Trà Vinh: Hướng đi nào cho nghề nuôi cá lóc ở Trà Cú?

Chưa có đánh giá về bài viết

Dù được các cơ quan chức năng khuyến cáo nhưng nhiều hộ dân huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) vẫn đua nhau bỏ mía đào ao nuôi cá lóc, kéo theo nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và tạo ra điệp khúc “được mùa, rớt giá”.

Hệ lụy từ việc bỏ mía đào ao

Cây mía, cây lúa từng là nguồn kinh tế chính của người dân Trà Cú; nhưng nay nghề nuôi cá lóc đã phát triển nhất ở đây. Một điều dễ hiểu, giá trị từ cá lóc hiện nay cao hơn nhiều lần so với giá trị từ lúa, mía đem lại. Với mức giá cá lóc thương phẩm 35.000 – 37.000 đồng/kg thì sau 5 tháng nuôi, người nuôi có thể thu lãi 30 – 40 triệu đồng trên diện tích 1.000 m2. Nếu đúng thời điểm giá cá lóc tăng cao kỷ lục 40.000 – 42.000 đồng/kg, người nuôi có lãi cả trăm triệu đồng. Cùng diện tích 1.000 m2 trồng mía, dù giá cao nhất, người trồng cũng chỉ được lãi 18 – 20 triệu đồng; nếu giá xuống thấp thì rất dễ lỗ. Lợi nhuận cao từ cá lóc đã khiến các hộ dân nơi đây “khai tử” cây mía, ồ ạt chuyển sang nuôi cá lóc thương phẩm.

Người dân Trà Cú đổ xô đào ao nuôi cá lóc – Ảnh: Hữu Tín

Năm 2011, toàn huyện mới có 329 hộ thả nuôi cá lóc, diện tích gần 40 ha, tập trung ở các xã Định An, Đại An. Đến năm 2013, diện tích nuôi cá lóc toàn huyện tăng đột biến, với gần 2.000 hộ thả nuôi, trên diện tích hơn 200 ha. Đây là thời điểm người nuôi đứng trước tình trạng khốn đốn do giá cá lóc  giảm mạnh nhất. Cuối năm 2013, giá có lóc bắt đầu giảm từ 42.000 đồng/kg xuống còn 36.000 đồng/kg; đầu năm 2014 chỉ còn 26.000 đồng/kg. Với giá thành sản phẩm bình quân 30.000 đồng/kg, người nuôi bị lỗ 4.000 – 5.000 đồng/kg; nhiều hộ thua lỗ hàng trăm triệu đồng.

Mấy năm nay, nghề nuôi cá lóc của huyện Trà Cú cũng phát sinh những bất cập: Chất lượng con giống không đảm bảo, do người nuôi mua từ các tỉnh lân cận chưa qua kiểm định. Vùng nuôi chưa được quy hoạch nên hệ thống kênh thủy lợi chưa sẵn sàng đáp ứng việc nuôi quy mô, diện rộng. Đáng lo hơn, chất thải trong ao thường được xả trực tiếp ra kênh rạch, gây ô nhiễm môi trường nước. 

 

Giải pháp nào?

Nhiều chuyên gia cho rằng, để nghề nuôi cá lóc của huyện Trà Cú phát triển bền vững, cần định hướng cụ thể hơn. Theo đó, ngành nông nghiệp cần thường xuyên tổ chức trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi, tập huấn cho người nuôi, chuyển giao kỹ thuật sử dụng thức ăn trong quá trình nuôi, để giảm mức độ ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp, công ty có uy tín trong lĩnh vực sản xuất con giống vào đầu tư sản xuất, tránh để người nuôi mua giống kém chất lượng, ảnh hưởng đến năng suất. Hơn nữa, cần quy hoạch cụ thể vùng nuôi cá lóc, qua đó mới có cơ sở để đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu nguồn nước của các hộ nuôi. Và điều không thể không lưu ý: Để tránh thả nuôi tự phát khiến cung vượt cầu, rớt giá, người dân cần lắng nghe ý kiến các đơn vị chuyên môn; không theo tâm lý đám đông, cứ thấy nuôi cá lóc có lãi là đổ xô vào, như thời gian vừa qua.

>>  Sau Tết Ất Mùi, giá cá lóc tiếp tục giảm sâu. Với giá 27.000 – 30.000 đồng/kg thương lái đang mua, nhiều hộ nuôi đang đứng trước tình trạng lỗ nặng và tiếp tục “treo” ao.

Hữu Tín

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!