(TSVN) – Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thủy sản nói chung, tôm nói riêng sang 3 thị trường lớn là Nhật Bản, EU, Mỹ. Bởi vậy, để có thể đưa sản phẩm tôm sang các nước này, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần chú trọng đến các tiêu chuẩn như ASC, GlobalGAP và BAP.
Theo số liệu của VASEP, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam từ đầu năm đến ngày 15/2/2023 đạt 228,3 triệu USD, giảm 40,7% so cùng kỳ năm ngoái. Ba thị trường hàng đầu của tôm Việt Nam là Nhật Bản, EU, Mỹ; lần lượt đạt giá trị 45,5 triệu USD, 34,4 triệu USD và 41,4 triệu USD.
Người tiêu dùng trên thế giới nói chung và 3 thị trường hàng đầu của tôm Việt Nam nói riêng ngày càng chú trọng đến việc tiêu thụ thủy sản bền vững và các tiêu chuẩn chứng nhận thủy sản ngày càng có xu hướng phát triển theo những đòi hỏi đa dạng đó. Người tiêu dùng ở Mỹ, EU hay Nhật Bản họ luôn có các yêu cầu bắt buộc về an toàn thực phẩm. Hơn 90% các nhà bán lẻ tại thị trường Bắc Mỹ và 75% các nhà bán lẻ tại thị trường EU… yêu cầu thủy sản phải đáp ứng với sự bền vững của môi trường.
Có nhiều tiêu chuẩn đã và đang được áp dụng trong NTTS ở Việt Nam như: SQF, GlobalGAP, ASC, BAP, Naturland, AquaGAP, VietGAP… Tuy nhiên, các tiêu chuẩn quan trọng được áp dụng phổ biến cho nuôi tôm xuất khẩu hiện nay là ASC, GlobalGAP và BAP. Đặc điểm chung của các tiêu chuẩn này là đều tập trung vào: Đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; an toàn dịch bệnh; an toàn môi trường; an toàn xã hội; và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
ASC là chữ viết tắt của Aquaculture Stewardship Council (Hội đồng quản lý NTTS), là một tổ chức độc lập, phi chính phủ và phi lợi nhuận. ASC được thành lập vào năm 2009 bởi Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan (IDH) để quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu cho việc NTTS có trách nhiệm. Tiêu chuẩn chủ yếu tập trung vào các khía cạnh môi trường và xã hội.
BAP là chữ viết tắt của Best Aquaculture Practices (Thực hành NTTS tốt nhất) của Tổ chức Liên minh thủy sản toàn cầu (GAA). GAA là một tổ chức quốc tế, phi chính phủ và phi lợi nhuận, có mục tiêu chính là hỗ trợ NTTS có trách nhiệm về mặt môi trường và xã hội. GAA thành lập năm 1997 với 59 thành viên ở châu Mỹ, châu Âu và châu Á. Hiện nay đã có hơn 1.100 thành viên ở 70 quốc gia và đã trở thành tổ chức nổi bật nhất đại diện cho ngành công nghiệp thủy sản toàn cầu.
Chương trình chứng nhận BAP được thực hiện cho các lĩnh vực khác nhau từ trại giống và nhà máy thức ăn đến trang trại và nhà máy chế biến. Chứng nhận BAP tập trung chủ yếu vào các mảng trách nhiệm với môi trường và xã hội, sức khỏe động vật, an toàn thực phẩm và chương trình truy xuất nguồn gốc tự nguyện đối với các cơ sở thủy sản. Đối tượng tham gia chứng nhận thành công sẽ được cấp nhãn chứng nhận BAP in trên bao bì sản phẩm, thể hiện sự cam kết của nhà sản xuất với khách hàng trong việc cung cấp thủy sản sạch và được khai thác bền vững.
GlobalGAP là tổ chức tư nhân thiết lập các tiêu chuẩn tự nguyện cho việc chứng nhận quy trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản) trên toàn cầu. Tiền thân là EurepGAP: Chính thức ra đời vào năm 2000 bởi các hệ thống siêu thị và những nhà cung cấp lớn ở châu Âu. Tháng 9/2007: Đổi tên thành GlobalGAP để mở rộng và nâng tầm quốc tế. Bộ tiêu chuẩn GlobalGAP đóng vai trò như là một quyển Sổ tay hướng dẫn về thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và được thiết kế nhằm cam đoan với người tiêu dùng về: Đảm bảo tính an toàn thực phẩm, giảm thiểu sự tác động đến môi trường do các hoạt động nông trại, cung cấp các hướng dẫn về an sinh động vật, đồng thời duy trì nguyên tắc có trách nhiệm đối với sức khỏe và sự an toàn của người lao động.
Hải Băng