T2, 06/07/2020 10:02

Thức ăn tăng giá: Người nuôi tôm lại hoang mang

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Trong điều kiện khó khăn trăm bề như hiện nay, nhiều nhà sản xuất thức ăn nuôi tôm đang rục rịch tăng giá khiến người nuôi thực sự hoang mang.

Đầu ra giảm, đầu vào tăng

Theo phản ánh của nhiều người dân, vào thời điểm này, thức ăn nuôi tôm đang rục rịch tăng giá, mỗi kg thức ăn tăng từ 500 – 800 đồng/kg. Giá thức ăn tăng chủ yếu ở các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, phổ biến ở mức 35.000 – 38.000 đồng/kg.

Ông Năm Phú, một hộ nuôi tôm tại Bạc Liêu chia sẻ: Hiện các vùng nuôi tôm tại địa phương đang bị thiệt hại lớn, chưa có biện pháp gỡ khó khăn và giá tôm nguyên liệu đã giảm 30.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, giá thức ăn nuôi tôm lại tăng cao, giá dịch vụ phục vụ nuôi trồng cũng đồng loạt tăng. Đây thực sự là một nghịch lý. Người nuôi rơi vào tình trạng bất an.

Còn anh Ngô Thanh Sơn, xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) nói: Tôm gia đình tôi nuôi gần 3 tháng, được đại lý bán thức ăn đầu tư thu xong mới trả tiền, mấy hôm nay nghe nói thức ăn tăng giá tôi rất lo lắng, trong thời điểm hiện nay mà tăng giá như vậy thì người nuôi sao mà lãi được.

Trong nuôi tôm, thức ăn thường chiếm từ 50-60% tổng chi phí cả vụ nuôi, vì vậy việc tăng giá thức ăn nuôi tôm khiến người nuôi tôm “phát rét” giữa mùa hè cũng là điều dễ hiểu.

 

Đi tìm nguyên nhân

Gần như năm nào cũng vậy, mỗi năm thức ăn nuôi tôm phải tăng giá vài lần. Năm 2011 vừa qua, thức ăn nuôi tôm tăng từ 16-30%, nguyên nhân chủ yếu được cho là do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Năm nay tăng giá cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Thức ăn rục rịch tăng giá, người nuôi tôm rơi vào tình trạng bất an – Ảnh: Huy Hùng

Ông Hoàng Lâm, Công ty TNHH Uni-President Việt Nam, một trong những nhà sản xuất thức ăn nuôi tôm lớn ở Việt Nam cho biết: Hiện nay, giá thức ăn tăng là do nguyên liệu đầu vào tăng, cụ thể là giá bột cá tăng. Giá thức ăn nuôi tôm của Công ty tăng 800 đồng/kg so với giá cũ. Việc tăng giá thức ăn tôm cũng là để đảm bảo chất lượng của thức ăn.

 

Giải pháp

Theo ông Đào Bá Cường, Chi cục phó Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Bạc Liêu thì trong thời điểm hiện nay, người nuôi tôm cần phải tính toán kỹ bài toán về lợi nhuận, bà con nên dùng thức ăn rẻ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, không nhất thiết phải dùng hàng ngoại nhập. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT và các cơ quan chức năng cần quản lý các công ty thức ăn thủy sản thật chặt, không nên thả nổi thị trường này, thường xuyên kiểm tra để tránh tình trạng công ty thu hồi hàng tồn về sơ chế, bán lại cho người nuôi…

Tuy nhiên, một vấn đề khó là các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản chiếm số đông và có sản phẩm tiêu thụ nhiều ở nước ta hầu hết là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngay cả nguyên liệu đầu vào để sản xuất thức ăn cũng chủ yếu là nhập ngoại. Do đó, chỉ cần một cái “hắt hơi” của những hạt nguyên liệu nhỏ bé ở phương xa kia cũng đủ làm cho người nuôi tôm Việt Nam phát ốm.

>> Thức ăn chăn nuôi nói chung và thức ăn thủy sản hiện nay đều có xu hướng chung là tăng, ngay cả khi nguyên liệu đầu vào không tăng, thậm chí giảm. Đây là một nghịch lý của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa thể “chế ngự” được.     

Tuấn Tú

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!