Trà Vinh: Đồng hành cùng nông dân phòng, chống dịch bệnh trên tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Vụ tôm năm 2015 (chủ yếu tôm sú, tôm thẻ chân trắng) thời tiết không thuận lợi, trước tết Nguyên đán 2015 thời tiết lạnh, từ đầu năm đến nay nắng nóng kéo dài, hiện xuất hiện những cơn mưa trái mùa, do đó tình hình dịch bệnh xảy ra ở các địa phương nuôi tôm trong tỉnh Trà Vinh đang tăng cao, bao gồm hội chứng hoại tử gan tụy cấp và bệnh đốm trắng…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, các vùng nước mặn, lợ trong tỉnh thả nuôi trên 1,44 tỷ con tôm sú giống, diện tích 17.901 ha; trên 1,29 tỷ con tôm thẻ chân trắng, diện tích 2.403 ha. Tuy nhiên, có 309,4 triệu con tôm sú giống và 330 triệu con tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại. Theo ngành chuyên môn tỉnh, tôm nuôi chết đa số ở giai đoạn 25 – 45 ngày tuổi, biểu hiện của tôm bệnh thường bơi vào bờ tấp mé và chết, xác định bệnh ban đầu là do bệnh hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng, phân trắng… ngoài ra, nguyên nhân chính cũng là do công tác thú y thủy sản của các địa phương còn yếu kém, nhiều tồn tại, bất cập chưa được khắc phục dẫn đến tình trạng tôm đã thiệt hại khắc phục chậm so với yêu cầu. Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật trên tôm nuôi, tăng cường đưa cán bộ bám sát địa bàn để hướng dẫn nông dân kỹ thuật nuôi và biện pháp khắc phục thiệt hại.

Để bảo vệ tốt vụ nuôi tôm nước lợ năm 2015, vừa qua tại Huyện ủy và UBND huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở NN&PTNT) phối hợp với Tập đoàn thủy sản Minh Phú tổ chức 02 cuộc hội thảo “Biện pháp phòng ngừa một số bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi”.  

Nông dân xã Long Hòa, huyện Châu Thành đang kiểm tra ao nuôi tôm sú.

Tại cuộc hội thảo, vấn đề mà người nuôi tôm quan tâm nhất hiện nay đó là bệnh hội chứng hoại tử gan tụy cấp ở tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Những ý kiến của nông dân đã được các nhà khoa học trả lời, giải thích về tác nhân, triệu chứng của bệnh, đồng thời hướng dẫn cách phòng bệnh cho tôm hợp lý, hiệu quả. Để phòng ngừa dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng,… các nhà khoa học khuyến cáo người nuôi tôm: Tẩy dọn ao nuôi triệt để, cần có ao lắng, ao xử lý nước riêng biệt, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong xử lý ao nuôi, diệt giáp xác; tôm thẻ chân trắng mùa vụ nuôi ngắn, thích ứng tốt với điều kiện ruộng muối, nên khuyến khích nuôi ở các vùng nuôi thâm canh và bán thâm canh; không thả nuôi với mật độ cao; chọn giống sạch bệnh, được kiểm dịch, không mang các tác nhân gây bệnh đốm trắng, đầu vàng, bệnh còi, hoại tử gạn tụy hoặc có dấu hiệu bất thường ở gan tụy; thực hiện ương tôm Post thành tôm giống lớn trước khi thả nuôi ra ao nuôi thương phẩm; luôn đảm bảo ôxy hòa tan trong các tầng nước ao cao, duy trì độ mặn và nhiệt độ nước không quá cao; các tháng có nhiệt độ cao (tháng 4 – 7) duy trì nước ao sâu; định kỳ diệt khuẩn trong ao nuôi; sử dụng chế phẩm sinh học có chất lượng để xử lý môi trường; sử dụng thức ăn thích hợp, không để dư thừa thức ăn trong ao nuôi tôm. Khuyến khích mô hình nuôi tôm có thả cá rô phi đơn tính để làm sạch môi trường; các ao khi bị bệnh phải tẩy trùng triệt để, khoanh vùng, cách ly, không xả nước thải, tôm chết ra ngoài môi trường.

Tại cuộc hội thảo, các nhà khoa học còn đề xuất: Các cơ quan chuyên môn cần tăng cường kiểm tra chất lượng các loại chế phẩm sinh học dùng trong sản xuất tôm giống, nuôi tôm đang lưu hành trên thị trường, nghiêm cấm sản xuất kinh doanh các loại chế phẩm không đảm bảo chất lượng, thông tin rộng rãi chất lượng các chế phẩm đến cộng đồng sản xuất giống và nuôi tôm; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tôm giống, ngoài các tác nhân gây bệnh, như đốm trắng, đầu vàng, bệnh còi…, cần kiểm soát chất lượng tôm giống về hoại tử gan tụy cấp. Không cho lưu thông các tôm giống có mầm bệnh; rà soát điều kiện sản xuất tại các trại tôm giống từ chất lượng tôm bố mẹ, nguồn nước, sử dụng chế phẩm, chất tẩy trùng, quy trình quản lý trại giống; việc nhập khẩu tôm bố mẹ, đặc biệt là tôm bố mẹ tôm thẻ chân trắng ngoài yêu cầu sạch bệnh, cần đánh giá xuất xứ chất lượng sản xuất đàn bố mẹ từ nơi cung cấp trước khi cho nhập khẩu; thực hiện giám sát dịch bệnh chặt chẽ các vùng nuôi, để có biện pháp xử lý và ngăn chăn kịp thời; thông tin, đào tạo, tập huấn về nguyên nhân và các giải pháp phòng, trị bệnh đến đông đảo người nuôi tôm.

Với sự đồng hành của nhà khoa học, ngành nông nghiệp tỉnh, hy vọng rằng vụ nuôi tôm 2015, nông dân sẽ gặt hái được thành công.

Bài, ảnh: Phan Tuấn

www.travinh.gov.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!