(TSVN) – Trước tình hình xuất khẩu đang sụt giảm, các cơ quan chức năng và ngành thủy sản đang nỗ lực đẩy mạnh việc xuất khẩu qua biên giới, đặc biệt là xuất khẩu vào quốc gia láng giềng Trung Quốc.
Ngày 8/6/2023, Bộ NN&PTNT đã có công hàm gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc về đề xuất một số giải pháp thúc đẩy giao thương nông sản và tháo gỡ tình trạng ùn tắc. Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm hoàn tất thủ tục ký nghị định thư giữa Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ NN&PTNT Việt Nam về yêu cầu an toàn thực phẩm, kiểm dịch và kiểm tra đối với sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đặc biệt, đề xuất việc cho phép xuất khẩu thủy sản sống qua các cửa khẩu tại tỉnh Vân Nam.
Bộ cũng đã cử đoàn công tác do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn sang làm việc với chính quyền nhân dân, Cục Hải quan hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) nhằm thúc đẩy hợp tác, gia tăng kim ngạch xuất khẩu qua các tỉnh có chung biên giới trên bộ.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 21,4%, tăng 7,7%; xuất khẩu sang Mỹ chiếm 20,2%, giảm 32,9% và xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3%.
Lô hàng thủy sản đầu tiên trong năm 2023 được làm thủ tục xuất khẩu qua cửa khẩu Cốc Nam. Ảnh: HQLS
Theo VASEP, hiện có 805 doanh nghiệp của Việt Nam đã được phía Trung Quốc cấp phép cho xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Trung Quốc đã cấp 128 mã sản phẩm liên quan tới thủy sản của Việt Nam.
Mặc dù sản phẩm Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ có nguồn nguyên liệu giá rẻ như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador… song lợi thế chung đường biên giới là một yếu tố quan trọng giúp thủy sản Việt Nam xâm nhập thị trường tỷ dân đầy tiềm năng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thị trường, lợi thế về khoảng cách địa lý hầu như chưa được phát huy trong thực tế xuất khẩu sang Trung Quốc, do các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc các mặt hàng thủy sản chế biến, trong khi các mặt hàng thủy sản tươi sống vẫn chưa được phép qua đường xuất khẩu chính ngạch.
Thời gian vừa qua, tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu đã diễn ra, trong đó có sản phẩm xuất phẩm tiểu ngạch. Người dân Trung Quốc vẫn chưa thực sự được tiếp cận các sản phẩm thủy sản tươi sống chất lượng cao từ Việt Nam.
Ngày 5/7/2023, lô hàng thủy sản đầu tiên trong năm 2023 đã được làm thủ tục thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc qua cặp cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn, Việt Nam) – Lũng Nghịu (Bằng Tường, Trung Quốc). Cả Việt Nam và Trung Quốc đều hy vọng việc sản phẩm thủy sản thông thương tại cửa khẩu Lũng Nghịu, sẽ góp phần giúp giao thương hai nước qua cửa khẩu này khởi sắc trong thời gian tới.
Theo đó, 5 tấn thủy sản là mặt hàng cá mè hoa nước ngọt của hộ kinh doanh Hoàng Thị Hằng, địa chỉ tại thôn Bản Mới, xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn đã được Chi cục Hải quan Cốc Nam (Cục Hải quan Lạng Sơn) làm thủ tục thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây cũng là lô hàng thủy sản đầu tiên được xuất khẩu qua cửa khẩu Cốc Nam trong năm 2023. Phía Trung Quốc cho rằng, đây là hoạt động nhằm thúc đẩy tăng thu nhập và sự phát triển thịnh vượng của cư dân biên giới hai bên (Lạng Sơn- Bằng Tường). Do đó, phía Trung Quốc cũng đề nghị các cơ quan, ban ngành, lực lượng chức năng của phía tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) phối hợp thông báo, tuyên truyền rộng rãi đến các doanh nghiệp và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan thủy sản qua cặp cửa khẩu này.
Trước đại dịch COVID-19, trung bình sản lượng mặt hàng thủy, hải sản xuất khẩu qua cửa khẩu này là 20 tấn/ngày. Sau hơn hai năm gián đoạn, giờ đây, việc xuất khẩu được nối lại sẽ giúp người dân Trung Quốc được tiếp cận nhiều hơn với sản phẩm thủy sản chất lượng từ Việt Nam.
Việc xuất khẩu qua đường bộ là lợi thế lớn. Hiện 70% lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam xuất sang Trung Quốc vận chuyển bằng đường bộ. Lợi thế xuất khẩu thủy sản là điều dễ nhận thấy. Tỉnh Vân Nam rất cần các sản phẩm thủy sản do tỉnh này không có biển. Tỉnh Vân Nam sẽ đề xuất với Tổng cục Hải quan Trung Quốc mở rộng danh mục nhập khẩu các sản phẩm thủy sản và các loài thủy sản sống của Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Trần Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cốc Nam (Cục Hải quan Lạng Sơn) thông tin, hiện Trung Quốc yêu cầu nghiêm ngặt về điều kiện truy xuất nguồn gốc mặt hàng thủy, hải sản. Do vậy, Chi cục khuyến cáo các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu mặt hàng thủy, hải sản cần đảm bảo đầy đủ giấy chứng nhận về xuất xứ hàng hóa (C/O) trước khi thực hiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, việc xuất khẩu nông sản nói chung và thủy sản nói riêng vào các tỉnh chung đường biên giới vẫn còn khá manh mún, dễ đứt gãy, chủ yếu làm ăn riêng rẽ. Tuy nhiên, xuất, nhập khẩu sẽ tăng trưởng tốt nếu xây dựng được các chuỗi giá trị bền vững giữa các hiệp hội, doanh nghiệp hai nước. Cơ quan chức năng hai nước đang ủng hộ việc các Hiệp hội doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản của tỉnh Quảng Tây và Vân Nam liên kết với các hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản vào Quảng Tây và Vân Nam.
Nguyễn Anh
Đột phá xuất khẩu cua Cà Mau sang Trung Quốc
Sản phẩm cua Cà Mau chủ yếu xuất tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Do xuất tiểu ngạch nên gặp nhiều rủi ro, khó tổ chức sản xuất theo hướng bền vững. Trong cuộc làm việc mới đây với tỉnh Cà Mau, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, phối hợp với Bộ Công Thương đàm phán với phía Trung Quốc về mở cửa thị trường chính ngạch cho cua Cà Mau. Theo Bộ trưởng, khi mở cửa thị trường thì tỉnh cần tổ chức lại ngành hàng cua, phải đáp ứng tất cả các chuẩn mực của thị trường đó. Thời gian qua, có tình trạng khi mở cửa thị trường lúc đầu giá cao, sau đó xuống thấp. Vì vậy, mở cửa thị trường đã khó, giữ thị trường tối ưu giá còn khó hơn.
Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau và Tập đoàn Viettel, Viettel Post thống nhất cùng xây dựng Đề án tổ chức lại sản xuất và xuất khẩu chính ngạch sản phẩm cua Cà Mau với 3 đột phá (Đề án dự kiến triển khai vào tháng 9/2023). Theo đó, Viettel đã cử đại diện là Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) tìm hiểu, nghiên cứu khá sâu về thị trường Trung Quốc, nhất là thị trường tiêu thụ mặt hàng cua Cà Mau, làm đầu mối xuất chính ngạch. Ba đột phá đó là: Đột phá phát triển nghề cua, trong đó tập trung nghiên cứu áp dụng khoa học, công nghệ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; đột phá trong Logistic, tập trung xây dựng hệ thống giảm sát quản lý tối ưu thời gian vận chuyển, đảm bảo chất lượng và độ tươi ngon của Cua trong quá trình vận chuyển; đột phát trong thương mại, trong đó tập trung cho phát triển thương mại đa kênh, gồm cả thương mại điện tử, tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng ở Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước lân cận.
H.C