Đã nhiều năm nay, để bán được hàng, nhiều doanh nghiệp không ngần ngại giảm giá cá tra mà không biết thế là tự hại mình.
“Lắm cha con khó lấy chồng”
Hiện nay có nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị cùng thực hiện chức năng xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản, như Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản, các hiệp hội, ngành hàng. Do điều phối không tốt nên thường có sự chồng chéo trong hoạt động, dẫn đến yếu kém, như tình trạng cạnh tranh đưa doanh nghiệp đi tìm thị trường giữa các đơn vị; chú trọng nhiều hoạt động bên lề trong khi việc chính là xây dựng thương hiệu chung của ngành và hợp lực gia tăng sức cạnh tranh lại chưa làm được.
Mặt khác, vấn đề vướng mắc của ngành thủy sản nói chung và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra nói riêng là chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn đơn giản và yếu. Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho rằng đa dạng thị trường là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa làm được. Việc xúc tiến thương mại của bộ ngành vẫn thiếu hiệu quả, chưa có động thái tích cực trong kết nối cung – cầu hay tìm hiểu, xâm nhập thị trường mới… Trong khi đó ở những nước láng giềng, họ làm việc này rất tốt; đặc biệt, việc tổ chức sự kiện xúc tiến, mạng lưới văn phòng đại diện ở nước ngoài hoạt động hiệu quả, cập nhật liên tục thông tin về nhu cầu, sự biến động của thị trường…
Chưa trị được “bệnh mạn tính”
Một ví dụ: Năm 2009, tại Hội chợ Thủy sản Brussels (Bỉ), VASEP và các doanh nghiệp thống nhất chào bán cá tra với giá sàn 3 USD/kg. Tuy nhiên, kết thúc hội chợ, vẫn có những đơn hàng mà doanh nghiệp Việt Nam ký với khách hàng châu Âu giá 2,4 – 2,6 USD/kg. Cũng tại hội chợ này năm 2012, một doanh nghiệp Việt Nam đã thỏa thuận được cùng nhà nhập khẩu lô hàng lớn với giá 3,4 USD/kg. Nhưng đến ngày cuối, mối hàng tuột khỏi tay doanh nghiệp này, bởi cá tra đã được chào bán ở mức 3 USD/kg. Thậm chí thời gian vừa qua, không ít lô hàng cá tra, basa của Việt Nam xuất khẩu chỉ nhỉnh hơn 2 USD/kg.
Trên 80% cá tra xuất khẩu vẫn dưới dạng fillet – Ảnh: Hoàng Lê
Theo đại diện một nhà nhập khẩu và phân phối cá tra Việt Nam tại châu Âu, chính hành động phá giá của các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua đã khiến vị thế cá tra ngày càng xuống. Nhà nhập khẩu không thích, vì họ phải cạnh tranh, khó được lãi khi luôn có người bán rẻ.
Nhiều người cho rằng sỡ dĩ có tình trạng này là do nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu không có nhà máy, không có khách hàng bền vững, nên khi tìm được người mua thì sẵn sàng hạ giá bán để ký hợp đồng. Tuy nhiên, cũng không ít doanh nghiệp có nhà máy chế biến, có vùng nuôi cũng không ngoài cuộc chơi, bởi họ có lợi thế giá thành sản xuất thấp hơn…
Dàn trải, ôm đồm, thiếu trọng tâm
Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, thời gian qua nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã quá chú trọng đầu tư vào các nhà máy chế biến, vùng nuôi và nuôi cá thương phẩm – công việc trước đây chủ yếu của nông dân. Chính bởi đầu tư quá nhiều như vậy nên doanh nghiệp không còn thời gian để phát triển các mạng lưới tiêu thụ, bán lẻ sản phẩm tại nước ngoài. Do đó, hầu hết doanh nghiệp cá tra Việt Nam phải phụ thuộc vào đầu mối nhập khẩu. Có ý kiến cho rằng đã đến lúc chúng ta phải chủ động cân bằng cung – cầu để kiểm soát thị trường, nhằm tránh tình trạng “chân nọ đã chân kia”. Tuy nhiên, đến nay mọi việc chưa được cải thiện đáng kể. Cùng đó, khi đã có thị trường thì phần đa dồn sức xuất khẩu sang đó, gây nên tình trạng phụ thuộc vào một vài thị trường; khi xảy ra biến động thì không thể có phản ứng mạnh được. Đó là chưa kể, đến nay, cá tra Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu thô. Theo VASEP, trên 80% sản phẩm cá tra xuất khẩu dưới dạng fillet, 10% sản phẩm nguyên con cắt khúc, chưa đến 5% sản phẩm giá trị gia tăng. Điều này cho thấy trình độ chế biến của các doanh nghiệp cá tra trong nước chưa cao. Rất ít đơn vị đầu tư để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng từ cá tra, bởi sản phẩm fillet dễ bán và có thể bán với khối lượng lớn.
Nông dân cần có tiếng nói riêng
Theo nhiều chuyên gia, giải pháp hiện nay là phải tập trung đầu mối xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá hình ảnh chung cho cá tra. Xây dựng chiến lược tiếp thị quốc gia cho ngành, chiến lược quảng bá vào các thị trường mục tiêu. Thay đổi, tăng thêm nhiều hình thức xúc tiến khác, thay vì chỉ đi hội chợ. Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá để xây dựng kế hoạch mở rộng thị trường xuất khẩu. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP chia sẻ, cần phải thay đổi chính sách xúc tiến thương mại. Xúc tiến thương mại không phải đơn giản là việc tham gia các hội chợ, triển lãm, tham quan ở nước ngoài. Điều cần làm nhất là đưa truyền thông nước ngoài vào Việt Nam, để họ thấy chúng ta sản xuất cá tra như thế nào. Đấy chính là việc làm thương mại bằng hình ảnh, để tránh tình trạng cá tra Việt Nam bị bôi nhọ như đã từng xảy ra.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng hãy để người nông dân cùng vào cuộc. Bởi đây là giải pháp “xúc tiến thương mại” hữu hiệu nhất.
>> Yêu cầu cấp thiết đối với ngành cá tra hiện nay là cần thực hiện tốt Nghị định 36 của Chính phủ, khắc phục các hạn chế, phát triển theo chuỗi giá trị, để nâng cao được chất lượng, giá bán và hình ảnh cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới. |