Trà Vinh: Giá trị sản xuất nông, lâm và thủy sản tăng hơn 35 lần sau 30 năm tái lập tỉnh

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tháng 5/2022, tỉnh Trà Vinh sẽ kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh (5/1992 – 5/2022), dù còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức về điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, về biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản sau khi tái lập tỉnh, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đã đạt được những kết quả nổi bật và phát triển khá toàn diện. Qua đó, góp phần đưa giá trị sản xuất nông, lâm và thủy sản tăng hơn 35 lần sau 30 năm.

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, cơ cấu sản xuất nông, lâm và thủy sản của tỉnh Trà Vinh đã dần chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng thủy sản. Giá trị sản xuất nông, lâm và thủy sản năm 2021 đạt 27.863 tỷ đồng, tăng trên 35 lần so với năm 1992, bình quân hàng năm tăng hơn 13,2%, đóng góp khoảng 32% GRDP của tỉnh. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt khoảng 24%; tổng kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm đạt từ 40 – 45 triệu USD. Giá trị sản phẩm thu được trên diện tích đất trồng trọt từ 4,5 triệu đồng/ha (năm 1992) tăng lên 140 triệu đồng/ha (năm 2021) và trên diện tích đất mặt nước nuôi trồng thủy sản từ 27 triệu đồng/ha (năm 1992) tăng lên 325 triệu đồng/ha (năm 2021), có nơi đạt đến 0,8 – 1 tỷ đồng/ha. 

Trong sản xuất đã hình thành nhiều vùng canh tác theo hướng tập trung cao, hướng tới nâng cao chất lượng và liên kết thị trường tiêu thụ thông qua các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… Lĩnh vực trồng trọt, hình thành các vùng sản xuất tập trung các loại cây trồng chủ lực, nhân rộng được một số mô hình sản xuất có hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất cây trồng, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, thu nhập cho nông dân và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Giá trị sản xuất nông, lâm và thủy sản của tỉnh Trà Vinh tăng hơn 35 lần sau 30 năm tái lập tỉnh

Đến đầu năm 2022, tỉnh Trà Vinh đã có tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm trên 259.210 ha, đạt tổng sản lượng 2,45 triệu tấn (trong đó lúa 1,16 triệu tấn), tăng lần lượt 81.350 ha và 1,61 triệu tấn so với cùng kỳ năm 1992. Hàng năm, cải tạo và trồng mới khoảng 900 ha cây ăn trái và cây dừa, nâng tổng số đến nay 42.703 ha (cây ăn trái 18.260 ha, cây dừa 24.443 ha), sản lượng 600.320 tấn (cây ăn trái 284.500 tấn, cây dừa 315.820 tấn) tăng hơn gấp 3 lần so với năm 1992. 

Các địa phương đã chuyển đổi hàng năm khoảng 2.500 ha diện tích gieo trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 1,3 – 6 lần. Lĩnh vực chăn nuôi, chuyển đổi mạnh từ nuôi nhỏ lẻ sang tập trung, chất lượng con giống được cải thiện đáng kể, đã giúp tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi, tăng giá trị sản lượng và chất lượng sản phẩm. Tổng đàn vật nuôi năm 2021 trên đàn bò 219.500 con (tăng hơn 7,11 lần so với năm 1992), đàn heo 242.180 con (tăng 1,52 lần), đàn gia cầm 6,81 triệu con (tăng hơn 2,5 lần). 

Lĩnh vực thủy sản phát triển khá toàn diện cả nuôi trồng ở 3 vùng sinh thái (mặn, lợ và ngọt) và khai thác thủy sản thông qua việc điều chỉnh cơ cấu con nuôi, phát triển các vùng nuôi tập trung, đầu tư kết cấu hạ tầng, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường. Vận động nông dân chuyển đổi hơn 9.500 ha nuôi thủy sản khác sang nuôi tôm thẻ chân trắng; chuyển đổi hình thức nuôi tôm từ quảng canh sang nuôi thâm canh, bán thâm canh lên 17.510 ha (năm 2021), tăng 100% so với năm 1992; trong đó, nuôi tôm thâm canh mật độ cao khoảng 865 ha, năng suất bình quân từ 50 – 70 tấn/ha; duy trì 5.750 ha diện tích nuôi tôm sinh thái kết hợp với chăm sóc bảo vệ rừng tập trung, chủ yếu ở huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải; lúa – thủy sản 5.600 ha, tập trung ở các huyện: Châu Thành, Cầu Ngang và Duyên Hải. Nhờ đó, diện tích và sản lượng nuôi thủy sản tăng qua các năm, ước tính năm 2021, diện tích nuôi thủy sản đạt khoảng 57.600 ha (tăng 3,6 lần so với năm 1992), sản lượng ước đạt 220.820 tấn (tăng hơn 157.000 tấn); trong đó, sản lượng nuôi 149,74 tấn, sản lượng khai thác 71.080 tấn

Theo kế hoạch, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, phấn đấu đến năm 2030 đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm, thủy sản đạt bình quân trên 5%/năm. Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1,5 – 2%/năm. Phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 4,45%, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 4.000 ha. 

Để triển khai đạt kế hoạch, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân, các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp về phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn sản xuất trong nông nghiệp, loại bỏ dần các mô hình sản xuất nông nghiệp cũ, mô hình kinh tế tuyến tính. Dựa trên các mô hình đã có, phù hợp đặc trưng của từng tiểu vùng (ngọt, ngọt hóa, mặn và cù lao) để phát huy tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên của các tiểu vùng phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu; cơ cấu lại các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo hướng tập trung, chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. 

Đồng thời, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp kết hợp với công nghệ cao để cạnh tranh với sản phẩm nông sản trên thế giới về chất lượng, mẫu mã, giá thành, phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, có địa chỉ rõ ràng và đăng ký thương hiệu, địa chỉ địa lý. Triển khai thực hiện và hoàn chỉnh cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực đầu tư vào kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông tin trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị. Tổ chức lại sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn phù hợp với cơ chế thị trường. Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại nông thôn ngày càng hiện đại, đảm bảo tăng cường liên kết tiểu vùng, đáp ứng yêu cầu quy mô sản xuất hàng hóa lớn và hội nhập quốc tế.

Thanh Tuyền

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!