(TSVN) – Nối tiếp đà tăng trưởng những tháng cuối năm 2020, 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn tốt trên thị trường thế giới. Đây là lực đẩy rất mạnh, để con tôm Việt Nam có những bứt phá trong các tháng tới.
Về xuất khẩu, theo VASEP, 2 tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể bởi tình trạng thiếu tàu, thiếu container và cước phí vận tải tăng vọt, đặc biệt là cước tàu đi Mỹ và EU. Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng siết chặt kiểm soát dịch Covid-19 với hàng thủy sản nhập khẩu khiến cho xuất khẩu thủy sản thêm khó khăn.
Nhưng từ giữa tháng 3, tình trạng thiếu hụt container được cải thiện và Trung Quốc cũng nới lỏng kiểm soát dịch bệnh trên hàng hóa nhập khẩu, do vậy xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 có kết quả khả quan hơn. Tính chung 3 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 661,1 triệu USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ, EU, Australia, Anh, Nga tăng mạnh trong tháng 3 (lần lượt 49%, 27%, 37%, 31% và 97%) khiến cho thị trường xuất khẩu tôm quý I có nhiều tín hiệu tích cự sau khi lũy kế 2 tháng đầu năm giảm so cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam với trên 20%, đạt 134,6 triệu USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhật Bản đứng thứ 2 với 126 triệu USD, chiếm 19%.
Tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam quý I/2021 đạt 661,1 triệu USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Ảnh: Phan Thanh Cường
Xuất khẩu tôm sang EU tăng 8% đạt 95 triệu USD, chiếm 14,5%; trong đó xuất khẩu sang các thị trường chính là Hà Lan, Đức và Bỉ đều tăng trưởng 2 con số (lần lượt 10%, 16% và 10%).
Ngoài ra, thị trường Australia, Nga và Anh đang chiếm tỷ trọng đáng chú ý, trong tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam 3 tháng đầu năm nay, với giá trị lần lượt đạt 40,9 triệu USD, 40,4 triệu USD và 11,2 triệu USD.
Quý I/2021, TTCT vẫn được các thị trường ưa chuộng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, xu hướng tiêu thụ tập trung vào kênh bán lẻ, siêu thị, nên kích cỡ tôm cỡ nhỏ, phù hợp chế biến tại nhà có nhiều nhu cầu hơn tôm cỡ lớn, giá cao. Ba tháng đầu năm, xuất khẩu TTCT đạt 507 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm gần 77% kim ngạch xuất tôm. Trong đó, TTCT chế biến (HS16) chiếm tỷ trọng cao hơn với 263 triệu USD, tăng 22%, trong khi tôm đông lạnh đạt 243 triệu USD, tăng 8%.
Trái ngược lại, xuất khẩu tôm sú tiếp tục giảm sâu 26% khi đạt gần 92 triệu USD và chỉ còn chiếm 14% tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng tôm. Đáng chú ý, tại 3 thị trường lớn là Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ, xuất khẩu tôm sú đều giảm mạnh, giảm lần lượt 24%, 30% và 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với đó, xuất khẩu các loại tôm biển quý đầu năm nay tiếp tục đà giảm, tổng kim ngạch chỉ đạt 62,7 triệu USD, giảm 3% so cùng kỳ năm trước và chiếm 9,5% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm. Tuy nhiên, trái ngược với sự sụt giảm của tôm chế biến và tôm đông lạnh (giảm lần lượt 8,7% và 10%), xuất khẩu tôm khô lại có sự bứt phá ngoạn mục với kim ngạch gấp đôi cùng kỳ năm 2020.
Hiện nay, mùa vụ thả nuôi tôm nước lợ mới đã bắt đầu nhộn nhịp, do các yếu tố thời tiết, độ mặn… cơ bản đáp ứng yêu cầu. Dự báo trước mắt giá tôm nhiều khả năng ở mức cao đến giữa quý II, nhưng về lâu dài sẽ rất khó đoán, bởi còn phụ thuộc vào tình hình cung – cầu thị trường và diễn biến của dịch Covid-19.
Theo dự báo của VASEP, thời gian tới, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang một số thị trường chính vẫn còn nhiều thuận lợi, nhưng có thể sẽ xuất hiện một số khó khăn đáng kể. Tuy nhiên, để giữ vững được các thị trường, bắt buộc các doanh nghiệp phải có những điều chỉnh và lưu ý cụ thể.
Với thị trường Australia, các doanh nghiệp cần đảm bảo tuân thủ những yêu cầu của thị trường này, do Australia là một trong những quốc gia có các tiêu chuẩn về an toàn sinh học và an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao, kiểm dịch khắt khe.
Với thị trường Nhật Bản, dự báo, nhu cầu nhập khẩu trong thời gian tới sẽ tăng mạnh ở nhóm hàng thủy sản đông lạnh, đóng hộp dễ chế biến tại nhà và có mức giá trung bình. Do vậy, cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tôm có cỡ phù hợp đang có lợi thế.
Với các thị trường lớn như Mỹ, EU, mặt hàng tôm có nhiều tín hiệu tốt, vì nhu cầu tôm cho phân khúc bán lẻ tiếp tục đà gia tăng. Việc triển khai tiêm vaccine diện rộng ở những thị trường này giúp người dân dần yên tâm, quay lại với các hoạt động du lịch, giải trí và các hoạt động công cộng, do vậy, nhu cầu sẽ hồi phục cả ở lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và dịch vụ.
Đồng thời, con tôm nước ta cũng kỳ vọng các thị trường như: Đức, Đài Loan, Hàn Quốc… Cùng đó, Australia, Canada, Anh, Nga sẽ tiếp tục được dự báo là những điểm sáng mới, trong bức tranh xuất khẩu quý II và nửa cuối năm, vì nhu cầu đang gia tăng và không gặp những bất ổn hay rào cản thị trường.
Bảo Hân