(TSVN) – Cùng với các loại tôm nuôi nước lợ và nước mặn như tôm sú và tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh được đánh giá là đối tượng nuôi còn nhiều tiềm năng phát triển tại vùng ÐBSCL. Nhất là trong bối cảnh ngành thủy sản đang chịu tác động sâu sắc từ biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, thì con tôm càng xanh lại khẳng định thêm lợi thế của mình.
Với chi phí đầu tư khá thấp, chỉ tốn tiền con giống, tôm thả nuôi mật độ thưa tận dụng các khoảng nước và thức ăn tự nhiên trên ruộng lúa không phải tốn tiền thức ăn, giá thành nuôi tôm theo mô hình này khá thấp và sản lượng tôm từ 300 – 600 kg/ha; mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh trên ruộng lúa có nhiều lợi thế và triển vọng phát triển nhân rộng tại vùng ÐBSCL mà điển hình là tại các tỉnh như: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre…
Tại Cà Mau, địa phương có tiềm năng thế mạnh về NTTS, đặc biệt là tôm; tổng diện tích tôm càng xanh toàn tỉnh khoảng 16.329 ha, tập trung tại 2 huyện U Minh và Thới Bình. Người dân địa phương năm nay có thể yên tâm vì Sở Công thương Cà Mau, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp đã có liên kết trong tiêu thụ tôm càng xanh của nông dân trong tỉnh. Hiện đã liên kết tiêu thụ hơn 2.200 tấn tôm càng của huyện Thới Bình; đặc biệt, đã có thương lái xuất tôm càng xanh sang thị trường Campuchia; các thị trường tiềm năng: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai, An Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Kiên Giang… rất ổn định.
Tổng diện tích tôm càng xanh toàn tỉnh Cà Mau khoảng 16.329 ha, tập trung tại 2 huyện U Minh và Thới Bình; Ảnh: Hoàng Diệu
Theo các hộ nuôi, tôm càng xanh thực sự giúp nông dân tăng thu nhập. Dù thời gian nuôi kéo dài và mỗi năm chỉ 1 vụ nhưng với kinh nghiệm của mình, nhiều nông dân trong ấp thử nghiệm thả nuôi sớm nên thu hoạch không còn tập trung, ùn ứ. Người có điều kiện có thể để tôm phát triển đến khoảng tháng 1 năm sau. Khi đó cuối vụ, tôm vừa tăng trọng lượng, vừa có giá để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Còn người dân tại các địa phương vùng phù sa ngọt như Cần Thơ, An Giang, Ðồng Tháp… phát triển nuôi tôm càng xanh rất thành công theo mô hình luân canh lúa – tôm trên ruộng lúa hay mô hình vuông tôm – ruộng lúa. Tùy điều kiện từng địa phương, nông dân có thể luân canh làm 1 vụ lúa và nuôi 1 vụ tôm/năm hoặc nuôi tôm liên tục nhiều vụ sau đó mới luân canh làm lúa. Nuôi tôm theo các mô hình này, nông dân thường nuôi với mật độ cao và phải cho ăn thêm các loại thức ăn tự chế và thức ăn công nghiệp nên giá thành nuôi tôm có thể lên đến 90.000 – 120.000 đồng/kg. Song, nhờ năng suất đạt cao từ 1 – 1,5 tấn/ha, người nuôi tôm càng xanh tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ cũng áp dụng giải pháp chọn giống tôm toàn đực để thả nuôi, thu hoạch tôm tỉa dần bán giá cao nên nông dân vẫn thu mức lời khá tốt. Trong các năm trước, nhờ tôm đạt giá cao 200.000 – 220.000 đồng/kg (loại 20 con/kg), các hộ dân có thể đạt lợi nhuận trên dưới 100 triệu đồng/ha/vụ nuôi.
Với lợi thế về diện tích đất sản xuất lúa trên dưới 4 triệu ha, cùng các tiểu vùng sinh thái đa dạng là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các mô hình nuôi tôm càng xanh theo hướng “thuận thiên” tại khu vực các tỉnh ĐBSCL. Nên theo các chuyên gia, để gia tăng lợi thế này, từng địa phương cần lựa chọn mô hình phù hợp và kịp thời tổ chức sản xuất, đầu tư hạ tầng, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho người dân để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với phát triển thị trường xuất khẩu cho con tôm càng xanh. Ðồng thời, có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng và giữa người nuôi với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để cân đối cung – cầu, đảm bảo có sản lượng tôm quanh năm và đạt các tiêu chuẩn, chất lượng để có thể xuất khẩu.
PGS.TS Dương Nhựt Long, Giảng viên cao cấp Khoa Thủy sản, Trường Ðại học Cần Thơ cho biết, trong điều kiện độ mặn lên đến 12‰, thậm chí cao hơn, con tôm càng xanh vẫn thích ứng và phát triển tốt. Ðây là “ứng cử viên” thủy sản sáng giá để phát triển nuôi tại ÐBSCL nhằm thích ứng biến đổi khí hậu gắn với ổn định và nâng cao thu nhập cho nông dân. Vấn đề chính là có giải pháp giải quyết đầu ra sản phẩm; làm sao để tôm càng xanh không chỉ được đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ trong nước mà phải được xuất khẩu. Về mặt kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi tôm, PGS.TS Dương Nhựt Long cho rằng, nuôi tôm càng xanh theo hình thức chọn giống toàn đực hay giống thông thường gắn với ruộng lúa hay chuyên canh trong ao đều hiệu quả. Nông dân chỉ cần lưu ý, nếu chọn giống thông thường có lẫn lộn đực cái, trong giai đoạn chuẩn bị thả nuôi cần chịu khó dành diện tích mặt nước để ươm dưỡng trong khoảng 2,5 – 3 tháng, sau đó bóc tách loại bỏ những con tôm cái, như vậy chi phí có thể giảm hơn so với mua con giống toàn đực giá cao. Cùng đó, cần chú trọng cải tiến kỹ thuật nuôi để nâng cao chất lượng và kích cỡ tôm; nâng cao tỷ lệ tôm đạt từ 4 – 10 con/kg, chứ không chỉ tập trung ở kích cỡ 15 – 20 con/kg như hiện nay.
Xuân Lan