Tiền Giang: Khuyến nông chú trọng an toàn sinh học

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhờ việc tập trung hỗ trợ, triển khai các mô hình nuôi thủy sản an toàn sinh học của Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang đã giúp người nuôi thoát nghèo, ổn định sản xuất.


Lợi ích cá – lúa

Từ năm 2001 đến nay, gia đình ông Nguyễn Văn Mao (xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè) được Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang hỗ trợ làm kinh tế theo mô hình kết hợp nuôi cá và trồng lúa. Gia đình ông mới thu hoạch xong vụ cá trên ruộng, đang vào vụ trồng lúa mới. Theo lịch sản xuất năm nay, vụ đông xuân trồng lúa, các vụ còn lại thì ương dưỡng cá giống. Ông Mao đem cá bột chép, mè, trắm cỏ… đến ương dưỡng trên ruộng, thành cá giống cỡ 30 – 40 con/kg rồi xuất bán cho thương lái hoặc người nuôi có nhu cầu. Mỗi vụ ương dưỡng cá giống chỉ 1,5 – 2 tháng là có thể xuất bán, nên trong năm có thể quay một vụ lúa đông xuân cộng thêm 3 – 4 vụ cá giống.

Theo ông Mao, mô hình này mang lại nhiều lợi ích: vừa giảm được lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khi trồng lúa trong vụ đông xuân, vừa tốn ít thức ăn cho cá giống thả ương dưỡng trên ruộng (bởi bã rơm rạ, xác thực vật là nguồn thức ăn bổ sung phong phú cho cá). Bí quyết để thành công khi nuôi cá là chú ý các yếu tố: nhiệt độ nước, mật độ tảo, độ pH, ôxy hòa tan… ; ngoài ra, nên đổi chủng loại cá giống khi thả trên ruộng để lứa cá vụ sau có thể tận dụng được thức ăn rơi vãi của lứa cá vụ trước. Khi thu hoạch lúa đông xuân xong, ông Mao vào vụ ương dưỡng cá mè; sau vụ cá mè thì ương dưỡng cá chép; sau vụ cá chép lại quay sang cá trôi, trắm…

Mô hình cá – lúa cho lợi nhuận gấp 2 lần so với độc canh lúa – Ảnh: Thanh Nhã

Với mô hình này, vụ đông xuân ông Mao có thể thu hoạch khoảng 80 tạ lúa, so 50 triệu đồng/năm khi canh tác 2 – 3 vụ lúa như trước đây. Ngoài ra, trong quá trình canh tác giảm được đáng kể lượng phân đạm, chủ yếu bón Kali nên giảm chi phí sản xuất. Thời gian còn lại trong năm, ông Mao dành để ương dưỡng cá giống, thu được khoảng 4,5 tấn; bán với giá bình quân 30.000 đồng/kg, thu được hơn 130 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 70 – 80 triệu đồng. Tính chung nguồn thu từ lúa kết hợp với cá trong năm, giá trị sản lượng của gia đình ông Mao trên 150 triệu đồng, lãi gần 100 triệu đồng.

 

 

Bền vững với an toàn sinh học

Với việc tăng cường ứng dụng chế phẩm sinh học, chọn giống tốt qua kiểm dịch, thả giống theo lịch thời vụ, quản lý môi trường nuôi theo cộng đồng từ mô hình nuôi an toàn sinh học, năm qua, Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang hỗ trợ hộ nuôi tại địa phương áp dụng thành công, tạo bền vững và phù hợp với tình hình sản xuất.

Tiêu biểu trong số đó là mô hình kết hợp nuôi cá và lúa có lợi nhuận gấp đôi so với chỉ trồng 3 vụ lúa, phù hợp vùng trồng lúa bị ảnh hưởng lũ nên có khả năng nhân rộng tốt; cùng đó, tạo ra sản phẩm cá – lúa an toàn, sản xuất thân thiện môi trường, phát triển bền vững trong tương lai; Hay mô hình ứng dụng máy dò ngang và máy thông tin liên lạc trên tàu khai thác hải sản xa bờ có sản lượng đánh bắt cao hơn so với tàu chưa được lắp máy, 150 – 160%; Mô hình nuôi tôm sú kết hợp tôm thẻ chân trắng cho năng suất 5 tấn/ha sau 4,5 tháng nuôi; lợi nhuận 400 triệu đồng/ha. Đặc biệt, khi nuôi theo mô hình này, màu nước luôn ổn định, tôm ít bị bệnh, khi thu hoạch có kích cỡ đồng đều. 

Bên cạnh đó, Trung tâm còn chú trọng đào tạo nghề nông, với 26 lớp/863 học viên được cấp giấy chứng nhận. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề đạt 80% (nông dân tự sản xuất tại nông hộ). Mạng lưới khuyến nông ở địa phương đã có 157 câu lạc bộ Khuyến nông/169 xã, phường, thị trấn; số lượng hội viên trên 8.000.

Đại diện Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang cho biết, thời gian tới cùng với chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, Trung tâm sẽ tập trung vào các sản phẩm chủ lực, mũi nhọn của ngành, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung phục vụ chế biến xuất khẩu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất, tập trung sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn, chi phí thấp, hướng đến sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. Tăng cường năng lực hệ thống khuyến nông các cấp. Đẩy mạnh tuyên truyền, huấn luyện, đào tạo, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất; kiểm tra giám sát để nâng cao hiệu quả khuyến nông. Đào tạo nghề nông cho lao động nông thôn, khuyến nông gắn với phong trào xây dựng Nông thôn mới…

Phương Dung - Cẩm Hạnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!