Dân nuôi sò huyết ở Cà Mau khá vững dạ bởi sò huyết thương phẩm đang ổn định ở mức khá cao với giá 60.000 – 100.000 đồng/kg. Nông hộ nuôi loại thủy sản 2 mảnh vỏ này càng hăm hở bởi vụ thu hoạch sò đang cận kề …
Sò huyết được nuôi xen canh với tôm, cua tại các vuông nuôi thủy sản vùng nước mặn của Cà Mau, tập trung nhiều ở huyện Cái Nước. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước thống kê cả huyện có trên 6.600 ha sò huyết, tập trung nhiều ở xã Đông Thới và Trần Thới.
Từ năm 2006, người dân tình cờ phát hiện dưới dòng nước đặc quánh phù sa của kinh Xáng Đông Hưng có nguồn sò huyết tự nhiên, cao điểm là những tháng cận và sau Tết Nguyên đán. Sò lớn được bán cho thương lái, sò nhỏ được vài hộ dân trong vùng thu gom rồi thả vô vuông tôm. Sò tự nhiên thả vô vuông tôm sú lớn rất nhanh. Nhận thấy kiểu “làm chơi ăn thiệt” ấy hiệu quả nên nhiều hộ dân ở Đông Thới manh nha nuôi thử rồi dần dà phát triển sang vùng lân cận của Trần Thới…
Sò huyết cỡ này tới sạp chợ Cà Mau giá 90.000 đồng/kg trong khi thương lái thu gom tại vuông khoảng 70.000 đồng/kg.
Cán bộ khuyến nông khuyến ngư xã Đông Thới – Nguyễn Văn La, cho biết, trên địa bàn xã hiện có trên 2.000 ha nuôi sò huyết xen canh với các loài thủy sản khác, không ít hộ chuyên canh nuôi sò mật độ cao (khoảng 50 con/m2), tập trung nhiều ở 2 ấp Kinh Lớn và Khánh Tư. Anh La cho biết, gia đình ông – Nguyễn Văn Tám, nhà ở đầu kinh Thầy Tư, một trong những hộ đầu tiên nuôi sò huyết thành công ở xã Đông Thới. Chỉ có 6 công đất vuông tôm quảng canh nhưng sau gần 7 năm nuôi sò huyết, gia đình ông Tám từ chỗ chỉ đủ ăn giờ đã sang và cố thêm được trên 9 công đất vuông tôm để nuôi sò huyết và tôm thẻ công nghiệp, trở thành hộ khá, giàu của địa phương. Qua Tết Nguyên đán Ất Mùi này, gia đình ông Tám dự định khởi công căn nhà mới. Ông Tám cho biết: “Nuôi sò huyết không bao giờ bị lỗ, tệ lắm cũng “một vốn bốn lời. Con tôm có thất thì cũng còn con sò gỡ lại”
Để giúp nhà nông địa phương nuôi sò huyết đạt hiệu quả như mong muốn, thời gian qua ngành chức năng huyện Cái Nước tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên môn giúp đông đảo hộ nuôi sò nắm bắt quy trình, kỹ thuật để giảm rủi ro, tăng hiệu quả. Cuối năm 2012 và đầu năm 2013, chính quyền xã Đông Thới cũng lần lượt thành lập được 2 Tổ hợp tác nuôi sò huyết thương phẩm ở ấp Khánh Tư lấy tên là “Như Ý” và Tổ hợp tác nuôi sò huyết ở ấp Kinh Lớn, lấy tên là “Nhà Thính B” với trên 30 tổ viên tham gia nuôi sò mật độ cao, diện tích hơn 25 ha. Theo ông Danh Văn Đô, tổ trưởng Tổ hợp tác Như Ý, dù chưa chiết tính được cụ thể năng suất nhưng theo nhẩm tính kiểu nhà nông như ông, bình quân thả 1 kg sò giống sau thời gian nuôi từ 6 – 12 tháng sẽ thu hoạch được từ 8-10kg sò huyết thương phẩm. Nếu nuôi mật độ vừa phải thì 1ha (10.000 m2) thả được khoảng 200 kg sò giống (loại sò tiêu từ 1.000 – 2.000 con/kg). Sau 12 tháng sẽ thu hoạch, giá bán dao động từ 60.000 – 100.000 đồng/kg, mỗi ha nuôi sò, sau khi trừ chi phí (khoảng 50.000 đồng/kg sò giống), người nuôi sò còn lời không dưới 100 triệu đồng. Đó là chưa tính nguồn thu từ con tôm, con cua, con cá – ông Đô tiết lộ.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước cho biết thêm, nông hộ nuôi sò huyết ở địa phương phụ thuộc vào nguồn sò huyết giống được thu gom từ các hộ khai thác tự nhiên ở dòng kinh Xáng Đông Hưng. Do vậy, nguồn giống còn hạn chế vì phụ thuộc thời vụ. Tuy nhiên, sò huyết là một trong những mô hình nuôi hiệu quả vì vốn đầu tư khá thấp, không tốn tiền mua thức ăn cho sò và không tốn công chăm sóc. “Tuy vậy, để nuôi sò đạt hiệu quả như mong muốn, nhân dân địa phương nên thả sò giống vào những tháng có độ mặn cao, phù hợp là thời điểm sau Tết Nguyên đán và nên thường xuyên tháo nước ra vào trong vuông tôm để có thêm phù sa, vì sò là loài giáp xác ăn lọc” – kỹ sư Nguyễn Thanh Giảng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước khuyến cáo.