Tiền Giang: Sản lượng thủy sản nuôi tăng gần 10%

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo thống kê của Sở NN&PTNT Tiền Giang, gần 6 tháng đầu năm 2022, Tiền Giang đã đưa trên 13.000 ha mặt nước vào nuôi thủy sản các loại phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu, tăng hơn 4,3% so cùng kỳ năm trước. Địa phương cũng đã thu hoạch được gần 81.000 tấn tôm cá các loại, tăng hơn 9,6% so cùng kỳ năm trước.

Với địa hình đặc biệt, tỉnh Tiền Giang có các vùng sinh thái ngọt, lợ, mặn với tiềm năng lớn về nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao, là nguồn nông sản chế biến xuất khẩu lớn như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng… Nhằm phát huy lợi thế trên, tỉnh đã hình thành những vùng nuôi thủy sản tập trung lớn ở cả ba vùng sinh thái như: nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng ở ven biển Gò Công Đông và Tân Phú Đông, nuôi cá tra thương phẩm trên các cù lao trên sông Tiền thuộc các huyện Cai Lậy và Cái Bè phía thượng lưu, nuôi và sản xuất cá giống nước ngọt ở vùng ven Đồng Tháp Mười, nuôi cá lồng bè trên sông Tiền ở thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành và huyện Cai Lậy, nuôi cá lồng ghép trong các mô hình VAC, VACR…

Ảnh minh họa

Từ đầu năm đến nay, nuôi trồng thủy sản đang là một trong những ngành nghề phục hồi mạnh mẽ khi địa phương trở lại trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 để khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 và các năm tiếp theo.

Để nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản, Tiền Giang tăng cường khuyến ngư, khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật, nhân rộng những mô hình nuôi thủy sản hiệu quả như nuôi thâm canh, nuôi an toàn sinh học, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao…

Tại hai huyện ven biển Tân Phú Đông và Gò Công Đông đã có hàng trăm hộ áp dụng mô hình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn hoặc 3 giai đoạn trên diện tích khoảng 300 ha. Mô hình này cho năng suất rất cao, từ 40 tấn đến 50 tấn/ ha và sản lượng thu hoạch trong năm qua đạt khoảng 2.000 tấn, chiếm đến 10,07% tổng sản lượng tôm nuôi trong tỉnh.

Ngoài ra, nuôi thủy sản theo hướng GAP cũng được tỉnh Tiền Giang khuyến khích nhằm nâng cao chất lượng nguồn nông sản hàng hóa tham gia thị trường, đảm bảo an toàn và truy xuất được nguồn gốc. Toàn tỉnh hiện có gần 70 ha nuôi thủy sản đạt chứng nhận VietGAP hoặc GlobalGAP.

Nhiều nông dân nhạy bén trong làm ăn đã phát triển những đối tượng nuôi thủy sản mới mang lại hiệu quả kinh tế cao như: nuôi cá sấu, nuôi và ương dưỡng cá giống, nuôi nhuyễn thể hai mảnh võ ở ven biển Gò Công… mở hướng phát triển kinh tế hiệu quả, thích ứng biến đổi khí hậu vừa phát huy tốt tiềm năng đất đai, lao động, ngành nghề tại địa phương.

Sở NN&PTNT Tiền Giang đánh giá, trong thời gian qua, mặc dù tình hình hạn mặn, thiên tai diễn ra trên diện rộng nhưng việc phát triển nuôi thủy sản trên địa bàn vẫn phát triển tương đối ổn định. Đa số hộ nuôi đều có lợi nhuận tăng khá, thu nhập hộ nuôi bảo đảm.

An Nhiên

>> Giá cá tra trong những tháng đầu năm 2022 tăng khá khi tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Giá cá tra thương phẩm tại địa phương đang ở mức 30.000 đồng/kg, tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Giá tôm thương phẩm ở vùng nuôi ven biển Gò Công cũng đang tăng khá. Cụ thể, giá tôm thẻ chân trắng dao động trong khoảng từ 95.000 - 105.000 đồng đối với kích cỡ 100 con/kg, 123.000 - 128.000 đồng/kg đối với kích cỡ 50 con/kg. Loại tôm thẻ chân trắng lớn, cỡ 30 con/kg có giá khoảng 170.000 đồng/kg, tôm cỡ 20 con/kg có giá từ 230.000 đồng/kg trở lên. Giá tôm hiện nay tăng hơn từ 20.000 - 25.000 đồng/kg tùy loại so với cùng kỳ năm trước.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!