Nhằm chấn chỉnh toàn diện hoạt động khai thác, mới đây, Bộ NN&PTNT đã ra quyết định giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi cho các địa phương. Đây được coi là giải pháp mang lại lợi ích lâu dài, thế nhưng, nhiều ngư dân lo ngại việc chuyển đổi nghề.
Bộ NN&PTNT ra Quyết định 1481 về việc giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi
Cấp theo chiều dài tàu
Theo quy định trong Luật Thủy sản 2017, Bộ NN&PTNT sẽ cấp hạn ngạch khai thác theo loài cho vùng khơi và UBND cấp tỉnh sẽ cấp hạn ngạch đánh bắt theo loài cho vùng lộng và vùng ven bờ.
Ngày 2/5, Bộ NN&PTNT ra Quyết định 1481 về việc giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi cho các tỉnh, thành, với hơn 31.500 giấy phép; trong đó, tỉnh nhiều nhất là Kiên Giang với 4.060 giấy phép, thấp nhất là TP Hồ Chí Minh và Ninh Bình với 50 giấy phép. Theo quy định này, các tàu được cấp giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi phải có chiều dài trên 15 m và công suất 90 CV trở lên; các tàu không đủ kích thước và công suất chỉ được hoạt động khai thác trong vùng lộng và ven bờ.
Hạn ngạch giấy phép được công bố, điều chỉnh 60 tháng một lần. Trong trường hợp có biến động về nguồn lợi thủy sản trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản theo chuyên đề; điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm hằng năm, Bộ NN&PTNT sẽ điều chỉnh sản lượng cho phép khai thác theo loài.
Nhiều ngư dân khó chuyển nghề
Sau khi Bộ NN&PTNT có quyết định hạn ngạch khai thác vùng khơi, UBND tỉnh Bình Định cũng đã ra quyết định công bố hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng lộng và vùng ven bờ của tỉnh với số lượng 2.997 giấy phép; trong đó có 1.388 giấy phép khai thác vùng lộng và 1.609 giấy phép khai thác ven bờ. Đáng chú ý, số lượng giấy phép khai thác tại vùng ven bờ không cấp cho các tàu làm nghề lưới kéo (giã cào), nghề chụp (mành chụp) và nghề câu cá ngừ đại dương; các tàu cá làm các nghề này chỉ được phép hoạt động tại vùng lộng theo số lượng giấy phép được cấp.
Tại Phú Yên, UBND tỉnh cũng đã giao Sở NN&PTNT thực hiện cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá, bao gồm: tàu cá đánh bắt nguồn lợi thủy sản và tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản, đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên phải được cấp giấy phép theo quy định; không cấp lại giấy phép đối với tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác IUU; thu hồi giấy phép khai thác đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Cùng đó, tham mưu UBND tỉnh công bố hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng lộng và vùng ven bờ; trên cơ sở đó, tổ chức xét cấp giấy phép khai thác theo đúng quy định hiện hành.
Theo chia sẻ của các ngư dân, việc hạn chế tàu khai thác để bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản vì lợi ích lâu dài cho bà con ngư dân; là cơ sở để quản lý tàu cá hoạt động khai thác theo luật định, nhằm hướng đến phát triển nghề biển có trách nhiệm, bền vững. Tuy nhiên song song với đó, Nhà nước cũng phải tìm cách tháo gỡ khó khăn về chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân…
Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, muốn quản lý nguồn lợi thủy, hải sản, dù xa bờ hay ven bờ đều phải có sự phân bổ hạn ngạch cho từng tàu, từng nghề dựa trên cơ sở điều tra nguồn lợi. Giao hạn ngạch cho từng tỉnh và từng tàu là việc phải làm, nếu không thì chỉ sau vài năm sẽ không còn thủy, hải sản để đánh bắt nữa. Tuy nhiên, cũng theo ông Lăng, số tàu hiện tại không đủ tiêu chuẩn là rất lớn. Các tàu này phải chuyển đổi nghề, nhưng chuyển sang nghề gì thì đây là cả một vấn đề; đặc biệt tại Khánh Hòa, không có các vùng nước trồi như Ninh Thuận, Bình Thuận. Vì vậy khi không được khai thác xa bờ nữa cũng cần phải bàn kỹ để tháo gỡ khó khăn cho bà con.
Ngọc Anh