2019 là năm có ý nghĩa quan trọng, bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm (2016 – 2020); tiếp tục tiền đề của năm 2018, ngành nông nghiệp nói chung trong đó lĩnh vực thủy sản được coi là mũi nhọn trong phát triển đã đề ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD, tốc độ gia tăng giá trị sản xuất tăng 4,25% so năm 2018; sản lượng 7,9 triệu tấn.
Ảnh minh họa
Giải pháp từng lĩnh vực cụ thể như sau:
Nuôi trồng
Tiếp tục dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu và kịp thời thông báo, hướng dẫn người nuôi về các giải pháp kỹ thuật, tổ chức sản xuất. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, đẩy mạnh tổ chức sản xuất liên kết ngang và dọc theo chuỗi giá trị (xây dựng đề án liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ các đối tượng chủ lực). Tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động Quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025; Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm đến 2025; Trình phê duyệt và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tổ chức triển khai các nội dung của Đề án cá tra 3 cấp. Xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường thống nhất từ trung ương đến địa phương, ứng dụng phần mềm quan trắc môi trường NTTS, tăng cường phòng chống dịch bệnh thủy sản. Tăng cường công tác thanh/kiểm tra các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chất lượng thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường NTTS và kiểm tra ngăn ngừa việc sử dụng kháng sinh cấm, lạm dụng kháng sinh trong NTTS.
Khai thác
Ngành thủy sản sẽ tập trung triển khai các quy định mới về khai thác thủy sản như: Quản lý khai thác theo hạn ngạch; quản lý tàu cá theo chiều dài đường nước thiết kế; xã hội hóa công tác đăng kiểm tàu cá; công tác quản lý tàu hoạt động trên biển thông qua hệ thống giám sát tàu cá. Theo dõi và nắm chắc về tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin về nguồn lợi thủy sản chỉ đạo kịp thời, huy động tàu thuyền sản xuất các nghề phù hợp với đối tượng thủy sản xuất hiện theo dự báo ngư trường nguồn lợi. Phát triển khai thác thủy sản theo hướng không tăng sản lượng, tăng giá trị qua ứng dụng khoa học công nghệ về bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch. Tiếp tục hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác theo tổ, đội để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường. Xây dựng chuỗi liên kết từ khai thác, thu mua và cung cấp dịch vụ hậu cần ngay trên biển, đặc biệt là chuỗi sản xuất cá ngừ đại dương; hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp và ngư dân đi khai thác viễn dương. Tham mưu đa dạng hóa đầu tư cho hạ tầng nghề cá, trong đó huy động, kêu gọi đầu tư cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ bán đấu giá cá ngừ tại 3 tỉnh trọng điểm. Tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển thủy sản tại địa phương như Nghị định 67, Nghị định 17, Quyết định 48. Tiếp tục tham mưu cho Bộ NN&PTNT trong triển khai xử lý sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung và triển khai Đề án phát triển sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý khai thác, quản lý tàu cá tại các địa phương. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Kiểm tra, rà soát chấn chỉnh công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá, cấp phép khai thác; tàu cá phải đảm bảo đủ điều kiện về an toàn cho người và tàu ngay tại cảng. Tổ chức lập và trình phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.