Vài năm trở lại đây, chưa có năm nào người nuôi tôm được mùa như năm nay. Năng suất bình quân từ 1,2-1,4 tấn/ha, tăng 2-3 tạ so với năm 2011. Thế nhưng, bà con không vui, vì tôm mất giá.
Năng suất cao
Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi về vùng đầm phá của các huyện Phú Vang, Phú Lộc… và chứng kiến cảnh người dân được mùa tôm. Đang thu hoạch hồ tôm sú, chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Lộc Bình (Phú Lộc) nói: “Sau hơn 3 tháng, tôi thu hoạch 1,2 tấn tôm thịt nhưng chỉ bán trên dưới 90 triệu đồng. Dù năm nay tôm nuôi được mùa nhưng bán với giá rẻ, chi phí thức ăn lại cao, nên gia đình tui không vui lắm”. Anh Huỳnh Đấu ở xã Lộc Bình, vui mừng: “Hơn 3 năm rồi, năm nay gia đình tui mới có một mùa tôm được mùa. Gia đình thả nuôi 0,5 ha, trong quá trình nuôi tôm phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh. Hơn 3 tháng, cho thu hoạch 7 tạ tôm, năng suất 1,4 tấn/ha. Năng suất này được xem là “kỷ lục” của nghề nuôi tôm trong vòng 5 năm nay”.
Bà con gặp nhiều khó khăn khi tôm nuôi được mùa nhưng mất giá
Anh Mai Văn Xỉ, Trưởng phòng Phòng Nông – lâm – thủy sản huyện Phú Lộc cho biết: “Vụ nuôi năm 2012, người dân trên địa bàn huyện Phú Lộc thả nuôi 880 ha. Sản lượng thu được 605 tấn, trong đó 444 tấn tôm; tăng gần 100 tấn so với cùng kỳ”.
Anh Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cho biết: “Năm 2012, toàn tỉnh thả nuôi 6.077 ha thủy sản, đạt 96,8% kế hoạch năm. Thời điểm này, bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh thu hoạch gần 8.000 tấn tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá, cua…; trong đó, gần 2.000 tấn tôm; năng suất bình quân 1,3 tấn/ha. Năm nay, tôm nuôi được mùa cũng nhờ nhận thức của bà con được thay đổi, không xem con tôm sú là đối tượng nuôi chính mà thay vào đó là các đối tượng nuôi xen ghép như tôm, cua, cá ong, dìa, đối…”.
Giá thành thấp
Vụ nuôi 2012, toàn tỉnh có gần 80% hộ nuôi tôm được mùa, nhưng người nuôi tôm vẫn không vui, bởi vì tôm mất giá. Chị Nguyễn Thị Hoa nói: “Gia đình tui có 1 hồ tôm nuôi đến kỳ thu hoạch nhưng không bán được, chi phí thức ăn mỗi ngày 300 ngàn đồng nhưng tôm thì rớt giá từng ngày. Cầm cự mãi, cuối cùng phải thu hoạch “bán đổ, bán tháo” với giá 85 ngàn đồng/kg (loại 90 con/kg). Trong khi đó, năm trước loại tôm này bán với giá 120 ngàn đồng/kg”. Anh Nguyễn Văn Tiến, người nuôi tôm ở xã Vinh Thanh (Phú Vang) buồn bã: “Năm trước, 1 kg tôm (80 con) có giá từ 110-120 ngàn đồng/kg, nhưng năm nay tôm rớt giá từng ngày. Đầu mùa thu hoạch 1 kg tôm có giá 85 ngàn đồng, nhưng đến thời điểm này giá bán chỉ 75 ngàn đồng/kg. Bên cạnh đó, tôm đến lúc thu hoạch nhưng rất khó bán vì ít người mua. Những năm trước, đến thời điểm thu hoạch tôm, riêng xã Vinh Thanh có 5 tư thương đến tranh nhau mua tôm, nhưng năm nay chỉ có một tư thương. Vì thế, người nuôi thường xuyên bị tư thương ép giá. Đơn cử, như ngày hôm nay, tư thương đến xem tôm, nhất trí giá; 4h sáng hôm sau gia đình tháo nước ở hồ, bắt tôm xong tư thương đến trả tôm với giá thấp hơn và đưa ra lý do hôm nay thị trường tôm rớt giá”. Tôm đã bắt lên rồi thì phải bán chứ biết làm răng, có lúc “thắt ruột, cắn răng mà chịu”. Ông Tiến tiếp lời.
Hiện, hàng ngàn hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh lâm vào cảnh khó khăn khi tôm nuôi rớt giá. Trong khi đó, giá thức ăn, giá tôm giống, công chăm sóc… đội lên hàng ngày. Chẳng hạn, đầu vụ nuôi một bao thức ăn 20 kg có giá 650 ngàn đồng nhưng đến nay đã tăng lên 750 ngàn đồng.
Để nghề nuôi tôm phát triển theo hướng bền vững, tránh trường hợp khi tôm “được mùa mất giá, được giá mất mùa”; thiết nghĩ, các cơ quan ban ngành liên quan cần tạo sự liên kết giữa người nuôi tôm và các doanh nghiệp để sản phẩm của người dân làm ra có nơi tiêu thụ. Trên địa bàn tỉnh có 4 đơn vị chế biến thuỷ sản, nhưng để đủ nguyên liệu sản xuất các công ty phải thu mua nguyên liệu từ các tỉnh phía Nam và Bắc. Liệu, khi nào sự “lệch pha” giữa “cung” và “cầu” này mới chấm dứt?