(Thủy sản Việt Nam) – Vượt qua nhiều trở ngại, 2011 tiếp tục là một năm đại thắng của ngành thủy sản Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực. Nhìn lại trọn vẹn thành công này và chuẩn bị cho năm mới 2012, Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám.
Mặc dù được dự báo từ trước, nhưng bước sang năm 2011, ngành thủy sản Việt Nam vẫn lao đao trước nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vượt qua trở ngại đó, thành quả thu được của toàn ngành lại khá “vang dội”. Nhận định của Thứ trưởng về thành quả này?
Năm 2011, trải qua bao khó khăn, thách thức ngành Thủy sản chúng ta vẫn đạt sản lượng trên 5,4 triệu tấn tăng 4,6% và kim ngạch xuất khẩu đạt trên 6 tỷ USD tăng 21% so với năm 2010. Đây là kết quả vượt trên mong đợi, là sự trả công xứng đáng cho nỗ lực vượt khó của nông, ngư dân, doanh nghiệp và toàn ngành. Thành quả này rất có ý nghĩa trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước. Đó là bài học quý cho công tác chỉ đạo điều hành trong bối cảnh khó khăn nếu có giải pháp tốt và chỉ đạo quyết liệt vẫn có thể vượt qua.
Theo Thứ trưởng, đâu là yếu tố quyết định trong thành công của ngành thủy sản Việt Nam năm qua?
Thành công này là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố mang lại; từ yếu tố thị trường, sự cố gắng, năng động, sáng tạo của người sản xuất, cụ thể của nông, ngư dân và doanh nghiệp, sự điều hành phối hợp của các cơ quan nhà nước… Nhưng có lẽ yếu tố quyết định là khả năng cạnh tranh của hàng thủy sản xuất khẩu của chúng ta, đây có thể nói là yếu tố đóng vai trò then chốt nhất.
Trong đó, giá cả và chất lượng sản phẩm là hai yếu tố quyết định tạo ra sức cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam. Chất lượng đảm bảo tốt, quản lý và kiểm soát theo chuỗi sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, châu Âu. Trong điều kiện suy thoái toàn cầu như vậy, nên chi tiêu của người tiêu dùng được cân nhắc kỹ, nhưng do sự hấp dẫn về giá và đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của thị trường nên các mặt hàng thủy sản của chúng ta vẫn tạo sức hút mạnh.
Thủy sản Việt Nam năm nào cũng phải đối diện với rào cản thương mại, đặc biệt năm 2011 vừa qua. Vậy năm 2012, chúng ta có biện pháp gì hạn chế điều này, thưa Thứ trưởng?
Chúng ta tham gia thị trường toàn cầu, tất yếu phải chấp nhận cạnh tranh và rào cản. Mặt hàng thủy sản của chúng ta gặp nhiều rào cản chứng tỏ sức cạnh tranh mạnh. Năm 2010-2011, ta bị các rào cản phi thuế quan, kể cả một số thị trường bị bôi nhọ đối với mặt hàng thủy sản. Trong đó, có yếu tố thuộc về chủ quan như chúng ta chưa làm tốt công tác tuyên truyền, truyền thông, công tác xúc tiến thương mại chưa thực sự tốt, trong đó có việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm của chúng ta chưa tốt… Năm 2012, chúng ta cần chủ động hơn trong xúc tiến thương mại, truyền thông, tiếp tục quản lý, kiểm soát tốt chất lượng hàng xuất khẩu, chủ động tiến hành giải pháp tháo gỡ các rào cản đối với từng thị trường, từng vụ việc. Tìm hiểu kỹ hơn luật pháp quốc tế và các nước nhập khẩu, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực để ứng xử và giải quyết một cách hiệu quả.
Con số xuất khẩu trên 6 tỷ USD năm 2011 là vượt mong đợi của toàn ngành Ảnh: CTV
Năm 2011 cũng là một năm có nhiều biến động về thị trường, một số thị trường mới nổi lên tiềm năng, nhưng một số thị trường truyền thống lại phần nào có sự sụt giảm. Điều này đã và sẽ tác động thế nào đối với ngành thủy sản, thưa Thứ trưởng?
Năm 2011, sự biến động của thị trường, đặc biệt là thị trường truyền thống như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản đều có ảnh hưởng rất lớn do sức mua và rào cản. Tuy nhiên, không tới mức quá bi đát, do mặt hàng của chúng ta cạnh tranh tốt, vẫn là sự lựa chọn của người tiêu dùng, cho dù mức tăng vẫn chậm lại.
Và năm qua dù thị trường truyền thống khó khăn nhưng do chúng ta đã có nhiều thị trường mới bù lại như thị trường Trung Quốc và Hồng Kông, các nước ASEAN và các nước Trung Đông. Đây là hướng mới mở ra cho năm 2012, bên cạnh việc ta vẫn đi vào thị trường tuyền thống với chiều sâu hơn, bài bản hơn.
Lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản được dự báo sẽ vượt qua con số 6 tỷ USD (trong khi mục tiêu của ngành là 9-10 tỷ USD vào năm 2020), ý nghĩa của con số này là gì, thưa Thứ trưởng?
Con số xuất khẩu trên 6 tỷ USD là vượt mong đợi của toàn ngành, thể hiện bản lĩnh của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam; và là bài học quý cho công tác chỉ đạo điều hành, trong phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương, các bộ ngành Trung ương với địa phương, đặc biệt là với VASEP, Hội Nghề cá Việt Nam, nó thể hiện ở sự phối hợp giải quyết vấn đề vướng mắc về thủ tục hành chính, những rào cản thương mại điều chỉnh những chính sách phù hợp… Đặc biệt là tạo ra sự liên kết hiệu quả giữa người sản xuất nguyên liệu và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Thành quả này có ý nghĩa như cú huých, tạo đà cho năm 2012 và những năm tiếp theo và nếu tiếp tục xu hướng phát triển này mục tiêu đặt ra là 8 tỷ USD cho năm 2015 và 10 tỷ USD năm 2020 chúng ta có thể đạt và vượt.
Bước sang năm 2012, Thứ trưởng có nhận định gì đối với ngành thủy sản Việt Nam?
Năm 2012 vẫn sẽ là một năm khó khăn với ngành thủy sản do khó khăn chung của thế giới và trong nước. Cụ thể là những thị trường truyền thống tiếp tục do sức mua giảm, các rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật, kiểm soát dịch bệnh còn gặp nhiều khó khăn do hạ tầng và kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào cho nuôi trồng thủy sản còn yếu kém, chưa thể khắc phục trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên chúng ta hy vọng năm 2012 có nhiều triển vọng mới như: cơ cấu lại ngành và cơ cấu lại các sản phẩm trong đó tập trung phát triển sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh và có hiệu quả cao, tập trung phát triển hàng giá trị gia tăng, lãi suất tín dụng có xu hướng giảm.
Mặt khác, một số thị trường mới có triển vọng, trong khi thị trường truyền thống vẫn tiếp tục duy trì. Khi chúng ta có lợi thế là khả năng cạnh tranh về giá với chất lượng được kiểm soát tốt, áp dụng nhiều chứng chỉ đáp ứng được hệ thống phân phối cũng như người tiêu dùng.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
>> Với những nhận định về thuận lợi và khó khăn như vậy, năm 2012 tôi rất hy vọng và tin tưởng chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, và sản xuất thủy sản tiếp tục có bước phát triển mới. Nhân dịp năm mới, chúc toàn ngành sẽ vượt khó khăn thử thách, tiếp tục một năm được mùa, được giá.
Thu Hồng
(Thực hiện)