(TSVN) – Theo Chi cục Thuỷ sản Thừa Thiên Huế, kết quả phân tích mẫu nước thời gian qua ở một số địa điểm trong tỉnh cho thấy nhiều yếu tố môi trường bất lợi cho thủy sản nuôi.
Cụ thể, kết quả phân tích mẫu nước thời gian qua tại Thuận An và Lăng Cô của Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc cho thấy nguồn nước cấp tại Lăng Cô có độ mặn cao hơn ngưỡng phù hợp cho nuôi tôm nước lợ; mật độ Coliform tổng số trong nước cao hơn 6,8 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Nguồn nước cấp tại Thuận An có hàm lượng H2S và mật độ Vibrio tổng số cao hơn 1,2 – 1,6 lần so với ngưỡng phù hợp cho nuôi tôm nước lợ. Chỉ số WQI ở điểm quan trắc Lăng Cô ở mức xấu.
Ảnh minh hoạ. Ảnh: Báo TTH
Các thông số nhiệt độ, pH, DO, độ kiềm, N-NH4, N-NO2, P-PO4, COD có giá trị phù hợp cho nuôi tôm nước lợ; không phát hiện tảo độc và VP AHPND trong nguồn nước cấp. Chỉ số WQI ở điểm quan trắc tại Thuận An đạt mức rất tốt.
Các thông số môi trường tại các điểm cấp nước cho vùng nuôi trồng thủy sản đầm phá, ven biển tập trung và vùng nuôi cá lồng trên các sông đều nằm trong giới hạn cho phép để nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, nhiệt độ các điểm đều tiệm cận ngưỡng giới hạn cao (33oC), thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài nên các hộ nuôi cần lưu ý khẩu phần và chế độ ăn hợp lý theo kích cỡ, mật độ các loại thủy sản nuôi; giảm 15 – 30% thức ăn trong những ngày nắng nóng, kết hợp tăng cường bổ sung Vitamin C, khoáng vi lượng; sử dụng men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho tôm cá để tăng sức đề kháng, giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ.
Trước tình hình đó, khuyến cáo người nuôi cần sử dụng các loại chế phẩm sinh học định kỳ 10 – 15 ngày/lần để xử lý nước và đáy ao nuôi (sử dụng các sản phẩm cần lưu ý phải nằm trong danh mục cho phép được lưu hành, lượng dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cán bộ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản)…
An Nhiên