(TSVN) – Sáng 12/8, tại Hà Nội, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp với dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức Hội thảo và kết nối kinh doanh: Xây dựng và Bảo hộ nhãn hiệu nhằm phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam.
Thông tin tại Hội thảo cho thấy, với lợi thế và tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm nông sản chất lượng cao, có thế mạnh. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm nông sản của nước ta đã xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trong nước và quốc tế còn hạn chế. Nhiều sản phẩm nông sản Việt có giá trị lớn đang tiềm ẩn nguy cơ mất nhãn hiệu đặt ra vấn đề lớn với doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Mặc dù, đã có hệ thống văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ cùng các Nghị định liên quan nhưng rõ ràng chính người dân và doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm tới đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với sản phẩm nông sản Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế. Một trong những điểm yếu của Việt Nam là có những thương hiệu xây dựng xong nhưng lại không bảo vệ nổi.
Tôm sú Cà Mau là một trong những sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý. Ảnh: ST
Các chuyên gia của Cục Sở hữu trí tuệ và Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã chỉ ra một số vấn đề tồn tại đối với hoạt động bảo hộ và sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể. Đó là, chưa có các quy định chi tiết về quản lý đối với đối tượng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể; sự phối hợp chưa chặt chẽ và liên tục giữa Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương. Ở các địa phương, vẫn thiếu khảo sát xác định nhu cầu của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Do đó, lựa chọn sản phẩm đăng ký chưa phù hợp, chưa gắn với thực tiễn và nhu cầu thị trường. Nhiều nơi chỉ đăng ký bảo hộ sản phẩm tươi, nguyên liệu thô, những sản phẩm này ít được chế biến, thời gian bảo quản ngắn nên chỉ dẫn địa lý không phát huy được tác dụng. Nhiều chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đã không chủ động về nguồn lực để thực hiện việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, kỹ năng về xúc tiến thương mại rất kém.
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc sản xuất cần tính đến phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu và phát triển thương hiệu nông sản. Việc đánh giá cơ hội, thách thức cũng như phổ biến quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là cần thiết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời kỳ hội nhập sâu rộng như hiện nay.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, việc nỗ lực xây dựng thương hiệu nông sản Việt ra thị trường quốc tế không chỉ đến từ khâu chất lượng sản phẩm, từ thị trường, từ sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng mà còn đến từ năng lực tiếp cận thị trường thông qua thương hiệu sản phẩm. Khi nói đến thương hiệu sản phẩm nông sản, đây là một phạm trù cần được định nghĩa rõ ràng, tiếp cận từ khía cạnh bảo hộ sở hữu trí tuệ của sản phẩm. Bởi, khi sản phẩm nông sản đưa được đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế thì sản phẩm đó cần được chứng nhận, xác nhận và xây dựng cơ chế pháp lý theo từng nhóm loại hình sản phẩm, từng nhóm loại hình đăng ký. Cách tiếp cận phải đúng, phải trúng và với phương thức tổ chức thực hiện hiệu quả, ông Toản đánh giá.
Trong bối cảnh xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ngày càng được đẩy mạnh với con số đạt gần 50 tỷ USD, việc cần thiết để xây dựng thương hiệu là có các thêm thành tố tham gia cùng người nông dân, cùng doanh nghiệp trong bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam ra trường quốc tế. Để khi bất cứ một tranh chấp quốc tế nào xảy ra thì đây sẽ là các thiết chế đại diện cho người nông dân, hợp tác xã. Bên cạnh đó, việc chuyển bị một năng lực pháp lý bài bản nhằm giảm thiểu rủi ro xung đột về mặt thương mại.
Hải Lý