Đó là trường hợp tôm bị “cấm cửa” tại thị trường Kuwait vừa qua và trước đó là Ả rập Xê út khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm nước này ban hành lệnh tạm dừng nhập khẩu đối với mặt hàng thủy sản, động vật giáp xác và các sản phẩm thủy sản của Việt Nam.
Xuất khẩu tôm gặp khó tại thị trường Trung Đông
Kuwait
Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait cho biết, nước này tạm ngừng thông quan một số sản phẩm tôm có xuất xứ từ Việt Nam, bắt đầu từ 17/5/2018. Nguyên nhân được cho là một số sản phẩm tôm và động vật giáp xác (tươi, ướp lạnh, đông lạnh, đã qua xử lý) có xuất xứ từ Việt Nam xuất hiện virus bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính. Đánh giá của cơ quan liên quan cho thấy, có thể việc Kuwait ban hành lệnh cấm này dựa trên cơ sở tham khảo ý kiến của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) và dựa trên quyết định tương tự của Ả rập Xê út tạm ngừng nhập khẩu một số sản phẩm tôm của Việt Nam năm 2016 và toàn bộ thủy sản của Việt Nam cuối tháng 1/2018.
Theo tính toán, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Kuwait chỉ chiếm khoảng 0,15% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là một trong những cửa ngõ vào thị trường Trung Đông cho các mặt hàng nông sản nói chung của Việt Nam. Do vậy, việc ngừng nhập khẩu sẽ ảnh hưởng lớn đến các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực này.
Ả rập Xê út
Theo VASEP, từ cuối tháng 1/2018, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Vương quốc Ả rập Xê út (SFDA) đã ban hành chỉ thị tạm đình chỉ nhập khẩu các sản phẩm cá, giáp xác và các sản phẩm thủy sản khác từ Việt Nam. Lý do được đưa ra là căn cứ vào “Báo cáo quý về tình hình dịch bệnh thủy sản khu vực Thái Bình Dương của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và trên kết quả chuyến công tác của SFDA tại Việt Nam vào cuối năm 2017.
Theo VASEP, việc đình chỉ nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam không chỉ gây bất ngờ cho Cơ quan thẩm quyền và doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, mà còn gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất khẩu sang thị trường lớn tại Trung Đông.
Trong một lần trả lời báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho rằng, sự việc này hoàn toàn do doanh nghiệp Việt Nam. Bởi khi Ả rập Xê út thông báo sang thăm, đánh giá ngành thủy sản Việt Nam, có không ít doanh nghiệp nghĩ đây là thị trường nhỏ, không quan trọng và dễ tính nên chủ quan. Nhiều doanh nghiệp không có sự chuẩn bị và khi đoàn tham quan của Ả rập Xê út phát hiện các lỗi trong quy trình chế biến, họ ra quyết định tạm dừng nhập thủy sản Việt Nam, trong đó có mặt hàng cá tra.
Mặc dù nhiều suy đoán, nhưng thực chất nguyên nhân lệnh cấm lần này của phía Ả rập Xê út là gì vẫn chưa rõ. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho ngành và các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong việc khắc phục để nối lại các hoạt động thương mại tại đây.
Đây không phải là lần đầu tiên thủy sản Việt Nam nhận lệnh cấm từ nước này. Trước đó, hồi tháng 4/2016, Ả rập Xê út cũng thông báo tạm thời không thông quan các lô hàng tôm tươi, làm lạnh, đông lạnh có nguồn gốc từ Việt Nam.
Việc hạn chế hay cấm nhập khẩu từ các thị trường này dù không ảnh hưởng quá trầm trọng về kinh tế, thế nhưng nó lại gây những tác động xấu đến hình ảnh thủy sản Việt Nam, nhất là thời điểm toàn ngành đang gắng sức xây dựng thương hiệu để đẩy mạnh xuất khẩu và nỗ lực dập tắt những thông tin truyền thông bôi nhọ từ nước ngoài. Có lẽ ngành và các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam thời gian tới sẽ có rất nhiều việc phải làm.
>> Năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Ả rập Xê út đạt 53,4 triệu USD. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu mặt hàng này tại đây chỉ đạt 10,6 triệu USD, giảm tới hơn 60% so với cùng kỳ năm trước. |