(TSVN) – Do ách tắc trong tiêu thụ, sản phẩm cá nuôi lồng bè của không ít địa phương đang gặp khó với hàng nghìn tấn cá đến kỳ tiêu thụ mà vẫn “tồn” trong ao, người nuôi bị tổn thất không nhỏ.
Ghi nhận tại tỉnh Nghệ An, hiện các địa phương đang nỗ lực tìm cách tiêu thụ cá cho người nuôi. Các tổ chức đoàn thể đứng ra kết nối tiêu thụ; bán cá thông qua Facebook, Zalo; gửi công văn đề nghị Sở Công thương tỉnh, các huyện thành thị trong tỉnh để kết nối tiêu thụ… Tuy nhiên, với sản lượng nhiều, trong khi các loại thủy sản khác cũng đang gặp khó khăn chung nên việc tháo gỡ đầu ra cho cá hồng mỹ, cá vược vẫn còn bế tắc.
Thống kê tại huyện Nghi Lộc, toàn xã Nghi Thiết có 21 hộ nuôi cá lồng bè trên biển; Nghi Quang có 17 hộ nuôi; Cửa Lò có trên 45 hộ, chủ yếu là các loại cá như: vược, hồng Mỹ, cá chim và mú, sản lượng hàng năm lên đến 800 – 1.000 tấn cá các loại. Đây là các loại các đặc sản, có giá trị kinh tế cao, vốn đầu tư và chi phí thức ăn lớn; do đó, không tiêu thụ được, người dân thất thu không nhỏ. Cá lớn quá trọng lượng xuất chuồng, trong khi chi phí thức ăn phải trang trải hàng ngày khá lớn nên nhiều hộ nuôi đành phải cắt giảm lượng thức ăn cho cá, chỉ cho cá ăn đủ sức cầm cự. Một hộ nuôi chia sẻ, 44 lồng cá của anh phải cho ăn ngày 2 bữa/ngày, tốn đến 10 triệu tiền thức ăn; nhưng giờ cắt giảm hết, chỉ dám cho cá ăn 1 bữa/ngày, hết 5 triệu đồng, càng kéo dài càng thua lỗ. Mặt khác, cá nuôi đến kỳ thu hoạch không bán được, trọng lượng tăng, lồng chật sẽ nảy sinh dịch bệnh, hao hụt cá. Nhưng đáng lo nhất là bước vào mùa mưa bão, nếu cá không thu hoạch, không bán kịp, bão tràn vào, lồng bè bị sóng đánh trôi thì ngư dân đối mặt với nguy cơ mất trắng.
Ảnh minh họa
Dựa vào lợi thế của sông Kinh Thầy và sông Thái Bình, nghề nuôi cá lồng tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương rất phát triển, tập trung các loại cá rô phi, điêu hồng, trắm, chép giòn, cá lăng. Tính đến tháng 9/2021, huyện có 105 hộ nuôi cá lồng với 2.822 lồng cá tại 9 xã: Nam Hưng, Nam Tân, Thanh Quang, An Bình, Cộng Hòa, Hiệp Cát, An Sơn, Thái Tân và Minh Tân. Năm 2020, sản lượng cá lồng của Nam Sách khoảng 7.400 tấn; riêng 9 tháng năm 2021 ước đạt 3.300 tấn. Đến nay, cá lồng Nam Sách đã được bán tới nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định… Tuy nhiên, dịch COVID-19 kéo dài thời gian qua đã ảnh hưởng tới sản xuất và kinh doanh cá lồng của địa phương. Hiện tại, chỉ mới gần 900 tấn cá được tiêu thụ và còn tồn đọng khoảng 2.400 tấn cá.
Ông Hồ Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách đánh giá, việc tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản nói chung trong bối cảnh dịch COVID-19 đã và đang gặp khó khăn, trong đó có cá lồng. Nguyên nhân chính do hệ thống nhà hàng khắp các nơi phải đóng cửa trong thời gian dài để phòng, chống dịch. Chính quyền địa phương đã kết nối với Sở Công thương để đưa ra giải pháp tháo gỡ. Huyện rất mong muốn tiếp tục được hỗ trợ để quảng bá các nông sản nói chung và cá lồng nói riêng, đưa các sản phẩm này lên sàn thương mại điện tử.
Ngày 30/9 vừa qua, Sở Công thương tỉnh Hải Dương đã tổ chức Hội nghị kết nối, tiêu thụ cá lồng huyện Nam Sách năm 2021. Tại đây, có 5 đơn vị ký biên bản thỏa thuận với các hộ nuôi cá lồng để tiến hành thu mua tiêu thụ sản phẩm, trong đó, có 2 sàn thương mại điện tử là Voso của Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel và Postmart của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.
Theo UBND phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, trên địa bàn phường vẫn còn khoảng 40 tấn cá đang trong độ tuổi thu hoạch cần được tiêu thụ để giải phóng mặt bằng, gồm: 20 tấn cá bớp, 10 tấn cá sủ và khoảng 10 tấn cá mú, cá dìa, cá vầu, cá chim… Mặc dù, các chợ đã mở cửa trở lại nhưng công suất hoạt động hạn chế khiến tiểu thương không mặn mà với hải sản nuôi trồng.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiêu thụ hải sản, thu hồi vốn, trao trả mặt bằng cho nhà nước đúng thời gian yêu cầu, UBND phường Nại Hiên Đông đã có đơn đề nghị Sở Công thương và các hội doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ việc thu mua số hải sản nói trên. Trong thời gian này, UBND phường tiếp tục thông báo và vận động, yêu cầu người dân khẩn trương thu hoạch cá và tháo dỡ toàn bộ lồng bè trái phép, trả lại nguyên trạng môi trường tự nhiên ban đầu khu vịnh Mân Quang nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, trật tự, mỹ quan đô thị.