(TSVN) – Chiều 5/3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bấm nút khánh thành Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 ở huyện An Biên và Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, đây là công trình của ý Đảng lòng dân, công trình của trí tuệ và bản lĩnh người Việt Nam trong điều kiện khó khăn để phục vụ phát triển nhanh, bền vững. Công trình chứng minh sự thay đổi tư duy từ chống đỡ sang chủ động thích ứng với thiên nhiên, từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp.
Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan bày tỏ sự xúc động trước công trình có “vẻ đẹp kỳ vĩ”, mở ra giai đoạn 2 mở rộng vùng ảnh hưởng, phục vụ sinh kế cho người dân. Ông biểu dương đội ngũ kỹ sư, công nhân đã lao động với nhiều sáng tạo trong 2 năm qua hoàn thành công trình đạt chất lượng cao mà ban đầu dự kiến phải thực hiện 40 tháng.
Cống Cái Lớn trong ngày khánh thành
Thông tin tại buổi lễ cho biết, đây là dự án lớn, kỹ thuật đặc biệt phức tạp, vùng hưởng lợi có diện tích tự nhiên 384.120 ha (ở tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu), trong đó đất sản xuất nông nghiệp và thủy sản là 346.241 ha. Toàn bộ công tác thiết kế, thi công, quản lý đều do người Việt Nam thực hiện. Bồi hoàn giải phóng mặt bằng với gần 300 hộ bị ảnh hưởng và hơn 100 hộ hiến đất để xây dựng tuyến đê đã được sự đồng thuận rất cao của người dân. Trong 24 tháng thi công có hơn 8 tháng bị đại dịch COVID-19, giá vật liệu tăng đột biến, đặc biệt là thép và cát xây dựng nhưng tất cả được vượt qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (giữa) và đại biểu ấn nút khánh thành
Hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 hoàn thành đạt được 4 mục tiêu có ý nghĩa quan trọng. Thay đổi tư duy về công tác thuỷ lợi khu vực ven biển ĐBSCL từ “ngăn mặn” sang “kiểm soát nguồn nước”. Thực hiện “thuận thiên” đối với nông nghiệp là “thích ứng có sự kiểm soát”, các công trình thủy lợi có vai trò đặc biệt quan trọng. Con người Việt Nam có thể thiết kế, thi công, quản lý các công trình thuỷ lợi lớn, kỹ thuật phức tạp hàng đầu thế giới. Thành công đạt được nhờ sự đồng thuận, ý chí, quyết tâm cao từ người dân đến cơ quan nghiên cứu, chủ đầu tư, lãnh đạo địa phương và các cơ quan truyền thông.
Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 sau hàng chục năm nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư bắt đầu từ năm 2009. Ngày 17/4/2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Ngày 25/12/2018, Bộ NN&PTNT phê duyệt Dự án đầu tư. Triển khai thi công ngày 20/10/2019. Tổng giá trị thực hiện 3.168 tỷ đồng.
Dự án gồm có các công trình chính: cống Cái Lớn; cống Cái Bé; cống Xẻo Rô; Đê nối cống Cái Lớn, cống Cái Bé với Quốc lộ 61; 8 cống hở dọc tuyến đê biển An Biên – An Minh; hệ thống quan trắc, giám sát tự động; hợp phần mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang.
Hợp phần xây dựng cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô; đê nối cống Cái Lớn, cống Cái Bé với Quốc lộ 61 do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 làm chủ đầu tư. Cống Cái Lớn đặt tại lòng sông Cái Lớn, cách cầu Cái Lớn 2,1 km về phía sông Hậu; tổng chiều rộng thông nước 455 m, gồm 11 khoang cống rộng 40 m, âu thuyền rộng 15 m; cầu trên cống, âu có tải trọng HL93, rộng 9 m.
Cống Cái Bé đặt tại lòng sông Cái Bé, cách cầu Cái Bé 1,9 km về phía sông Hậu; tổng chiều rộng thông nước 85 m, gồm 2 khoang cống rộng 35 m, khoang âu thuyền 15m; cầu trên cống, âu thuyền, tải trọng HL93, rộng 9 m. Đê nối cống Cái Lớn, cống Cái Bé với Quốc lộ 61 bắt đầu từ cống Cái Lớn đi qua cống Cái Bé và nối với Quốc lộ 61; dài 5,742 km, rộng 9 m, có 3 cầu giao thông tải trọng HL93, rộng 9 m.
Cống Xẻo Rô đặt tại lòng kênh Xẻo Rô, cách cửa kênh Xẻo Rô (giao với sông Cái Lớn) khoảng 550 m; gồm hai cống hở hai đầu; buồng âu dài 100 m, khoang thông thuyền 31 m ở giữa và 2 khoang lấy nước rộng 5 m ở hai bên; cầu giao thông trên cống tải trọng HL93, rộng 9 m.
Hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng do UBND huyện Châu Thành và An Biên (Kiên Giang) làm chủ đầu tư. Hợp phần mô hình sinh kế, các hoạt động phi công trình và 8 cống dọc tuyến An Minh – An Biên do Sở NN&PTNT Kiên Giang làm chủ đầu tư. Hợp phần mô hình sinh kế, các hoạt động phi công trình trên địa bàn tỉnh Hậu Giang do Sở NN& PTNT Hậu Giang làm chủ đầu tư.
Dự án có hệ thống quan trắc, giám sát tự động Scada. Dữ liệu quan trắc từ thiết bị ở hiện trường gửi về nhà quản lý tại các cống, trung tâm điều hành hệ thống, trung tâm dữ liệu đặt tại Tổng cục Thủy lợi. Các cơ quan chức năng có thể truy cập xem số liệu quan trắc, số liệu dự báo, đưa ra các đánh giá và quyết định việc vận hành. Người dân có thể truy cập dễ dàng để sử dụng nước phù hợp.
Cống Cái Bé
Bắt đầu thi công ngày 20/10/2019, cống Cái Bé đưa vào vận hành tạm từ đầu tháng 2/2021, phục vụ kiểm soát mặn mùa khô 2020 – 2021 và hoàn thành toàn bộ trong tháng 7/2021. Đê nối với QL61 hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 6/2021. Cống Cái Lớn hoàn thành cơ bản để vận hành phục vụ sản xuất cuối tháng 6/2021; tháng 11/2021 hoàn thành toàn bộ, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. Cống Xẻo Rô thi công từ ngày 20/9/2020 (sau các công trình trên 1 năm), ngày 5/11/2021 hoàn thành.
Cống Xẻo Rô
Dự án có nhiệm vụ chính là kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định cho vùng hưởng lợi. Bên cạnh đó, kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần cấp nước ngọt cho huyện An Minh, An Biên.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo một số vấn đề cần lưu ý, nghiên cứu, thực hiện trong thời gian tới. Đó là, quản lý, vận hành, bảo trì công trình đảm bảo an toàn, hiệu quả cao nhất của dự án. Tiếp tục theo dõi, cân chỉnh, hoàn thiện quy trình vận hành hành hệ thống. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phi công trình và công trình để sử dụng tốt công năng của các công trình đã xây dựng, có cả việc quy hoạch lại sản xuất, kết hợp phát triển du lịch.
Sáu Nghệ