T2, 06/07/2020 09:57

Thủy sản năm 2011: Tăng trưởng chủ động

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Dự báo của Bộ NN&PTNT hồi giữa tháng 12, xuất khẩu thủy sản năm 2011 có thể đạt 5,8 – 6 tỉ USD, tăng 20% so với năm 2010. Dù kinh thế thế giới suy thoái, xuất khẩu thủy sản vẫn tăng liên tục (năm 2010 đạt trên 5 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2009).

Chủ động

Vào đầu năm 2011, khó khăn dồn dập, giá nguyên liệu tăng, giá điện và xăng dầu tăng, thiếu công nhân, thiếu vốn, nhiều thị trường xuất khẩu thêm rào cản. Con tôm, một mặt hàng xuất khẩu chính, năm 2010 được 2 tỷ USD một phần do nhu cầu tăng sau sự cố tràn dầu ở vịnh Mexico; còn sang năm 2011 thị trường lại bị thu hẹp do Nhật Bản gặp thảm họa động đất và sóng thần, cùng sự cố nhà máy điện nguyên tử. Có lúc khó khăn quá, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chỉ đặt mục tiêu giữ thị trường, giữ lao động, mà giảm lợi nhuận, thậm chí “không có lời trong thực tế”.

Tuy nhiên, nhận diện khó khăn và tìm cách vượt qua, ngành thủy sản Việt Nam lại chứng tỏ sự phát triển, đã vượt qua thời kỳ tự phát bị động để chuyển sang thời kỳ chủ động có kế hoạch. Trước hết, chất lượng được coi trọng hơn số lượng; xuất khẩu coi trọng thương hiệu hơn kim ngạch. Đó cũng là những nguồn lực mới mẻ của thủy sản năm 2011.

Vì vậy, về đánh bắt, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản cho biết, tổng sản lượng tính giữa tháng 12 đạt 2,35 triệu tấn, tăng 2,32% so với cùng kỳ. Kết quả ấy, có tác động của chính sách hỗ trợ khai thác, quản lý tài nguyên, phát triển tổ đoàn kết sản xuất trên biển. Hiện cả nước đã có 2.410 tổ đoàn kết.

Chế biến cá tra ở Công ty TNHH Trường Nguyên (Cần Thơ)    Ảnh: Duy Khương

Về nuôi trồng, năm 2011 chứng kiến trận dịch bệnh trên tôm làm thiệt hại đến 53.000 ha, chủ yếu ở ĐBSCL. Nhờ trình độ của người nuôi, hạ tầng kỹ thuật đầu tư nhiều năm và sự hỗ trợ có kinh nghiệm của chính quyền, hậu quả nhanh chóng được khắc phục, vụ tôm sú năm 2011 vẫn có thắng lợi. Tỉnh Trà Vinh, sản lượng tôm sú tăng 1.000-2.000 tấn so với năm 2010. Đặc biệt, tôm thẻ chân trắng tăng trưởng mạnh, bù đắp sự thiếu hụt của tôm sú.

Nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình GAP đạt sản lượng bình quân 10-12 tấn/ha, tăng 20-40% so với trước đây. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, kim ngạch xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đã tương đương tôm sú, khoảng 1 tỷ USD. Dự kiến, năm 2011, xuất khẩu tôm đạt 2,1 tỷ USD.

Cá tra nguyên liệu năm 2011 vẫn còn điệp khúc “khi thừa khi thiếu” với nhiều biến động về giá, lên một đỉnh vào cuối tháng 5, sau đó xuống đáy cuối tháng 8, lại lên đỉnh cao hơn cuối tháng 11 với 29.500 đồng/kg. Tuy nhiên, không gây khủng hoảng như năm 2008 mà có tác động thúc đẩy nâng cao chất lượng. Tỉnh An Giang, diện tích 1.330 ha, sản lượng 280.000 tấn,tăng so với năm 2010 theo thứ tự là 45% và 21%. Trong đó có 37,5% sản lượng được chứng nhận nuôi đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Cả nước xuất khẩu cá tra năm 2011 đạt khoảng 1,6 tỷ USD, các thị trường chính như EU, Mỹ, Nga, ASEAN, Brazil, Mexico đều tăng.

 

Hai khoảng mờ

Xin tập trung phân tích cá tra, mặt hàng Việt Nam vẫn gần như khống chế thị trường. Trong năm 2011, những khi giá cá giảm, các nhà máy chế biến đều kêu thiếu nguyên liệu. Từ tháng 12, giá cá bắt đầu giảm thì nhiều nhà máy cũng chỉ hoạt động 50-60% công suất. Phó chủ tịch VASEP Dương Ngọc Minh cho biết, khoảng 70% doanh nghiệp thiếu nguyên liệu. Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe dự báo, thiếu nguyên liệu còn kéo dài sang những tháng đầu năm 2012. Hồi cuối tháng 7, giá cá rớt thê thảm và người nuôi bị tồn đọng, ông Minh cũng nói, nhà máy thiếu nguyên liệu. Lúc đó, ông nói rõ thêm, thiếu cá chất lượng tốt.

Cá tra đạt chất lượng tốt phải được nuôi đúng quy trình kỹ thuật và bằng thức ăn công nghiệp đúng chuẩn. Thức ăn chiếm đến 70-75% giá thành con cá. Thế nhưng, Trung tâm Khảo nghiệm Kiểm nghiệm và Kiểm dịch Nuôi trồng thủy sản cho biết, từ năm 2008 đến nay, phát hiện hơn 20% mẫu thức ăn thủy sản kiểm tra không đạt chất lượng đăng ký. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, chất lượng thức ăn thủy sản không kiểm soát được do quá ít phòng phân tích chất lượng và phòng thử nghiệm.

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở Bạc Liêu     Ảnh: Duy Khương

Khâu lưu thông cũng có vấn đề, Thứ trưởng Thu nói, có lô thức ăn thủy sản rời nhà máy có chất lượng tốt nhưng tới người nuôi giảm 20-30%. Các dịch vụ khác như thuốc thú y thủy sản, giống cũng chưa minh bạch, lẫn lộn tốt xấu, gây tổn thất lớn cho người nuôi. Tóm lại, thị trường dịch vụ kỹ thuật đang là một khoảng mờ mà nhiều doanh nghiệp chế biến phải kêu lên là “mập mờ bát nháo”.  

Bên cạnh đó, có một khoảng mờ khác, hoặc nói chính xác hơn là khoảng trống trong chuỗi thương mại. Cá tra Việt Nam đã đến 129 thị trường với 155 doanh nghiệp xuất khẩu. Danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2011 (doanh thu tối thiểu 1.500 tỷ đồng), có 14 doanh nghiệp thủy sản. Danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (doanh thu tối thiểu 600 tỷ USD), có 35 doanh nghiệp thủy sản (công bố của VietNam Report).

Nhưng chưa có doanh nghiệp thủy sản nào bán được hàng trực tiếp cho người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp chỉ bán cho nhà nhập khẩu, mà lợi nhuận từ bán cho nhà nhập khẩu đến phân phối sỉ chênh lệch rất lớn, có thể đến 10 lần. Mức chênh lệch lợi nhuận còn lớn hơn, nếu tính đến siêu thị, cửa hàng bán lẻ cho người tiêu dùng. Cũng có nghĩa, giá trị xuất khẩu cá tra của nước ta không cao (hoặc chưa hợp lý) trong chuỗi giá trị gia tăng.

Vì thế, các doanh nghiệp nước ta đã xuất khẩu nhiều cá tra, giá trị lớn nhưng chưa làm chủ được giá cả. Sức ép giá thấp đẩy xuống người nuôi, làm cho cả ngành sản xuất và kinh doanh cá tra luôn bấp bênh, chao đảo. Nên thâm nhập sâu hơn vào chuỗi thương mại cá tra đang là đòi hỏi của phát triển đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra; để đảm bảo sản xuất và kinh doanh cá tra tăng trưởng ổn định.

>> Theo Bộ NN&PTNT, thống kê đến hết tháng 11, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường lớn đều tăng mạnh về giá trị. Điển hình là Mỹ tăng 23,5%, Hàn Quốc tăng 32%, Trung Quốc tăng 49% và Italia tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo VASEP, các thị trường chính của thủy sản Việt Nam là EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN. Cơ cấu mặt hàng: Tôm đứng đầu, tiếp theo là cá tra, cá khác, nhuyễn thể, cá ngừ.

Sáu Nghệ

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!