Trong những năm qua, nhu cầu về thịt lươn luôn ở mức cao và ổn định, việc đầu tư chi phí nuôi lươn thấp, hiệu quả kinh tế cao nên nhiều bà con nông dân đã lựa chọn mô hình nuôi lươn để phát triển kinh tế gia đình.
Tuy nhiên, việc thời tiết thay đổi thất thường, do sự biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, đã gây ra nhiều dịch bệnh trên con lươn. Để phòng và điều trị bệnh cho lươn, người nuôi cần lưu ý một số vấn đề sau:
Vào những tháng trước và sau Tết Nguyến đán thời tiết thường lạnh kéo dài, nhiệt độ nước xuống thấp là điều kiện để các loại nấm phát triển gây bệnh cho lươn, đồng thời cũng làm lươn giảm ăn. Để phòng bệnh cho lươn trong thời gian này, nếu được nên bố trí bể nuôi trong nhà có mái che, nâng mực nước cao hơn để giảm bớt sự mất nhiệt, bỏ bèo tây, nùi nhựa để lươn trú ẩn. Nếu bể xây ngoài trời thì phải che đậy để hạn chế mất nhiệt. Theo dõi sức ăn của lươn để điều chỉnh lượng thức ăn thích hợp, không để tồn thức ăn thừa trong bể lâu, lươn ăn phải dễ bị bệnh đường ruột.
Vào mùa nắng nóng, nhiệt độ trong bể có thể tăng cao, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển. Người nuôi cần phòng bệnh bằng cách thay nước hợp lý, cho ăn vừa phải, hạn chế cho ăn ban ngày vào thời điểm nắng nóng; bổ sung Vitamin C và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho lươn.
Sau đây là một số các loại bệnh thường gặp trên lươn và cách phòng trị:
–
Bệnh viêm ruột (hay còn gọi là bệnh đường ruột hay bệnh tuyến trùng).
Đây là bệnh do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng đường ruột gây nên. Vi khuẩn/ký sinh trùng này tồn tại trong môi trường nuôi và trong ruột lươn, tuy nhiên nếu lươn khỏe thì vi khuẩn này không ảnh hưởng, nhưng khi môi trường không tốt, sức đề kháng lươn yếu thì chúng phát triển mạnh và gây ra bệnh này. Biểu hiện bên ngoài của bệnh là lươn bị vết màu đỏ ở phần hậu môn, thân lươn đen, bơi chậm chạp, tách bầy, có thể có phân nổi mặt nước. Bệnh gây chết rải rác.
Lươn bị đỏ hậu môn (Ảnh sưu tầm)
Cách xử lý: Không cho lươn ăn cá ươn, thức ăn viên bị ẩm mốc; thay nước sạch sau khi ăn, không để thức ăn qua đêm; trộn thuốc trị bệnh đường ruột (cho cá) vào thức ăn và cho lươn ăn từ 5 – 7 ngày đến khi lươn hết bệnh. Phòng bệnh bằng cách trộn men tiêu hóa vào thức ăn cho lươn ăn thường xuyên.
– Bệnh xuất huyết, bệnh đỏ da, bệnh lở loét, bệnh thối đuôi…
Nguyên nhân là do môi trường nước bị bẩn, vi khuẩn có hại phát triển, xâm nhập vào các vết xước ngoài da gây lở loét, xuất huyết.
Lươn bị sây sát (Ảnh sưu tầm)
Cách xử lý: Người nuôi cần diệt khuẩn môi trường và trộn kháng sinh vào thức ăn với liều lượng 05 g/kg thức ăn, cho lươn ăn trong thời gian 5 – 7 ngày. Có nhiều loại kháng sinh có thể sử dụng, tuy nhiên để tăng hiệu quả chữa trị cần điều trị thử nghiệm ở quy mô nhỏ trước, khi thấy hiệu quả thì điều trị cho cả đàn và các bể lân cận.
– Bệnh giun sán, đĩa ký sinh, đốm đen…
Cách xử lý: Tắm cho lươn bằng dung dịch nước muối 200 – 300 g muối pha với 10 lít nước tắm cho lươn 15 – 20 phút hoặc dùng KMnO4, Fomandehit tắm cho lươn. Trộn thuốc trị: Flophenicol + Vitamin C + vào thức ăn dùng liên tục trong vòng 5 – 7 ngày. Hàng tháng tẩy giun sán cho lươn bằng các loại thuốc dùng trong thủy sản. Loại bỏ những con bị bệnh và thường xuyên vệ sinh bể nuôi sạch sẽ.
– Bệnh nấm thủy mi:
Trong quá trình nuôi lươn khi thời tiết lạnh, nhiệt độ xuống thấp kéo dài, thức ăn thừa, nước dơ lươn dễ bị nhiễm nấm thủy mi. Triệu chứng: các đám sợi tạo thành đốm trắng bám trên mình lươn như cục bông gòn, nếu nặng có thể gây lở loét.
Cách xử lý: Tắm lươn bằng xanh methylen hoặc thuốc tím, liều dùng 01 g/m3 trong 10 – 15 phút tùy vào sức khỏe của lươn, sau đó cấp thêm nước mới vào bể. Có thể dùng nước muối 200 – 300 g muối pha 10 lít nước, tắm cho lươn 15 – 20 phút.
– Bệnh sốt nóng:
Do mật độ nuôi dày, oxy hòa tan thấp, thức ăn thừa làm môi trường ô nhiễm. Triệu chứng: Khi môi trường quá bẩn, lươn mất cân bằng sinh lý, cơ thể tiết nhiều dịch nhầy. Lươn bị xáo động trong bể, cuốn nhau thành từng búi, đầu lươn sưng phồng to, chết hàng loạt.
Cách xử lý: Giữ môi trường nước luôn sạch, giảm mật độ nuôi, san lươn sang bể khác, phân đàn lươn, thay nước, thêm nước sạch vào bể, nâng cao mực nước trong bể, thả bèo, che mát, thả ghép 10 – 15 con cá chạch bùn để ăn thức ăn thừa. Thường xuyên vớt lươn chết khỏi bể, thay nước mới hoàn toàn.
Lươn bị triệu chứng sốt nóng, tiết nhiều dịch nhầy (Ảnh sưu tầm)
Do lươn là đối tượng rất nhạy cảm với sự thay đổi môi trường cũng như với các loại thuốc, hóa chất nên khi lươn bị bệnh hiệu quả chữa trị không cao. Để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra, người nuôi nên áp dụng phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, trong bất kỳ tình huống nào cũng cần bình tĩnh để xem xét và đưa ra biện pháp xử lý phù hợp. Nếu gặp vấn đề khó khăn trong phòng, trị bệnh cho lươn nói riêng cũng như các đối tượng nuôi nông nghiệp nói chung, bà con cần nhanh chóng liên hệ với cán bộ khuyến nông hoặc cán bộ thú y xã, huyện để được tư vấn, hỗ trợ./.
ThS. Đào Mai Quốc Việt
Trung tâm Khuyến nông Phú Yên