới đáy phễu đục, chứa phân tôm. Xả hoặc bơm bỏ phần nước trong, không chứa chất thải ra ngoài.
Ô nhiễm do nuôi tôm rất cao gây bức xúc cho cộng đồng. Ảnh minh họa.
Nước thay ra từ ao/bể nuôi chứa vào 1 ao/bể hình phễu, trải bạt. Tùy quy mô sản xuất để thiết kế thể tích ao (khoảng 200 m³). Để lắng trong 15 – 30 phút. Lúc này trong bể thu phân tôm có 2 tầng nước: tầng nước trên mặt trong, không chứa phân tôm; tầng nước dưới đáy phễu đục, chứa phân tôm. Bơm hút lấy phần chất thải lắng dưới đáy phễu vào bể thu phân tôm. Để lắng 15 – 30 phút. Bơm hút phần nước trong, không chứa phân tôm ra ngoài. Mục đích là phần nước chứa chất thải có thể tích nhỏ nhất để khi rửa mặn, lượng nước ngọt bơm vào nhỏ nhất, tiết kiệm chi phí. Sau khi bơm tách chất thải, phân tôm, nước có thể tái sử dụng tuần hoàn bơm ngược trở lại bể/ao nuôi.
Dùng công thức V1 x S1 = V2 x S2. Trong đó V1, V2 lần lượt là thể tích nước chứa chất thải ban đầu và thể tích nước ngọt cần bơm vào; S1 và S2 lần lượt là độ mặn ban đầu của nước chứa chất thải và độ mặn sau khi bơm nước ngọt vào. Tùy vào mong muốn: độ mặn sau khi rửa mặn (S2) mà ta tính được thể tích nước ngọt (V2) cần bơm (Độ mặn ủ phân hữu cơ khoảng 2‰. Cho Artemia ăn trực tiếp không cần rửa mặn).
Sau khi đã rửa mặn đạt như mong muốn ta bơm dung dịch trên vào máy ép phân tôm (đồng thời bơm dung dịch Polymer để tạo bông kết dính). Sản phẩm là 95 – 99% chất thải đã được ép khô với độ ẩm khoảng 75 – 80%; đã thực hiện ở trang trại của HTX Artemia Vĩnh Châu (Bạc Liêu) làm thức ăn cho Artemia. Sản phẩm phân tôm qua máy ép phân tôm dùng phối chế với các nguyên liệu khác như trấu, lục bình khô làm phân bón hữu cơ cho trồng trọt, tôm – lúa… Hiện nay, ô nhiễm do nuôi tôm rất cao gây bức xúc cho cộng đồng. Ý tưởng giúp giảm phát thải CO2, xanh hóa quá trình sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường.
Với hiện trạng nuôi tôm siêu thâm canh hiện nay, khi thu gom chất thải phân tôm cần thiết kế thêm (i) bể thu gom phân tôm có thể tích khoảng 2 – 10 m³tùy theo quy mô nuôi, hình phễu, lót bạt; (ii) bể chứa nước thay ra từ ao/bể nuôi, thể tích khoảng 200 m³, lót bạt, hình phễu; (iii) máy ép phân tôm; (iv) Polymer kết gắn chất thải phân tôm.
Toàn bộ máy làm bằng INOX 304 nên không bị rỉ sét trong môi trường nước mặn. Sử dụng motor của Đức, Italy với điện năng tiêu thụ thấp, bền, ít hư hỏng. Khi đã chuẩn bị phân tôm, rửa mặn, pha Polymer thì chỉ cần bơm 2 hỗn hợp trên đồng thời vào máy. Máy hoạt động tự động không cần công nhân vận hành. Máy ép phân tôm thu được trung bình 40 kg phân tôm/giờ. Chi phí để thu gom 1 kg phân tôm gồm: Điện năng 100 đồng (500 W/giờ) + Polymer 100 đồng = 200 đồng. Hiện nay trên thị trường giá bán các loại phân hữu cơ khoảng 4.000 – 20.000 đồng/kg tùy loại.
Hệ thống còn sử dụng một số thiết bị khác: (i) bơm Polymer công suất điện 50 W/giờ; (ii) bơm phân tôm 10 W/giờ; (iii) bơm nước ngọt rửa mặn 1 – 3 m³/lần rửa mặn. Các thiết bị này tiêu thụ điện năng rất ít, không đáng kể. Ngoài các công dụng: giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải nhà kính… trong quá trình nuôi tôm còn hưởng lợi rất nhiều từ việc thu gom phân tôm. Trong quá trình thu gom phân tôm từ nước thay ra từ các bể/ao nuôi, sau khi tách phân tôm, nước có thể tái sử dụng, tiết kiệm năng lượng, thời gian bơm lắng nước từ nguồn nước cấp bên ngoài, các loại khoáng, vi sinh… bổ sung cho nước bơm từ bên ngoài. Ngoài ra, còn có tác dụng giảm ô nhiễm, lây lan nguồn bệnh. Hệ thống sử dụng chung cho toàn hệ thống ao nuôi. Nếu hoạt động liên tục máy có thể ép được 960 kg phân tôm/24 giờ, tương đương với lượng thức ăn cho ăn trong 24 giờ là khoảng 2.500 kg thức ăn, tương đương với khoảng 50 – 70 tấn tôm đang có nuôi trong hệ thống.
Một số các thiết bị khác như bể thu phân tôm, bể chứa nước thải cơ sở tự làm theo hướng dẫn tùy vào quy mô sản xuất. Theo Nguyễn Đắc Kiên (2016) bước đầu đánh giá khả năng tận dụng bùn thải ao nuôi tôm tại xã Phù Long, huyện Cát Hải, TP Hải phòng để làm phân bón trên cơ sở phân tích một số tính chất lý hóa của bùn. Khả năng phân hủy bùn với 4 công thức thí nghiệm sử dụng 2 loại chế phẩm sinh học EM và EMIC trong điều kiện có và không bổ sung vật liệu phối trộn (mùn cưa) đã được khảo sát.
Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu