Thủy sản thế giới: Hành trình phục hồi hậu COVID-19

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Từ lúc trở thành đại dịch toàn cầu vào tháng 3/2020, đến nay COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Tuy nhiên, chặng đường hơn 2 năm của đại dịch cũng là khoảng thời gian ngành thủy sản thế giới đổi mới và từng bước hoàn thiện cơ chế hoạt động.

FAO ước tính 3 tỷ người không thể có chế độ ăn uống lành mạnh và còn tăng thêm 1 tỷ người nữa khi thu nhập của họ giảm 1/3, chứng tỏ đại dịch COVID-19 đã gây ra những trở ngại và khó khăn cực lớn đối với các vấn đề sinh kế, an ninh thực phẩm và dinh dưỡng. Tuy nhiên, các chiến dịch tiêm chủng và đối sách ứng phó dịch bệnh, đã giúp nền kinh tế toàn cầu dần phục hồi vào năm 2021 với sự gia tăng sản xuất, thương mại và tiêu thụ thủy sản. Những xu hướng mới xuất hiện trong đại dịch như nấu ăn tại nhà, bán lẻ thực phẩm trực tuyến và giao hàng tận nhà ngày càng phát triển hơn sau đại dịch.

Biến động chuỗi cung ứng

Toàn bộ chuỗi giá trị của ngành khai thác và NTTS bị gián đoạn nghiêm trọng do các lệnh phong tỏa COVID-19, khiến hành vi tiêu dùng và thương mại thủy sản toàn cầu thay đổi theo xu hướng chưa từng có tiền lệ. Qua đó, yếu điểm của hệ thống thức ăn thủy sản cũng lộ rõ sự mong manh ở cả cung và cầu. Hệ thống kênh tiêu thụ thực phẩm thủy sản cũng thay đổi nhanh chóng từ dịch vụ thực phẩm sang bán lẻ, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu và thiếu hụt hàng bán lẻ, từ đó tác động đến giá cả các mặt hàng thủy sản.

Tại nhiều quốc gia, các hạn chế đi lại đã làm gián đoạn toàn chuỗi cung ứng thủy sản, ít nhất trong những tháng đầu tiên của đại dịch trước khi lĩnh vực này được công nhận là thiết yếu và hàng loạt sáng kiến xuất hiện, nhằm đưa dòng chảy hàng hóa thủy sản quay lại quỹ đạo vốn có. Hạn chế đi lại đã làm gián đoạn nguồn cung nguyên liệu đầu vào quan trọng như thức ăn, con giống thủy sản. Người nuôi tôm và cá rô phi tại Trung Mỹ điêu đứng, khi nhu cầu tiêu thụ hai sản phẩm này giảm 75% ở thị trường trong nước và quốc tế.

Đại dịch cũng để lại những tác động khác nhau lên hệ thống thức ăn thủy sản, tùy thuộc vào loài, thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như cơ cấu lao động và khả năng thích ứng của từng quốc gia. Chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị tổn thương nghiêm trọng nhất trước các hạn chế COVID-19. Đặc biệt tại châu Phi và Nam Á, đối đầu với dịch COVID-19, các chuỗi cung ứng này bị sập hoàn toàn do không đủ kho lạnh và năng lực chế biến, cơ sở hạ tầng cũng như vận chuyển yếu kém. Tại Nam Á và Đông Nam Á, kết quả khảo sát sơ bộ của FAO và INFOFISH cho thấy, COVID-19 và các lệnh phong tỏa đã làm tê liệt hoạt động của các hộ nuôi trồng và khai thác thủy sản quy mô nhỏ. Ngược lại, các chuỗi cung ứng liên kết dọc lại ít bị ảnh hưởng hơn, nhờ khả năng kiểm soát được đầu vào và đầu ra.

Khi COVID-19 hạ nhiệt vào giữa năm 2022, các thị trường phục hồi dần nhưng tốc độ chậm, bởi rào cản chi phí vận tải, quy định mới tại đường biên giới, thiếu hụt container và tắc nghẽn tại các cảng quốc tế lớn. Tuy nhiên, hệ thống sản xuất thủy sản toàn cầu đã xoay sở linh hoạt, để thích ứng và duy trì dòng chảy sản phẩm và nguồn cung, nhưng thực tế rất nhiều doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh hoặc ở trong tình thế bấp bênh.

Chiến lược thích ứng

Cả thế giới và toàn ngành thủy sản ở mọi quy mô đều không thể lường trước được cú sốc bất ngờ bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đổi mới để thích ứng với đại dịch. Một số doanh nghiệp nhỏ cũng tích cực điều chỉnh và “sống sót” qua đại dịch, nhờ sử dụng các nền tảng thương mại điện tử và đổi mới cách thức hoạt động kinh doanh. Các tổ chức nghề cá quy mô nhỏ khắp Mỹ Latinh đã áp dụng các phương pháp tiếp cận sáng tạo để thương mại hóa sản phẩm. Ví dụ, xây dựng điểm bán hàng tạm thời tại các điểm gần khu đô thị đông dân cư của Chilê, Peru, Panama và Nicaragua. Ngư dân tại Mỹ Latinh cũng tận dụng thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng tận nhà, để quảng cáo và tiêu thụ sản phẩm.

Tại Malaysia, kênh trung gian giao hàng thủy sản trực tuyến MyFishman.com đã giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành khai thác và NTTS bán sản phẩm thông qua đăng ký dịch vụ giao hàng trực tuyến, thay vì tiêu thụ tại chợ dân sinh và tránh tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng. Những thay đổi này vẫn tồn tại đến nay và có nhiều dấu hiệu cho thấy COVID-19 vẫn đang thúc đẩy sự hợp nhất kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản.

Tại Nam Á và Đông Nam Á, ngư dân quy mô nhỏ lẻ, các công ty NTTS và hiệp hội nghề cá đã ứng phó với đại dịch theo nhiều cách, tùy theo mức độ hạn chế đại dịch và sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, nhưng đều chứng kiến sự sụt giảm chung. Tuy nhiên, khả năng phục hồi của họ được tăng cường bằng cách đa dạng hóa hoặc linh hoạt chuyển đổi hoạt động nông nghiệp, giảm chi phí kinh doanh xuống mức tối thiểu và cần thiết, đồng thời áp dụng kênh tiếp thị trực tuyến và giao hàng trực tiếp. Sự thay đổi trong phương thức kinh doanh này đang mở ra cơ hội mới cho ngư dân quy mô nhỏ, các công ty khai thác và NTTS xây dựng quan hệ trực tiếp và gần gũi với khách hàng, giúp họ mở cửa thị trường mới và phát triển sản phẩm mới. Các quốc gia như Trung Quốc đã ra mắt nền tảng cung cầu quốc gia, để kết nối các nhà sản xuất thủy sản nuôi và khai thác với hãng chế biến và người mua hàng, hợp lý hóa nhu cầu sản xuất, định hướng sản phẩm dư thừa sang cấp đông và bảo quản lạnh, đồng thời tạo điều kiện cho thương mại nội địa và xuất khẩu.

Để ngăn chặn những hậu quả kinh tế của việc phong tỏa và hạn chế khác, Chính phủ đã hỗ trợ các hộ gia đình, doanh nghiệp và thị trường theo quy mô chưa từng thấy kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Gói hỗ trợ của Chính phủ ở các quốc gia Mỹ Latinh, Anh, Scotland, Bắc Ireland…, gồm các khoản vay ưu đãi không lãi suất cho hãng khai thác quy mô nhỏ, giảm thuế và phí cấp giấy phép khai thác, trợ giá nhiên liệu. Các biện pháp hỗ trợ phổ biến nhất hướng vào ngành đánh bắt và NTTS là hỗ trợ xã hội từ chương trình thanh toán một lần, đến trợ cấp tiền mặt vô điều kiện trong 3 tháng hoặc hỗ trợ lương thực. Ngoài ra, nhiều gói hỗ trợ tài chính cũng được thực hiện như miễn phí và trợ cấp nguyên liệu đầu vào cho ngư dân, cung cấp con giống thủy sản, hỗ trợ kỹ thuật nuôi.

Những bài học kinh nghiệm

Những tàn dư kinh tế mà COVID-19 để lại vẫn còn. Do đó, ngành khai thác và NTTS vẫn cần tiếp tục theo dõi, đánh giá các tác động và phản ứng, nhằm cung cấp thông tin trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, để có thể chủ động ứng phó với những làn sóng mới, theo FAO.

COVID-19 đã làm nổi bật tầm quan trọng của liên kết thị trường và cho thấy, chỉ cần gián đoạn một hoặc nhiều mắt xích trong chuỗi cung ứng thủy sản, cũng gây ra những tác động lớn đến thị trường trong nước và quốc tế. Theo các chuyên gia, gián đoạn thị trường có thể kéo theo rủi ro lạm phát. Các yếu tố quan trọng nhất để xây dựng hệ thống sản xuất thủy sản bền vững đó là cải thiện quy trình chế biến, đa dạng hóa nguồn cung và thị trường, quản lý sợi dây kết nối thông qua mạng lưới vận chuyển thực phẩm và hậu cần mạnh mẽ hơn, đồng thời mở cửa cho các nhà cung cấp khác nhau (FAO, 2021).

Đại dịch COVID-19 khiến cả thế giới phải công nhận tầm quan trọng của ngành khai thác và NTTS coi như một phần không thể tách rời trong hệ thống lương thực ở nhiều quốc gia. Do đó, Tổ chức WorldFish cho rằng, nhiệm vụ quan trọng là phải duy trì hoạt động trơn tru cho tất cả các mắt xích trong chuỗi cung ứng, hỗ trợ an ninh lương thực, thu nhập và việc làm cho các nhóm lao động dễ bị tổn thương.

Tuy nhiên về mặt tích cực, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình số hóa ngành thủy sản, khuyến khích giám sát trực tuyến và quản lý chặt chẽ hoạt động đánh bắt thủy sản, nâng cao sử dụng năng lượng xanh và sạch, góp phần phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy người nuôi cá quản lý tốt hơn các nguồn lợi đầu vào đang khan hiếm như thức ăn chăn nuôi và nhấn mạnh tầm quan trọng của sản xuất trong nước.

Tuấn Minh

Theo The State of World Fisheries and Aquaculture 2022

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!