(TSVN) – Theo nghiên cứu của Đại học Gothenburg ở Thụy Điển, ruồi tảo bẹ (Coelopidae) và nấm men từ phụ phẩm thủy sản có thể thay thế bột cá trong thức ăn cho cá hồi, từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất lương thực bền vững và tuần hoàn hơn.
Thủy sản là thực phẩm giàu dinh dưỡng và protein, và phương thức sản xuất bền vững hơn so với protein động vật trên cạn. Tuy nhiên, nghề nuôi trồng thủy sản đang gặp nhiều thách thức, trong đó nguồn cung thức ăn chất lượng và bền vững ngày càng eo hẹp. Hiện tại, thức ăn chăn chiếm một nửa lượng khí thải carbon và chi phí sản xuất thủy sản. Do đó, các chuyên gia tại Đại học Gothenburg, Thụy Điển nỗ lực nghiên cứu các thành phần thức ăn thay thế với hi vọng tìm ra giải pháp thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững hơn.
Bột ấu trùng ruồi tảo bẹ và nấm men chứa hơn 50% protein chất lượng cao và hàm lượng axit béo omega-3 cần thiết cho sự phát triển của cá. Ảnh Premkh
Mới đây, nhóm chuyên gia đã đề xuất phương án sử dụng ấu trùng ruồi tảo bẹ (Coelopidae) và nấm men thay thế thành phần bột cá và khô đậu trong thức ăn chăn nuôi. Hai nguyên liệu thô này đều có thể được sản xuất từ phụ phẩm phẩm chế biến thủy sản. Ấu trùng ruồi tảo bẹ và nấm men chứa hơn 50% protein chất lượng cao và hàm lượng axit béo omega-3 cần thiết cho sự phát triển của cá, sau cùng là tạo ra thực phẩm lành mạnh cho con người.
Niklas Warwas, nghiên cứu sinh tại Đại học Gothenburg cho biết: cả ấu trùng ruồi tảo bẹ và nấm men đều có giá trị dinh dưỡng cao, và kích thích tính thèm ăn của cá. Ngoài ra, hai thành phần này còn tăng cường hệ thống miễn dịch của cá, từ đó bảo vệ vật nuôi trước dịch bệnh”.
Luận án tiến sĩ của Niklas Warwas cũng tập trung nghiên cứu các cơ hội sản xuất thực phẩm tuần hoàn hơn nhằm giảm tác động đến môi trường và khí hậu. Nấm men được phân lập từ dịch phụ phẩm cá trích giàu dinh dưỡng. Thông thường, dịch cá trích được xem là phế phẩm của ngành chế biến và tốn kém chi phí xử lý trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, dịch cá này có thể được tái sử dụng để sản xuất nguyên liệu thô làm thức ăn cho cá. Bằng cách tương tự, ruồi tảo bẹ cũng được cho ăn bằng sản phẩm dư thừa từ ngành nuôi trồng tảo.
Một lợi thế quan trọng là nấm men và ấu trùng ruồi tảo bẹ là không cần xử lý thêm trước khi sử dụng làm nguyên liệu thô trong thức ăn cho cá, từ đó giúp tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất thức ăn.
Cả nấm men và côn trùng đều được nuôi cấy trên nhiều vật liệu hữu cơ khác nhau. Điều quan trọng là tạo ra các hệ thống tuần hoàn, tức là nhà máy thức ăn đặt gần nhà máy chế biến thủy sản và trại nuôi cá để giảm chi phí vận chuyển, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho các nguyên liệu thức ăn thay thế này.
Hiện, bột cá và khô đậu là nguồn protein chính trong thức ăn cho cá hồi. Nguyên liệu chế biến bột cá hay khô đậu cũng cạnh tranh trực tiếp với nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm. Do đó, giảm sử dụng bột cá và khô đậu trong thức ăn thủy sản cũng góp phần đảm bảo an ninh lương thực tốt hơn, nhất là trong thời điểm thương mại toàn cầu phải đối mặt nhiều thách thức như hiện nay.
Niklas Warwas nói: “Nghiên cứu của tôi có thể giúp Thụy Điển sản xuất thực phẩm tuần hoàn hơn, trong đó các phụ phế phẩm được tái sử dụng thay vì loại bỏ. Điều này góp phần tạo ra một ngành công nghiệp thực phẩm sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn khi nguồn cung đất đai và nước sạch đang bị đe dọa và dân số toàn cầu đang tăng”.
Tuấn Minh (Theo Life Science Weekly)