Tôm hùm Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn bởi tác động của virus corona. Trước thực tế này, người nuôi đã tìm giải pháp tháo gỡ bằng việc tiếp tục nuôi giữ chứ không hoang mang ồ ạt bán tháo.
Ghi nhận tại vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) là một trong những địa điểm đứng đầu cả nước về nuôi tôm hùm với không dưới 35.000 lồng nuôi. Khi xuất khẩu bị ách tắc, ngay lập tức giá tôm hùm từ 1,4 – 1,5 triệu đồng/kg giảm chỉ còn 500.000 – 600.000 đồng/kg, thậm chí giá thấp nhưng cũng không có người mua.
Giá tôm hùm giảm xuống thấp
Theo chính quyền các địa phương ở các tỉnh Nam Trung bộ có nghề nuôi tôm hùm, áp lực tiêu thụ tôm hùm không quá căng thẳng. Trước Tết, phần lớn người nuôi đã xuất bán. Tại tỉnh Khánh Hòa, nơi có gần 50.000 lồng nuôi tôm hùm, hiện chỉ còn khoảng 1/4 lồng nuôi còn tôm. Người nuôi dự định bán số tôm hùm còn lại này sau Tết. Trước tình hình xuất khẩu gặp khó như hiện tại, nhiều người quyết định giữ tôm lại, không ồ ạt bán tháo. Ông Lê Hoàng Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa cho biết, đã vận động người nuôi cố gắng giữ lại lượng tôm chuẩn bị xuất bán trong vài tháng, khi nào Nhà nước có các chính sách mở cửa lại với thị trường Trung Quốc, thì tiếp tục xuất khẩu.
Việc giữ lại tôm buộc người dân phải chấp nhận tăng thêm chi phí nuôi mỗi ngày. Theo tính toán, tiền thức ăn để nuôi 1.000 con tôm hùm là từ 700.000 – 800.000 đồng/ngày. Trong khi đó, không phải người nào cũng có sẵn tiền cho khoản chi phí này, đa phần là vay mượn. Do đó, mong muốn của người nuôi tôm hùm lúc này là tiếp tục được hỗ trợ vay vốn để có đủ chi phí khi nuôi tôm cầm cự, chờ ngày thông thương.