Thủy sản Việt Nam: Nhìn lại để đi tới

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thủy sản Việt Nam đã có những bước phát triển về sản xuất và xuất khẩu, thế nhưng phía sau thành công đó, vẫn còn một số bất cập. Làm thế nào để ngành phát triển bền vững, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, biến thách thức thành cơ hội? Nhân kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống ngành thủy sản (1/4/1959 – 1/4/2022), Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân đã có những chia sẻ với Tạp chí Thủy sản Việt Nam về câu chuyện thành công, cũng như những trăn trở và định hướng phát triển của ngành trong thời gian tới.

PV: Nhìn lại chặng đường phát triển của ngành thủy sản Việt Nam trong suốt thời gian qua, những con số nào khiến ông cảm thấy ấn tượng?

Tổng cục trưởng Trần Đình Luân: 1/4/2022 là ngày chúng ta kỷ niệm 63 năm truyền thống ngành thủy sản. Cách đây đúng 63 năm, ngày 1/4/1959, Bác Hồ về thăm bà con ngư dân ở Cát Bà, Hải Phòng, lúc đó Bác đã gợi mở cho chúng ta về kinh tế biển “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”. Ý nghĩa làm chủ ở đây là chúng ta khai thác tiềm năng, lợi thế để phục vụ cho đời sống dân sinh và quan trọng là phát triển bền vững, đúng nghĩa của một quốc gia ven biển.

Ông Trần Đình Luân Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản 

Trải qua 63 năm phát triển, ngành thủy sản Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu. Việt Nam là một trong những quốc gia liên tục có tốc độ tăng trưởng về sản xuất thủy sản. Về xuất khẩu, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng năm 2021, giá trị xuất khẩu thủy sản của nước ta vẫn đạt trên 8,9 tỷ USD, đứng thứ 3 thế giới, sau Na Uy và Trung Quốc. Có thể nói, với truyền thống và hội nhập từ rất sớm, ngành thủy sản Việt Nam đã có những bước phát triển về sản xuất và xuất khẩu. 

Hiện nay, chúng ta đã xây dựng được đội tàu khai thác thủy sản lớn với hơn 91.000 chiếc, trong đó hơn 29.000 tàu có chiều dài trên 15 m. Bên cạnh việc khai thác tiềm năng từ biển thì việc tham gia bảo vệ chủ quyền, sự hiện diện của ngư dân trên biển cũng là một trong những điểm khẳng định thế mạnh của ngành thủy sản trong việc khai thác tiềm năng lợi thế; phát triển đội tàu và tham gia bảo vệ chủ quyền. 

Song song với đó, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng đạt được kỳ tích. Hiếm có một quốc gia nào có 2 đối tượng chủ lực là tôm và cá tra phát triển như Việt Nam. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 2,26 tỷ USD với diện tích nuôi 5.400 ha. Trong năm 2021, ngành thủy sản nước ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như: Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chi phí vận tải quốc tế, chi phí sản xuất nhưng kim ngạch xuất khẩu tôm nói riêng vẫn đạt 3,9 tỷ USD. Đây là một trong những dấu mốc thành công trong phát triển lĩnh vực thủy sản.

chế biến ca tra xuất khẩu

Năm 2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam đặt mục tiêu đạt trên 1,6 tỷ USD. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

PV: Bên cạnh thành công, ngành thủy sản Việt Nam vẫn đang tồn tại một số bất cập, ông có thể nói rõ thêm về điều này?

Tổng cục trưởng Trần Đình Luân: Phía sau quá trình phát triển mạnh, ngành thủy sản đang bộc lộ những bất cập. Đó là chúng ta đặt nặng về sản lượng mà quên mất giá trị; chưa đánh giá cao và chưa chú trọng đúng mức tới hiệu quả sản xuất và tính bền vững. 

Với lĩnh vực khai thác, khả năng khai thác và tái tạo nguồn lợi chưa tương xứng, khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm. Trong lĩnh vực nuôi trồng, tuy phát triển mạnh nhưng vẫn còn những tồn tại, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường và hiệu quả sản xuất. 

khai thác thủy sản

Ngành thủy sản đặt mục tiêu giảm sản lượng nhưng tăng giá trị khai thác thủy sản. Ảnh: Đoàn Kết

Tồn tại nữa mà chúng ta nhìn thấy rõ đó là “thẻ vàng” về đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của Ủy ban châu Âu (EC) hiện nay. Đây là một trong những điều giúp chúng ta nhìn nhận lại, xây dựng lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức lại sản xuất. Theo đó, Luật Thủy sản 2017, các Nghị định, Thông tư đi kèm cũng đã thể hiện điều này. Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và gần đây là Quyết định số 150/QĐ-TTg về “Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” hoàn toàn đã định hướng lại cho ngành thủy sản Việt Nam thời gian tới để có những chuyển đổi phù hợp. 

PV: Trong những tồn tại của ngành hiện nay, đâu là vấn đề khiến ông trăn trở nhất và giải pháp tháo gỡ là gì, thưa ông?

Tổng cục trưởng Trần Đình Luân: Có rất nhiều vấn đề mà chúng ta cần phải tiếp tục hoàn thiện. Trước mắt và gần nhất chính là “thẻ vàng” IUU của EC đã qua 4 năm. Chúng ta phải sớm chứng minh năng lực quản lý và thực hiện để có thể gỡ “thẻ vàng” và tiếp tục triển khai các quy định của Luật Thủy sản năm 2017.

Thứ hai là cơ cấu lại đội tàu theo quy hoạch, giảm xuống dưới 77.000 tàu và phải có điều tra nguồn lợi một cách bài bản để giúp bà con cơ cấu lại nghề, số lượng tàu, mùa vụ khai thác và ứng dụng các công nghệ để thông tin cho bà con làm sao khai thác hiệu quả, bền vững. 

Thứ ba là lĩnh vực mà trong suốt thời gian qua chúng ta đã đề cập đến rất nhiều, ảnh hưởng đến các hoạt động khác, đó là khu bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các đường di cư của con non. Nhiều khu bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được thành lập nhưng vẫn bị các hoạt động kinh tế khác làm ảnh hưởng đến kết quả triển khai. Công tác bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản rất quan trọng bởi nếu làm tốt thì mới có thể bảo vệ được những nơi để cho các loài thủy sản sinh sôi, từ đó mới có thể tăng nguồn lợi thủy sản để tổ chức khai thác một cách hợp lý.

Thứ tư, vừa qua chúng ta đã phát huy được tiềm năng, lợi thế của nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là thế mạnh về nuôi tôm. Hiện, Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất và cung ứng tôm lớn trên thế giới. Chúng ta có lợi thế về tôm sú nhưng vẫn chưa phát huy được. Đây là một trong những điểm mạnh cần tập trung phát triển trong thời gian tới để tạo sự khác biệt. Bên cạnh đó, chúng ta có những mô hình mà thế giới không có như tôm rừng, tôm lúa, tôm quảng canh…, theo đó cùng với việc phát triển con tôm sú, chúng ta cũng cần cũng cần phát huy tiềm năng, thế mạnh của những mô hình này nhằm tạo sự khác biệt với thế giới, xây dựng thương hiệu riêng biệt cho con tôm Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là những mô hình hiệu quả trong việc giảm phát thải, giảm sự lệ thuộc vào bột cá để làm thức ăn và tăng thích ứng với biến đổi khí hậu. 

nuôi tôm công nghệ cao

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao theo hướng an toàn, sạch bệnh, giúp truy xuất nguồn gốc, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh. Ảnh: Phan Thanh Cường

Với cá tra, hiện nay mô hình, quy trình, công nghệ đã có, sản lượng tăng rất cao nhưng chế biến sâu còn rất hạn chế, đặc biệt là xuất khẩu vẫn qua trung gian là chủ yếu, chưa được đi đến tận tay người tiêu dùng với những hình thức chế biến phù hợp và mang rõ thương hiệu cá tra Việt Nam. Điều này khiến ngành cá tra cứ tăng sản lượng thì giá cả lại đi xuống và liên tục cho thấy sự bấp bênh của ngành hàng này. Làm sao để có thể tổ chức lại chuỗi ngành hàng cá tra theo hướng tăng chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng, hoàn thiện chuỗi một cách bài bản.

Trăn trở thứ năm chính là hệ thống triển khai thực thi pháp luật, năng lực của đội ngũ cán bộ để có thể tiếp cận công nghệ mới, chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho ngư dân.

Thêm một điều nữa là chi phí sản xuất của chúng ta hiện ở mức khá cao nên sức cạnh tranh có những thời điểm bị ảnh hưởng rất lớn, vì thế việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả cho người dân cần phải được đẩy mạnh để làm sao mỗi người dân là một nhà khoa học, nhà kinh doanh, khi quyết định đầu tư phải nhìn thấy rõ hiệu quả và giảm thiểu được các rủi ro.

Và một điều đặc biệt quan trọng chính là cách tổ chức sản xuất cần phải thay đổi nhằm tạo được mối liên kết một cách ràng buộc giữa các mắt xích đầu vào, quá trình sản xuất và đầu ra đến khai thác, phát triển thị trường, mở rộng thị trường, cần phải tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hơn nữa, có như vậy vị thế và sức cạnh tranh của các sản phẩm thủy sản Việt Nam mới được ổn định và phát triển bền vững.

tôm sú hữu cơ

Sản phẩm tôm sú hữu cơ tạo nên sự khác biệt và khả năng cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam. Ảnh: Minh Phú

PV: Như ông chia sẻ, mục tiêu mà ngành thủy sản Việt Nam đặt ra thời gian tới là giảm số lượng đội tàu khai thác, từ 91.000 chiếc hiện nay xuống dưới 77.000 chiếc. Cùng đó, sản lượng thủy sản khai thác cũng giảm chỉ còn 2,8 triệu tấn. Vậy giải pháp trước mắt và lâu dài để người dân vừa có sinh kế ổn định, vừa đạt được mục tiêu phát triển thủy sản bền vững là gì, thưa ông?

Tổng cục trưởng Trần Đình Luân: Hiện nay, chúng ta đang căn cứ vào dữ liệu nguồn lợi thủy sản để cơ cấu lại đội tàu nhằm chứng minh cho bà con thấy nếu không giảm đội tàu mà cứ khai thác như hiện nay là không bền vững. Và cũng để người dân hiểu rằng, khai thác bền vững chính là để phục vụ đời sống của bà con ngư dân, chứ không phải phục vụ cho cơ quan quản lý.

Song song với đó là công tác đào tạo chuyển đổi nghề. Với số lượng tàu đánh bắt cá ven bờ rất lớn, một mặt chúng ta sẽ chuyển sang phương án đồng quản lý để khai khác tiềm năng, lợi thế du lịch, mặt khác sẽ xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản phù hợp để bà con không phải đi biển, mà quay lại phát triển nuôi trồng thủy sản, có thể là nuôi tôm, nuôi cá, nhuyễn thể hay trồng rong biển.

Ví dụ như làng chài Vung Viêng trên vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh), trước đây người dân sống bằng nghề khai thác cá, nhưng hiện nay hầu hết đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản và đón khách du lịch đến thăm. Đó là những mô hình mà tới đây chúng ta cần phải nhân rộng.

tàu cá

Cơ cấu đội tàu theo quy hoạch để khai thác hiệu quả, bền vững. Ảnh: Đoàn Kết

Đặc biệt, Luật Thủy sản năm 2017 quy định trong vùng 3 hải lý ven bờ, UBND huyện có trách nhiệm quy hoạch và giao mặt nước cho bà con ngư dân đang có đời sống sinh kế phụ thuộc vào biển tổ chức sản xuất. Chúng tôi cũng hướng dẫn các địa phương dựa vào từng điều kiện, thế mạnh của mình, không chuyển đổi một cách ồ ạt mà chuyển đổi có tổ chức, cố gắng thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác khi sản xuất phải đủ lượng để chúng ta tham gia vào thị trường hoặc phải gắn với sản phẩm OCOP hoặc là gắn với sản phẩm bản địa để giúp người dân yên tâm sản xuất, tránh phát triển nhỏ lẻ, tự phát như hiện nay.

Song song với đó là mục tiêu giảm sản lượng khai thác thủy sản nhưng không giảm giá trị. Như vậy, phải giảm tổn thất sau thu hoạch, cải tạo lại hệ thống bảo quản, khai thác; tăng tự động hóa để giảm áp lực về nguồn nhân lực đi biển. Và từ nguồn nguyên liệu tốt, chúng ta phải phát triển thành các sản phẩm chế biến giá trị cao, thay vì chủ yếu chế biến thành bột cá và sản phẩm giá trị thấp. Với những giải pháp như vậy, mong rằng chúng ta giảm sản lượng nhưng không giảm, thậm chí còn tăng giá trị lên, như vậy đời sống ngư dân đi biển vẫn được đảm bảo, ai chuyển nghề cũng có sinh kế ổn định và đời sống tốt hơn. 

PV: Ngoài các đối tượng thủy sản chủ lực hiện nay như tôm, cá tra, sắp tới chúng ta có định hướng đa dạng các sản phẩm khác như thế nào, thưa ông? 

Tổng cục trưởng Trần Đình Luân: Sản phẩm thủy sản cũng giống như ngành nông nghiệp. Chúng ta có nhóm sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng miền và sản phẩm địa phương. Vừa qua, chúng ta đang tập trung nhiều vào xây dựng sản phẩm quốc gia, còn sản phẩm vùng miền và sản phẩm địa phương chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế. Cho nên bên cạnh sản phẩm quốc gia thì chúng ta cần phải khai thác tối đa các đối tượng nuôi có tiềm năng, lợi thế, ví dụ như ngao, hàu, cá rô phi…

Bên cạnh đó, rất nhiều loài thủy sản trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu có thể trở thành những đối tượng nuôi hàng hóa rất tốt. Vấn đề này đã và đang được đưa vào các chương trình nghiên cứu, tổ chức sản xuất để làm sao có thể khai thác được tiềm năng, lợi thế.

Chẳng hạn vừa qua, chúng ta đang phối hợp với Hậu Giang để phát triển nuôi lươn. Bước đầu đã có những doanh nghiệp tiếp cận để đưa sản phẩm lươn trở thành sản phẩm của vùng miền gắn với tiêu thụ trên thị trường. Chúng ta cũng đang tập trung phát triển rong biển nuôi đơn hoặc nuôi kết hợp với các đối tượng thủy sản khác và gắn với các nhà máy chế biến, nghiên cứu tạo nhiều sản phẩm giá trị gia tăng phục vụ ngành y dược để tạo giá trị gia tăng. Đây là những định hướng lớn để chúng ta có thể đạt được mục tiêu giá trị xuất khẩu thủy sản 14 – 16 tỷ USD đến năm 2030. 

PV: Trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng!

>> Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân: "Với truyền thống 63 năm trưởng thành và phát triển, chúng ta đã tạo dựng cho ngành thủy sản có chỗ đứng, vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế. Chúng ta đã bước đầu khai thác được lợi thế của kinh tế biển. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, cần có cách nhìn nhận, tư duy một cách bền vững hơn, hiệu quả hơn và cách tổ chức sản xuất phải tuân thủ quy định pháp luật và yêu cầu của thị trường mà chúng ta xuất khẩu. Và hơn bao giờ hết, chúng ta cần nhìn nhận lại những kết quả đạt được, xem xét những thách thức sẽ phải đối mặt trong thời gian tới, từ đó cùng nhau có quyết tâm hành động thực hiện thắng lợi mong muốn của Bác Hồ, của Đảng, đó là khai thác tiềm năng từ biển, giàu lên từ biển và giữ vững chủ quyền, an ninh biển đảo của đất nước".

Hồng Thắm

Thực hiện

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!