Trình bày luận án tại lễ bảo vệ, Nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt khẳng định: Hiện nay, thế giới đang ít chú trọng đến yếu tố nghĩa vụ và việc thực hiện nghĩa vụ chưa tương xứng với mức thụ hưởng đã tạo nhiều hệ lụy, như đạo đức cá nhân xuống cấp, gia đình tan vỡ, nợ công, tài nguyên thiên nhiên can kiệt, môi trường bị phá hủy, các giá trị văn hóa nhân loại bị mai một… Những hệ lụy nghiêm trọng đó buộc chúng ta phải nhìn nhận lại tầm quan trọng của nghĩa vụ con người đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội.
“Chính vì việc làm rõ tầm quan trọng của nghĩa vụ con người là rất cần thiết và cấp bách, nên tôi đã chọn nghiên cứu đề tài “Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam” làm Luận án tiến sĩ luật học của mình”, Nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt cho biết thêm.
Đề tài làm rõ những vấn đề lý luận cũng như thực trạng của nghĩa vụ con người trong pháp luật hiện hành, đề xuất các giải pháp hoàn thiện và cơ chế bảo đảm thực thi nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam. Luận án được tham khảo từ 137 tài liệu trong nước và nước ngoài. Bản Luận án Tiến sĩ của Nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt nhận được sự đánh giá cao của 7 thành viên trong Hội đồng chấm Luận án và nhiều ý kiến biểu dương của các chuyên gia.
Theo GS.TS Hoàng Thị Kim Quế, luận án có rất nhiều điểm mới, nhiều đột phá: “Tôi thấy trong đó là trăn trở của nghiên cứu sinh khi đi tìm sự cân đối giữa quyền và nghĩa vụ của con người. Với tư cách là phản biện trong Hội đồng chấm Luận án, tôi đánh giá rất cao Luận án của Nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt, lý luận chặt chẽ và các giải pháp đề xuất cũng rất phù hợp. Tôi hy vọng trong tương lai nghiên cứu này sẽ được in ấn thành sách để lan tỏa trong xã hội”.
Cũng là một thành viên trong Hội đồng, PGS. TS Tường Duy Kiên chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên có một nghiên cứu sinh tiếp cận đề tài về nghĩa vụ con người. Tôi đánh giá rất cao đề tài này. Đây là công trình nghiên cứu công phu, cả về lý luận và thực tiễn”.
PGS.TS Hoàng Văn Tú cho biết: “Bản nghiên cứu này rất nhân văn, thể hiện vấn đề đạo đức, luân lý nhưng trên quan điểm pháp luật. Luận án toàn diện, bài bản, chuyên sâu về nghĩa vụ con người trong luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam. Luận án này sẽ đóng góp vào kho tàng lý luận về nghĩa vụ con người đối với xã hội”.
Không chỉ nhận được sự đánh giá cao của 7 thành viên trong Hội đồng, Luận án Tiến sĩ của Nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt còn nhận được sự ưu ái đặc biệt của GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương. Giáo sư cho rằng “Luận án là một sự đột phá. Tác giả đã có những sự phá cách trong quá trình bảo vệ Luận án”.
Là người trực tiếp hướng dẫn cho Nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt, GS. TS Nguyễn Minh Đoan cho biết: “Nghiên cứu sinh là người có năng lực, đam mê với nghiên cứu khoa học. Vấn đề Nghiên cứu sinh đề cập ở đây rất lớn. Tới nay, đã có nhiều nghiên cứu về quyền con người, nhưng về nghĩa vụ thì đây là lần đầu tiên có công trình nghiên cứu thấu đáo”.
Thay mặt Hội đồng, PGS.TS Tô Văn Hòa nhận định: “Luận án có góc tiếp cận mới, không trùng lặp, lập luận khoa học, bố cục chặt chẽ. Về lý luận, cách tiếp cận liên ngành được hội đồng đánh giá cao. Công trình có những đóng góp sâu sắc và lâu dài cho vấn đề nghĩa vụ của con người mà tác giả đã đặt ra trong luận án này”.
Phát biểu sau buổi lễ, tân Tiến sĩ Vương Tấn Việt xúc động nói: “Những nội dung nghiên cứu tâm huyết của tôi đã được các giáo sư đầu ngành tận tình hướng dẫn để hoàn thiện. Tôi rất cảm ơn các nhà nghiên cứu, các thầy cô, cảm ơn trường đã tạo điều kiện cho tôi hoàn thành luận án này. Với tôi, hôm nay không phải là ngày kết thúc mà mới là ngày bắt đầu cho những công việc nghiên cứu khoa học của tôi. Tôi cũng nguyện sẽ tiếp tục gắn bó với Trường Đại học Luật Hà Nội của tôi trong chặng đường sắp tới”.