Dịch bệnh EMS khiến ngành tôm Thái Lan tê liệt, nguyên liệu chế biến thiếu trầm trọng. Tuy nhiên, trong khi nhiều nước châu Á dễ dàng ồ ạt nhập khẩu tôm nguyên liệu thì Thái Lan quản rất chặt khâu này, nhằm giữ vững thương hiệu tôm Thái trên thị trường quốc tế.
Chuyển hướng linh hoạt
Khi ngành tôm Thái Lan chưa hồi phục sau đại dịch EMS, các nhà chế biến tôm đã nhanh chóng thay đổi chiến lược hoạt động ra nước ngoài hoặc chuyển hướng sang các sản phẩm giá trị gia tăng để giảm sự phụ thuộc vào tôm.
Poj Aramwattananont, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản đông lạnh Thái Lan (TFFA) kể: “Chúng tôi đã lập kế hoạch phát triển dài hạn cho ngành tôm và sẽ sớm đưa Thái Lan trở thành vựa cung cấp nguyên liệu hoặc sản phẩm giá trị gia tăng cho toàn khu vực châu Á. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay của ngành tôm, đây là tham vọng không nhỏ. Tuy nhiên, TFFA tin vào thế mạnh riêng của tôm Thái Lan và sự linh hoạt của các doanh nghiệp”. Rittirong Boonmechote, Giám đốc điều hành Thai Union khẳng định, muốn vực dậy ngành tôm cũng như mang lại sự phát triển cho doanh nghiệp thì tầm nhìn phải vượt ra khỏi biên giới Thái Lan. Thai Union đang hỗ trợ Công ty Chế biến tôm Avanti mở rộng sản xuất, “lấn sân” sang lĩnh vực thức ăn chăn nuôi.
Nhập khẩu một số loại tôm của Thái Lan (tháng 1 – tháng 8/2014), đơn vị: tấn
Nhiều nhà chế biến thủy sản Thái Lan đã đầu tư sản xuất ở nước ngoài như Charoen Pokphand Foods, vừa thành lập 2 nhà máy ở Việt Nam và Thai Union Frozen Product mở công ty Avanti Feeds ở Ấn Độ. Hiện, ngoài Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia đang trở thành đích đến đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư Thái Lan trong lĩnh vực tôm nói riêng và thủy sản nói chung.
Quản chặt nhập khẩu
Làn sóng nhập khẩu ở các “cường quốc tôm”, trong đó có Thái Lan và Việt Nam, lan nhanh từ cuối năm ngoái. Tuy nhiên, trong khi Việt Nam có thể ồ ạt nhập khẩu tôm với số lượng lớn từ châu Á và Mỹ La tinh thì Thái Lan lại gặp không ít khó khăn bởi việc đưa một lô hàng tôm “ngoại” trót lọt vào Thái Lan là điều không đơn giản do khâu quản lý rất ngặt.
Nhiều nguồn tin cho rằng chính phủ Thái Lan đang cố tình làm khó doanh nghiệp nhập khẩu để đảm bảo lợi ích cho người nuôi tôm nội địa. Chính phủ Thái Lan thừa hiểu khó khăn của ngành tôm nước này do thiếu nguyên liệu suốt hai năm qua. Nhưng trong bối cảnh đó, chính phủ Thái lại ban hành nhiều luật mới, kiểm soát nhập khẩu tôm khắt khe hơn. Luật hiện hành quy định các công ty nhập khẩu tôm phải cung cấp mẫu cho cơ quan quản lý để tiến hành kiểm nghiệm, nhằm ngăn chặn kịp thời những lô hàng tôm nhiễm bệnh, kháng sinh, hóa chất cấm. Hàng nhập khẩu sẽ được cách ly trong kho lạnh, chờ cơ quan chức năng tới lấy mẫu và phân tích. Kết quả sẽ trả cho chủ hàng trong 6 – 8 tuần, nếu đạt chỉ tiêu chất lượng thì lô hàng mới được giải phóng.
Tôm nguyên liệu “ngoại” vào Thái Lan không phải việc dễ – Nguồn: Pulitzercenter
Cơ quan Quản lý nghề cá Thái Lan (DoF) cũng đang nỗ lực kết nối dữ liệu nhập khẩu tôm nguyên liệu với hệ thống Dữ liệu quá trình điều chuyển tôm-SMD. SMD là công cụ hữu hiệu giúp Thái Lan dễ truy xuất nguồn gốc. Tất cả dữ liệu liên quan số lượng, điểm mua, điểm bán cuối cùng sẽ được lưu vào hệ thống SMD. Với các lô hàng xuất khẩu, DoF sẽ cấp giấy chứng nhận xuất xứ đặc biệt (CO). Riêng hàng xuất đi Mỹ buộc phải có đơn DS-2031 và CO chứng nhận tôm được nuôi, do thị trường này không chấp nhận tôm tự nhiên của Thái Lan.
Chính phủ Thái Lan còn yêu cầu làm rõ điểm đến cuối cùng của lô hàng tôm nhập khẩu. Nhiều lô hàng tôm nguyên liệu nhập khẩu ở Ấn Độ và chế biến ở Thái Lan sẽ phải ghi rõ thông tin “xuất xứ Ấn Độ, sản xuất tại Thái Lan” lên nhãn mác sản phẩm và toàn bộ chứng từ hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường thứ ba. Nếu không ghi rõ thông tin trên, chủ hàng sẽ phải chịu thêm 5% thuế nhập khẩu. Aramwattananont, Chủ tịch TFFA thừa nhận, luật quá chặt khiến nhiều doanh nghiệp rất khó nhập khẩu tôm nguyên liệu, nhưng lại chặn đứng các lô hàng kém chất lượng tuồn vào thị trường Thái Lan. Tôm được sản xuất ở khắp thế giới, không riêng Thái Lan. Trong khi đó, tôm Ấn Độ, Ecuador đang rất mạnh. Do đó, các nhà chế biến tôm Thái Lan đều hiểu rõ, muốn giữ vững thị trường, cần phải mang lại những sản phẩm sạch, an toàn, minh bạch và giá trị gia tăng lớn.
>> Poj Aramwattananont, Chủ tịch TFFA: “Tôm đông lạnh Thái Lan đã đứng vững trên thị trường nước ngoài hơn 60 năm qua, tôm thẻ chân trắng cũng tạo dựng uy tín suốt 25 năm. Ngành tôm Thái Lan có lịch sử lâu đời và tốt đẹp, do đó, chúng tôi sẽ không phá vỡ lịch sử chỉ vì những khó khăn nhất thời và sự cố ngoài ý muốn của ngành tôm hai năm qua”. |