(TSVN) – UBND tỉnh Trà Vinh vừa có quyết định ban hành kế hoạch hành động thực hiện chiến lược phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kế hoạch hành động được ban hành với mục tiêu phát triển ngành thủy sản tỉnh Trà Vinh hiệu quả, bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển ngành thủy sản theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, có khả năng cạnh tranh và giá trị xuất khẩu lớn trên thị trường, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động ngành thủy sản và các nghề liên quan, đóng góp vào an ninh thực phẩm, góp phần giảm nghèo bền vững, ổn định xã hội và phát triển kinh tế của tỉnh.
Kế hoạch đề ra các chỉ tiêu đến năm 2025 giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng trưởng bình quân 5%/năm trở lên; sản xuất nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 380 triệu đồng trên 1 ha mặt nước và diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 58.000 ha trở lên, sản lượng đạt 298,53 ngàn tấn (nuôi trồng 199,74 ngàn tấn, khai thác 98,79 ngàn tấn).
Đến năm 2030 giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng trưởng bình quân 4%/năm trở lên; sản xuất nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 450 triệu đồng trên 1 ha mặt nước và diện tích nuôi trồng thủy sản đạt từ 60.000 ha trở lên, sản lượng 390 ngàn tấn (nuôi trồng 265,5 ngàn tấn, khai thác 124,5 ngàn tấn). Tầm nhìn đến năm 2045 sẽ duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản bình quân 4%/năm trở lên, giá trị sản lượng bình quân mặt nước nuôi trồng thủy sản tăng 1,2 lần so với năm 2030.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh kiện toàn, củng cố, hoàn thiện và nâng cao năng lực hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành thủy sản trên địa bàn theo đúng chủ trương của Đảng, quy định của Luật Thủy sản, các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản phù hợp với Luật Thủy sản, các chính sách về phát triển thủy sản; phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực thủy sản thông qua việc tổ chức các hội nghị, các lớp tập huấn cho đối tượng liên quan tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa lớn, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp ở các huyện ven biển để tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Phát triển nuôi các loài cá truyền thống, cá bản địa,… ở vùng nông thôn có điều kiện sinh thái phù hợp nhằm chủ động nguồn cung thực phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình nông dân, góp phần giảm nghèo. Phát triển nuôi trồng thủy sinh vật làm cảnh, giải trí, đồ mỹ nghệ, dược phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng. Khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, giảm giá thành sản xuất, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Nâng cao năng lực quản lý và sản xuất nuôi trồng thủy sản theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, sản xuất giống, vật tư thủy sản, phòng trừ dịch bệnh, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản: Tổ chức điều tra, đánh giá nguồn lợi hải sản vùng ven bờ và vùng lộng biển Trà Vinh; đề xuất các giải pháp bảo vệ và khai thác bền vững; triển khai thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tổ chức hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản; xây dựng Quỹ Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản tại địa phương theo Luật Thủy sản và các hướng dẫn của Trung ương.
Về khai thác thủy sản, triển khai quyết liệt nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); tổ chức lại khai thác vùng lộng, vùng ven bờ và khai thác thủy sản nội địa hợp lý, gắn phát triển sinh kế cộng đồng ngư dân với nuôi trồng thủy sản, tiến tới chấm dứt nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản; ổn định và giảm dần nghề khai thác thủy sản vùng khơi theo hướng thân thiện môi trường; tổ chức khai thác thủy sản theo tổ hợp tác, hợp tác xã, khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực khai thác thủy sản, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị…
Thanh Tuyền