Từ ông chủ của hai chiếc tàu vỏ gỗ công suất lớn đánh bắt xa bờ rất hiệu quả, cơ ngơi giàu có, ông Phan Bé (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) giờ phải đi làm thuê kiếm sống. Tất cả là vì con tàu vỏ thép Sang Fish 01 công suất 750 CV mà Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) đóng mẫu ông sử dụng hơn 1 năm.
Nhiều tàu vỏ thép mới ra khơi đã rỉ sét, hư hỏng Ảnh: CTV
Sạt nghiệp
Tháng 7/2014, ông Bé nhận con tàu Sang Fish 01 trị giá con tàu 7,7 tỷ đồng. Sau đó, ông đầu tư thiết bị hàng hải, ngư lưới cụ, máy phát điện, đèn và nhiều thứ khác hết tổng cộng 4,27 tỷ đồng để ra khơi. Chuyến biển đầu tiên, từ ngày 12 – 22/8/2014, tời kéo lưới đánh cá bị hỏng, làm mất một phần ba giàn lưới trị giá 1,6 tỷ đồng. Khắc phục giàn lưới tốn 500 triệu đồng, thêm chi phí cho chuyến biển 100 triệu, ông mất 600 triệu đồng.
Ba chuyến biển tiếp theo vào tháng 1, 2 và 3/2015, liên tiếp hỏng tời, tổng cộng tốn 360 triệu đồng. Lý do là tời kéo lưới đánh cá ở tàu vỏ thép nhưng làm theo kiểu của tàu gỗ, không phù hợp. Ông Bé tốn nhiều công sức và tiền bạc sửa được tời thì lại hỏng máy chính. Hai chuyến biển trong tháng 5 và 7/2015, máy chính liên tục hỏng, hết bộ phận nọ đến bộ phận kia, không đủ tải để chạy tàu và kéo các thiết bị đánh cá. Mỗi chuyến biển mất gần 200 triệu đồng. Đưa được tàu vào bờ, ông Bé thuê thợ khắp nơi (Quảng Ngãi, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh) về sửa chữa nhưng không khắc phục được. Còn hư cả hộp số. Từ tháng 9/2015, con tàu Sang Fish 01 nằm bờ và tháng 4/2016, ông Bé trả nó cho SBIC.
“Sau khi trả tàu, SBIC gửi giấy báo nợ cho tôi 4 lần, đòi 2,2 tỷ đồng. Tôi có đôi tàu vỏ gỗ đang làm ăn ngon lành, nhưng vì sự nghiệp của đất nước bảo vệ vùng biển và hiện đại nghề cá, tôi nghe theo những lời mời gọi, ngờ đâu đi đến tuyệt vọng, tinh thần suy sụp, giờ muốn làm một chiếc thuyền thúng cũng không có vốn mà làm. Nợ nần chồng chất, không những một mình tôi mà cả 6 anh em trong gia đình tôi đều bị liên lụy, nợ ngân hàng, hiện anh em tôi phải đi làm mướn cho người ta để kiếm sống”, ông Bé than thở.
Theo hợp đồng ông Bé ký với SBIC ngày 24/12/2013, tàu Sang Fish 01 giao ông Bé sử dụng đánh cá và ông phải hoàn vốn cho SBIC trong 6 năm. Thời gian ông Bé nhận con tàu gần 2 năm, quy ra tiền là 2,2 tỷ. Để có 4,27 tỷ đồng mua thiết bị hàng hải, ngư lưới cụ và dụng cụ đánh cá, ông Bé bán đôi tàu gỗ được 1,8 tỷ đồng, thế chấp 6 sổ đỏ của gia đình vay vốn ngân hàng và vay mượn thêm người thân. Nay tiền vay ngân hàng cũng đến hạn, nếu không trả được, ông có nguy cơ mất luôn đất đai, nhà cửa. Số thiết bị hàng hải và ngư lưới cụ đưa lên tàu, khi trả tàu, ông Bé gỡ về được một ít thì không còn giá trị ban đầu.
Kêu cứu bất lực
Ông Phan Bé sinh năm 1973, theo tàu ra biển từ nhỏ và ngoài 20 tuổi đã dạn dày sóng gió. Năm 1999, ông cầm lái cho một chiếc tàu gỗ đóng theo dự án đánh bắt xa bờ, chỉ trong 3 năm giúp chủ tàu trả dứt món nợ 1,3 tỷ đồng. Năm 2003, ông quyết chí đóng tàu riêng để thoát cảnh làm thuê. Vay ngân hàng 100 triệu đồng và vay thêm anh em, ông có đôi tàu, nhờ đánh cá hiệu quả nên nâng cấp dần đến mỗi chiếc đạt 400 mã lực, thỏa sức ngang dọc vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Năm 2012, Chính phủ có Quyết định 1787 cho Quảng Ngãi đóng thí điểm 20 tàu vỏ thép, nhà nước hỗ trợ lãi suất 70%, còn 30% là vốn đối ứng của ngư dân. Ông Bé đăng ký nhưng chờ mãi không thấy chương trình triển khai thì được SBIC mời góp vốn đóng tàu mẫu.
“Lãnh đạo SBIC cùng Sở NN&PTNT Quảng Ngãi mời tôi dự nhiều hội thảo, hội nghị, động viên bán tàu gỗ tham gia đóng tàu vỏ thép mẫu. Tôi hỏi là có được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước hay không, tất cả trả lời là được”, ông Bé kể. Đại diện các cơ quan khẳng định, tham gia đóng tàu vỏ thép mẫu còn được hưởng nhiều ưu đãi nên ông Bé chấp thuận: SBIC đóng tàu, ông lo thiết bị hàng hải và ngư lưới cụ. Ông chính thức bán hai con tàu gỗ để tham gia dự án tàu vỏ thép.
Ông Bé tâm sự thêm, mấy năm gần đây, Trung Quốc phát triển tàu thép cỡ lớn, xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, tranh giành ngư trường, đàn áp ngư dân ta. Lắm lúc, ông nhận thông tin qua bộ đàm, ngư dân ta bị tàu Trung Quốc chặt phá ngư lưới cụ, lấy hết nhiên liệu và hải sản đánh bắt được, nghe mà rơi nước mắt, chỉ biết động viên nhau khắc phục để bám biển bảo vệ chủ quyền. “Tham gia đóng tàu vỏ thép, nghĩ mình đi tiên phong thì được hưởng chính sách ưu đãi từ nhà nước, doanh nghiệp nên sẽ thành công. Ngờ đâu kết cục đắng cay”, ông nói.
Trực tiếp đóng tàu Sang Fish 01 là Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang. Nguyên Giám đốc Công ty Lê Văn Toàn thừa nhận, tàu mẫu có nhiều bộ phận không phù hợp. Chẳng hạn, hệ thống tời cơ khí không thích hợp khi tải trọng thay đổi liên tục, bình thường nhẹ nhưng khi lưới nhiều cá lại rất nặng, phải dùng tời điện hay thủy lực mới thích hợp. Buồng lái con tàu quá cao cũng gây nhiều chao lắc.
Khao khát của ông Bé hiện nay, thoát khỏi nợ nần để làm lại từ đầu. “Mong các cơ quan đã động viên, hứa hẹn với tôi những năm trước, giờ quan tâm giúp đỡ”, ông tha thiết. Ông đã gửi đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan địa phương và Trung ương, mới nhận được công văn trả lời của Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi Dương Văn Tô ký ngày 26/4/2017. Trong đó viết, hợp đồng đóng tàu vỏ thép giữa ông và SBIC “là hợp đồng dân sự, được thỏa thuận giữa hai bên; không thực hiện theo chính sách nào, không có sự can thiệp, chỉ đạo của cơ quan Nhà nước. Vì vậy, việc phát sinh tranh chấp phải do hai bên thương lượng giải quyết, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án cấp có thẩm quyền giải quyết”. Đọc xong, ông Bé ngồi thừ, nước mắt lại ứa ra trên khuôn mặt sạm đen sóng gió.
>> Cùng với Sang Fish 01 còn có Hoàng Anh 01 được Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang đóng đồng thời. Tàu Hoàng Anh 01 giao cho ông Mai Thành Văn và cũng bị trả lại vào tháng 5/2015. Ông Văn cho biết, nhận con tàu ra khơi năm chuyến thì ba chuyến phải cầu cứu tàu bạn lai dắt về bờ. Gia đình ông vay ngân hàng hơn 2 tỷ đồng mua thiết bị hàng hải, ngư lưới cụ và nay mang nợ lớn không biết bao giờ trả được. “Lỗi từ phía đóng tàu, thiết kế đã sai mà còn làm sai thiết kế, không phù hợp với hoạt động của ngư dân”, ông Văn nói. |